Người dân ở Angola và team châu Phi thu hoạch lúa và nâng niu trên tay thành quả do chính mình gieo trồng được. (Ảnh: NVCC) |
Tháng Tư vừa qua, những thửa lúa chín vàng nặng trĩu hạt đã được thu hoạch trong niềm vui khôn tả các thành viên Team châu Phi cùng người dân Angola. Quang Linh và các thành viên trong team nghẹn ngào xúc động khi nhìn thấy người dân ở đây nâng niu những hạt gạo do chính bàn tay họ làm ra…
Câu chuyện từ “con cá” đến “chiếc cần câu”
Năm 2016, khi quyết định đi xuất khẩu lao động tại thủ đô Luanda, chàng trai trẻ Phạm Quang Linh chỉ có nguyện vọng tìm kế mưu sinh và toàn tâm toàn ý với công việc của một thợ xây, sau đó mở xưởng kinh doanh làm nước đá.
Quang Linh kể: “Ý định làm thiện nguyện ở Angola hoàn toàn đến một cách tự nhiên. Khi tôi mở xưởng làm nước đá, một số người ở các vùng quê xa xôi của Angola đã tìm đến xin làm việc ở xưởng, trong đó có anh Matiloi, sống ở làng Sanzala thuộc huyện Bailundo, tỉnh Huambo, cách thủ đô gần 600 km.
Công việc đang thuận lợi thì xảy ra đại dịch Covid-19 vào năm 2019, xưởng đá phải tạm thời đóng cửa. Trong khoảng thời gian rảnh rỗi, chúng tôi quyết định đến làng Sanzala thăm gia đình anh Matiloi và cơ duyên bắt đầu chính từ đây”.
Đang sinh sống ở thủ đô Luanda về tới vùng quê nghèo của anh Matiloi, điều khiến Quang Linh ngạc nhiên nhất chính là sự khó khăn của người dân nơi đây. Khi đến thăm làng, anh thấy những ngôi nhà được lợp bằng lá cỏ, không có giường nằm, trong nhà không có vật dụng hay lương thực gì đáng kể.
Vì vậy, anh đã bỏ tiền túi để mua gạo, hỗ trợ những bữa ăn không đồng và nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân. Anh còn tính bán chiếc ôtô cũ để có tiền giúp họ...
Điều khiến Linh thấy khâm phục là dù trong hoàn cảnh eo hẹp như vậy nhưng người dân ở đây vẫn sống vô tư, vui vẻ, không tỏ ra bi quan hay chạy theo “cơm áo gạo tiền”. Niềm hạnh phúc trên gương mặt họ chính là nguồn năng lượng tích cực khiến cho anh càng yêu quý người dân và gắn bó với cuộc sống nơi này.
Quang Linh quyết định trở thành một YouTuber và tạo kênh “Quang Linh Vlog – Cuộc sống ở châu Phi” tập trung sản xuất những nội dung giản dị, mộc mạc và chân thực về cuộc sống hằng ngày tại Angola.
Tại thời điểm đó, anh là người Việt duy nhất có các video phản ánh cuộc sống chân thực tại châu Phi, chia sẻ với người dân Angola về các món ăn Việt Nam, tiếng Việt và kết hợp chia sẻ về văn hóa Việt Nam trong cuộc sống thường ngày ở đây.
Đặc biệt, những công việc thiện nguyện của anh như cấp phát gạo và lương thực, giúp người dân sửa nhà, làm nhà… đã tạo những ấn tượng đẹp và truyền cảm hứng trên khắp cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Khi xưởng đá ăn nên làm ra và kênh YouTube tạo lợi nhuận, Quang Linh đã lập nhóm chín người (gồm bốn người Việt và năm người Angola) lấy tên Team châu Phi, dần tổ chức các dự án thiện nguyện quy mô lớn hơn cho người dân địa phương.
Bên cạnh việc quyên góp tiền thuê thợ khoan giếng để tạo nguồn nước sinh hoạt cho người dân, lắp hệ thống điện mặt trời mang ánh sáng về làng, nhóm còn tiến hành sửa trường học, đến từng nhà vận động người dân cho trẻ em đến lớp.
