UBND tỉnh Bình Định và UNDP Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ tại Hội thảo các giải pháp tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn và nhựa tại Bình Định hướng đến giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương. |
Tham dự hội thảo có lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, thành phố Quy Nhơn, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn..., Hiệp hội thủy sản Bình Định, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Bình Định, Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), các chuyên gia từ Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Định, Trường Đại học Quy Nhơn.
Việt Nam là một trong số những nước phát sinh lượng lớn chất thải nhựa ra đại dương. Các nguồn thải rác nhựa đến từ đất liền được xem là nguồn thải chính và ở quy mô rộng hơn các nguồn thải ngoài đại dương. Có đến 80% chất thải nhựa xuất phát từ đất liền, nghĩa là từ những hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người, 20% còn lại xuất phát từ hoạt động nghề cá, nuôi trồng thủy sản, tàu bè trên biển…
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch cùng với gia tăng dân số làm lượng chất thải hàng ngày không được xử lý xả ra môi trường ngày một nhiều thêm, gây tác hại nghiêm trọng tới môi trường các khu vực ven biển và hải đảo, đặc biệt là làm suy giảm các hệ sinh thái biển và san hô trong các khu bảo tồn. Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề về suy giảm tài nguyên và gia tăng chất thải, đặc biệt là chất nhựa đại dương.
Tại tỉnh Bình Định, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt khoảng 900 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom khoảng từ 47-90% ở khu vực thành thị (thành phố Quy Nhơn chiếm 94%), 30% tại khu vực nông thôn. Theo số liệu từ khảo sát sơ bộ của UNDP năm 2022 tại Quy Nhơn, 17% chất thải rắn sinh hoạt được tái chế, chất thải nhựa chiếm 20% chất thải rắn sinh hoạt. |
Hội thảo đã giới thiệu 2 dự án mới sẽ được xây dựng và triển khai hợp tác với UBND thành phố Quy Nhơn và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định. Các dự án này này sẽ thực hiện những hoạt động nhằm trao quyền cho những người lao động phi chính thức về chất thải (ve chai), tăng cường khả năng phục hồi của họ trước những tổn thương.
Dự án cũng sẽ thí điểm và thiết lập mô hình quản lý tổng hợp chất thải cho ngành thủy sản, trong đó khuyến khích ngư dân mang chất thải trở lại bờ sau mỗi chuyến đi biển; mô hình này dự kiến sẽ thu gom và ngăn chặn khoảng 5 tấn nhựa thải ra biển mỗi tháng.
Ngoài ra, dự án thí điểm và thiết lập một cơ sở thu hồi vật liệu nhằm cải thiện chuỗi giá trị vật liệu tại địa phương, hỗ trợ công tác nhân rộng, mở rộng, đảm bảo tính bền vững của các mô hình quản lý chất thải rắn tổng hợp.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, “giải quyết vấn đề chất thải nhựa đại dương rất quan trọng đối với sức khỏe của đại dương, con người và hành tinh của chúng ta. Điều này yêu cầu một cách tiếp cận tích hợp thay đổi hành vi giảm sử dụng nhựa tại nguồn, đồng thời thu hút tất cả các bên tham gia vào chuỗi giá trị để đảm bảo rằng chất nhựa đã qua sử dụng được tái sử dụng lại.
Nói về việc công bố khởi động việc xây dựng Cơ sở thu hồi vật liệu (MRF), bà Caitlin Wiesen kỳ vọng cơ sở thu hồi vật liệu này sẽ có thể xử lý 2-4 tấn nhựa mỗi ngày để tái sử dụng tại các thị trường thứ cấp, điều này sẽ giúp Quy Nhơn ngăn chặn việc nhựa bị chôn lấp hoặc rò rỉ ra biển.
UNDP sẽ làm việc với thành phố Quy Nhơn để đẩy nhanh việc phân loại chất sinh hoạt, thu gom, đồng thời đưa ra các giải pháp thay thế, sáng tạo nhằm giảm thiểu chất thải nhựa.
Dự án giai đoạn 1 “Nâng cao năng lực quản lý và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng địa phương, xây dựng mô hình cộng đồng thu gom, phân loại, xử lý nhằm giảm thiểu chất thải nhựa tại các xã, phường ven biển thuộc Vịnh Quy Nhơn, tỉnh Bình Định” được tài trợ bởi UNDP, Chương trình tài trợ nhỏ - Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP), Chính phủ Na Uy và kinh phí đối ứng của UBND thành phố Quy Nhơn thực hiện từ tháng 8/2020-7/2022 ở 4 xã, phường là Nhơn Lý, Nhơn Châu, Nhơn Hải và Ghềnh Ráng.
Trong khuôn khổ dự án giai đoạn 1 này, các mô hình xã hội hóa đã được thiết lập để cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn ở Quy Nhơn, gồm mô hình bãi biển du lịch sạch không chất thải nhựa ở Nhơn Lý, thí điểm mô hình làm phân vi sinh cho 50 hộ dân và đã thu được trên 60 kg phân bón vi sinh, thí điểm mô hình “Phân loại chất tại nguồn” tại Nhơn Châu với sự tham gia của 518 hộ; 4 nhà hàng tại Nhơn Lý, Nhơn Hải đã tham gia mô hình “Nhà hàng thân thiện không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”; 195 hộ dân tham gia mô hình khu dân cư thu gom, phân loại, tái chế và tái sử dụng chất thải. Mô hình “Lao động nữ trong lĩnh vực chất thải” cũng đã được thiết lập.
Tại hội thảo, UBND tỉnh Bình Định và UNDP Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải; phát triển kinh tế biển; biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học; khắc phục hậu quả bom mìn, phát triển nông thôn bền vững.
| Xi măng sinh học giúp giảm thải ô nhiễm môi trường Ngành sản xuất xi măng hiện đang đứng thứ ba trong số 10 nguồn gây ô nhiễm công nghiệp lớn nhất. Mỗi năm có khoảng ... |
| Giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến kinh doanh xanh chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm Giảm phát thải khí nhà kính đang trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp trên toàn cầu nói chung và tại ... |