Đại sứ Nguyễn Phú Bình và Phu nhân (giữa) cùng các đại biểu dự Lễ kỉ niệm Quốc khánh Việt Nam tại Nhật Bản, tháng 9/2011. (Ảnh: NVCC) |
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Suga là đến Việt Nam. Trước đây, nguyên Thủ tướng Abe Shinzo cũng từng thăm Việt Nam đầu tiên sau khi lên cầm quyền nhiệm kì thứ 2. Theo Đại sứ, điều này có ý nghĩa như thế nào?
Tôi muốn chia sẻ thêm điều này. Vào năm 2006, sau khi Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo lên cầm quyền được ít tháng, Đại sứ Nhật Bản Hattori đã gặp tôi lúc đó đang là Thứ trưởng phụ trách khu vực Đông Bắc Á để tỏ ý phía Nhật Bản mong muốn mời người đứng đầu Chính phủ ta thăm Nhật Bản và là khách quý đầu tiên của Thủ tướng Abe.
Khi đó, về phía ta có chủ trương thu xếp các cuộc đi thăm nước ngoài của các Lãnh đạo cấp cao cũng như việc đón tiếp các Lãnh đạo cấp cao các nước thăm Việt Nam. Cuối cùng chuyến thăm đã diễn ra hết sức thuận lợi, từ 18 - 22/10/2006. Thủ tướng ta được mời đến phát biểu tại diễn đàn chung Thượng và Hạ nghị viện, hai bên ra Tuyên bố chung “Tiến tới thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược Việt- Nhật”, trong đó Nhật đáp ứng hỗ trợ ta trong 3 dự án lớn: Đường bộ cao tốc và Đường sắt cao tốc Bắc Nam, khu công nghệ cao Hoà Lạc.
Và ngay trong Hội đàm, Thủ tướng Abe thông báo sẽ chọn Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, để dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức cuối năm đó tại Hà Nội.
Sau này, khi trở lại cầm quyền sau cuộc bầu cử Quốc hội năm 2013, một lần nữa Thủ tướng Abe lại chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm. Phải chăng, tình cảm đặc biệt của Thủ tướng Abe dành cho Việt Nam có phần nào xuất phát từ cuộc chào đón vị khách Việt Nam đầu tiên của ông năm xưa, với cương vị Thủ tướng Nhật Bản nhiệm kỳ đầu tiên.
Nhưng chuyến thăm đầu tiên lần này sẽ diễn ra trong bối cảnh hoàn toàn khác?
Mặc dù quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục phát triển ổn định và tốt đẹp nhưng tình hình quốc tế và khu vực cũng như tình hình mỗi nước đang có nhiều diễn biến phức tạp chưa từng có, khiến mỗi nước cần phải tìm hướng đi và các biện pháp thích ứng cho công cuộc phát triển của mỗi nước.
Dịch bệnh Covid-19 không những gây thiệt hại nghiêm trọng về sinh mạng, làm tê liệt các hoạt động kinh tế-xã hội ở mỗi nước, mà nghiêm trọng hơn, làm đứt gãy hoàn toàn chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, làm đảo lộn mối quan hệ quốc tế, đặc biệt quan hệ giữa các nước lớn.
Đối với Nhật Bản, nền kinh tế có quy mô lớn thứ 3 thế giới nhưng lại phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên liệu, linh kiện, sức lao động cũng như thị trường tiêu thụ ở bên ngoài thì thách thức đó càng gay gắt.
Đối với Việt Nam, do sớm kiểm soát được dịch bệnh và triển vọng sẽ đạt được mục tiêu kép trong năm nay, nên mặc dù thách thức lớn nhưng nếu tận dụng được lợi thế là một trong những nền kinh tế có tăng trưởng tốt nhất ở khu vực và thế giới và với mối quan hệ hợp tác đang phát triển thuận lợi với các đối tác lớn thì cơ hội sẽ trở thành hiện thực, đưa kinh tế Việt Nam bứt phá và phát triển vượt bậc trong những năm tới.
Điều này có tác động ra sao đến quan hệ hai nước, thưa Đại sứ?
