Ưu tiên chiến lược
Việc Mỹ gỡ bỏ cấm vận và ca ngợi những tiến bộ của Myanmar trên con đường tiến đến dân chủ, dù được hoan nghênh, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này.
Quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar và động lực giữa Naypyidaw và Washington đã trở thành điểm ưu tiên chiến lược trong chính sách châu Á của Mỹ. (Nguồn: Nhà Trắng) |
Quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar và động lực giữa Naypyidaw và Washington đã trở thành điểm ưu tiên chiến lược trong chính sách châu Á của Mỹ. Ảnh hưởng lâu dài của Trung Quốc ở Myanmar và những động thái mới của Myanmar trong việc đa dạng hóa các mối quan hệ của họ dường như đem lại ý nghĩa địa chiến lược cho mối quan hệ Mỹ - Myanmar.
Trong khi Chính quyền Obama mất nhiều năm để có được mối quan hệ gần gũi hơn với Myanmar thì Nhà Trắng lại chuẩn bị đón Tổng thống mới. Mối quan hệ Mỹ - Myanmar sẽ ra sao trong thời gian tới chắc chắn là mối quan tâm của các đối thủ cạnh tranh chiến lược cũng như các đối tác của Mỹ.
Ngày 14/9, trong chuyến thăm chính thức đến Mỹ của Cố vấn Nhà nước kiêm Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi, Tổng thống Obama tuyên bố Washington đã sẵn sàng dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Myanmar.
Ngoài ra, Mỹ sẽ dành cho Myanmar một số ưu đãi thương mại, chẳng hạn sẽ đưa Myanmar trở lại danh sách các nước được hưởng Hệ thống ưu đãi phổ quát (GSP) - một cơ chế miễn thuế đối với hàng hóa từ các nước nghèo và đang phát triển nhập khẩu vào Mỹ.
Bước đi thận trọng
Tuy nhiên, không phải tất cả các biện pháp trừng phạt có thể được gỡ bỏ ngay lập tức. Dưới thời Tổng thống George Bush, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Dân chủ và Tự do Myanmar, cấm tất cả các hàng nhập khẩu từ Myanmar. Trong năm 2013, Chính quyền Obama đã nới lỏng một số quy định của Đạo luật này, nhưng vẫn tiếp tục cấm nhập khẩu các loại đá quý.
Ngoài ra, Văn phòng Kiểm soát Tài sản nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ vẫn duy trì một danh sách đặc biệt (SDN), trong đó nghiêm cấm các công ty Mỹ có quan hệ làm ăn với các đơn vị, cá nhân được nêu trong danh sách. Danh sách này bao gồm “các cá nhân và công ty thuộc sở hữu hoặc kiểm soát, hoặc thay mặt cho các nước trong mục tiêu của Mỹ” cũng như “các tổ chức khủng bố và buôn bán ma túy”.
Tháng 5/2016, OFAC đã xóa tên 7 doanh nghiệp và 3 ngân hàng quốc doanh của Myanmar khỏi danh sách trừng phạt, đồng thời cấp một giấy phép chung cho phép công dân Mỹ sinh sống và kinh doanh tại Myanmar.
Tuy nhiên, OFAC cũng đã thêm 6 công ty vào danh sách SDN thuộc sở hữu của ông Steven Law và tập đoàn Asia World của ông này, cho dù tập đoàn này tuyên bố đã bán các hoạt động khai thác mỏ than và không còn bất cứ quan tâm nào đến buôn bán ngọc bích. Asia World vẫn là một trong những tập đoàn lớn nhất của Myanmar và lệnh trừng phạt tương tự đối với các doanh nhân khác đã gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn thâm nhập thị trường Myanmar.
Như vậy, mặc dù cam kết giúp Myanmar đạt được tiến bộ về kinh tế và duy trì nền dân chủ, nhưng Mỹ vẫn có những bước đi thận trọng để tiến tới bình thường hóa quan hệ với Myanmar.
Hơn nữa, Tổng thống Obama đang phải đối mặt với sự phản đối tại Quốc hội Mỹ khi nhiều nghị sỹ cho rằng sự dính líu của quân đội Myanmar trong các hoạt động kinh doanh mờ ám nên tiếp tục bị trừng phạt.
Đây có thể là cơ hội lớn cho Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trở lại ở Myanmar thông qua tăng cường các mối quan hệ quân sự. Trung Quốc nhiều năm qua cũng trở thành nhà môi giới quyền lực ở Myanmar bằng cách ủng hộ mạnh mẽ các nhóm nổi dậy thiểu số như Lực lượng Wa (UWSA).
Công nhân Trung Quốc tại địa điểm dự kiến xây dựng cảng nước sâu ở Kyaukphyu. (Nguồn: WSJ) |
Trung Quốc cũng đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của Myanmar trong suốt thời gian nước này bị cộng đồng quốc tế cô lập, cấm vận dưới thời chính quyền quân sự. Với quá trình chuyển đổi dân chủ gần đây, người ta tin rằng các khoản đầu tư gia tăng từ phương Tây sẽ giúp Myanmar giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến nay, các khoản đầu tư từ Mỹ và phương Tây chưa thể so sánh với các khoản đầu tư từ Trung Quốc.
Trung Quốc đang tìm cách duy trì ảnh hưởng với Myanmar thông qua việc xây dựng một cảng nước sâu trị giá 10 tỷ USD tại quốc gia này. Dự án cảng nước sâu kể trên còn bao gồm cả một đặc khu kinh tế, tọa lạc ở đảo Maday thuộc thị trấn Kyaukphyu, bang Rakhine, phía Tây Myanmar. Đây là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng hiện diện ra Ấn Độ Dương và Nam Á, cũng như khôi phục những đặc quyền từng được hưởng từ thời chính quyền quân sự Myanmar.