Hiện nay, quan hệ giữa 2 nước, nhất là về kinh tế, đang ở trạng thái tốt nhất: Nhật Bản là nhà cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 26,3% tổng vốn ODA cho Việt Nam; là nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 tại Việt Nam; là đối tác du lịch lớn thứ 3 của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, đối tác hàng đầu của Việt Nam về hợp tác lao động, giáo dục, khoa học-công nghệ, nông nghiệp và chống biến đổi khí hậu...
Trong quan hệ song phương, hai nước không có lợi ích đối kháng, mà hoàn toàn có khả năng bổ sung cho nhau. Với nguồn nhân lực dồi dào và có khả năng tiếp thu nhanh kiến thức và kỹ năng áp dụng công nghệ mới, Việt Nam là địa bàn có nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp Nhật Bản cần sắp xếp lại địa bàn đầu tư và với nền nông nghiệp nhiệt đới đang phát triển theo hướng áp dụng công nghệ cao, Việt Nam sẽ là nguồn cung cấp nông sản thực phẩm có chất lượng và ổn định cho Nhật Bản. Trong khi đó, nguồn vốn, khoa học-công nghệ, chất lượng giáo dục và những kinh nghiệm phát triển và quản lý nhà nước, quản lý sản xuất sẽ giúp ích cho Việt Nam rất nhiều trong quá trình phát triển trước mắt và lâu dài.
Không những thế, Việt Nam và Nhật Bản lại cùng là thành viên của 3 Hiệp định thương mại tự do: Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Nhật Bản-ASEAN (AJCEP) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nên khả năng mở rộng quan hệ hợp tác song phương và với các đối tác khác rất lớn.
Đây là những điều kiện và tiền đề hết sức thuận lợi để Thủ tướng Suga và các vị Lãnh đạo Việt Nam trao đổi phương hướng và biện pháp thích hợp nhằm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Hy vọng, những con số và thứ hạng hợp tác về kinh tế, thương mại và nhiều lĩnh vực sẽ thay đổi ngoạn mục trong những năm tới.
"Đối với Ngoại giao đoàn ở Tokyo, mỗi năm, chúng tôi được tiếp xúc 3 lần với Nhà vua và Hoàng hậu vào các dịp Năm mới, Sinh nhật Nhật Hoàng và Ngày ngắm hoa Anh đào tại Vườn Thượng uyển, chưa kể những dịp tháp tùng Lãnh đạo cấp cao thăm Nhật Bản đến chào Nhật Hoàng.
Riêng đối với cá nhân tôi và gia đình còn có những kỷ niệm sâu sắc và thiêng liêng với Hoàng thái tử, nay là Nhật Hoàng Naruhito. Vào tháng 9/2008, Đại sứ quán ta lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Việt Nam tại công viên Yoyogi, thủ đô Tokyo, nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Và sự kiện đã được đón vị khách đặc biệt là Hoàng thái tử Naruhito. Đây cũng là lần đầu tiên ông tham dự một hoạt động lớn ngoài trời.
Sau đó, tôi được tiếp xúc với Hoàng thái tử nhiều lần, trong đó có lần tháp tùng ông trong chuyến thăm Việt Nam tháng 2/2009. Trở về Nhật Bản, tôi và gia đình vinh hạnh dự bữa cơm thân với Gia đình Hoàng thái Tử vào mùa hè năm 2009.
Khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 12/2011, vợ chồng tôi đến chào từ biệt Hoàng thái tử. Ông và công nương Masako đã cố ý hẹn tiếp vợ chồng tôi ở Tư dinh vào chiều muộn để công chúa nhỏ đi học về có dịp gặp lại chúng tôi.
Tiếp đó, trong dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước, tôi đã có vinh dự lớn, được Nhật Hoàng tặng Huân chương Mặt trời mọc, đánh dấu cuộc đời hoạt động ngoại giao thật đáng nhớ tại Nhật Bản", Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình kể về kỷ niệm khó quên trong nhiệm kỳ tại Nhật Bản.
|
| Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thăm chính thức Việt Nam từ 18-20/10 TGVN. Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Phu nhân sẽ ... |
| Việt Nam-Nhật Bản: Cơ hội mới trong hợp tác kinh tế TGVN. Quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản được đánh giá đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết ... |
| Nhật Bản sắp nối lại hoạt động đi lại với Việt Nam TGVN. Tờ Yomiuri cho biết, Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam dự định khôi phục các hoạt động đi lại cho giới doanh nghiệp ... |