Dù làm được rất nhiều công việc ý nghĩa cho người dân Angola nhưng Quang Linh cũng trăn trở với suy nghĩ không thể chỉ cho người dân “con cá”, mà về lâu dài còn phải cho họ “chiếc cần câu” để tự vươn lên và làm thay đổi cuộc sống của chính mình.
Năm 2022, anh quyết định thành lập trang trại Quang Linh Farm với mong muốn cung cấp nguồn giống cho người dân, cũng như thay đổi tư duy của họ về phát triển nông nghiệp.
Trang trại đến nay cho ra nhiều nông sản như ngô, mía, rau củ, cùng gia súc, gia cầm, thủy sản, tạo sinh kế cho nhiều người địa phương. Nhóm cũng hướng dẫn người dân bán nông sản ra thị trường để tạo thu nhập, ổn định cuộc sống.
Quang Linh và Team châu Phi trong chuyến về Việt Nam. (Ảnh: NVCC) |
Mơ về những mùa vàng
Sau quá trình dài làm thiện nguyện ở Angola, hiện Team châu Phi tập trung hướng dẫn người dân địa phương làm nông nghiệp kiểu Việt Nam.
Quang Linh cho biết, khí hậu nơi đây khắc nghiệt với sáu tháng mưa và sáu tháng hạn, trong khi người dân lại ít kiến thức về phát triển nông nghiệp, chủ yếu mới trồng các cây hoa màu như ngô, sắn, đậu nành…
Để giúp người dân có thêm nguồn lương thực, hai năm trước, sau khi về nước thăm gia đình, Linh mang lúa giống sang trồng thử nghiệm. Dù biết không phải nơi nào ở Angola cũng có thể trồng được lúa nước nhưng nếu thành công thì đây là niềm tự hào rất lớn của anh cùng Team châu Phi.
Anh chia sẻ: “Đa phần người dân Angola không biết trồng lúa nước. Khi giúp bà con gieo vụ lúa đầu tiên ở đây, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì đất không được tốt, phải phụ thuộc vào phân bón nhiều, giá thành lại khá cao”.
Thế nhưng, sau ba tháng chờ đợi, thành quả từ vụ thu hoạch lúa đầu tiên mang lại nhiều bất ngờ cho người dân và Team châu Phi.
“Giành được tình cảm và sự tin tưởng của người dân ở Angola là quá trình rất dài, đòi hỏi chúng tôi phải nỗ lực từng ngày, bằng tấm lòng và sự chân thành. Chúng tôi không biết rõ khả năng của mình, nhưng làm được đến đâu chúng tôi sẽ nỗ lực tới đó. Cũng hy vọng thông qua những video lan tỏa trên mạng xã hội, chúng tôi sẽ truyền cảm hứng tới nhiều người khác”. YouTuber Phạm Quang Linh |
Thành quả từ vụ thu hoạch lúa đầu tiên mang lại nhiều bất ngờ cho người dân. (Ảnh: NVCC) |
Anh Nguyễn Văn Tiến, thành viên trong nhóm, kể lại: “Chúng tôi rất xúc động khi nhìn thấy người dân thu hoạch lúa và nâng niu trên tay thành quả do chính mình gieo trồng được. Bà con rất vui mừng vì giờ đây họ có thêm nguồn lương thực mới để dự trữ, đến mùa hạn không còn lo đói”.
Sắp tới, bên cạnh việc chú trọng mở rộng canh tác lúa, Quang Linh cùng Team châu Phi tiếp tục chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng cho người dân Angola.
Mong muốn lớn nhất của họ là có thể gây dựng được nông trại rộng lớn hơn, trồng nhiều nông sản và chăn nuôi làm nền tảng để có thể xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững tại vùng đất nhiều khắc nghiệt này.
Không chỉ hoạt động ở Angola, Team châu Phi còn hướng về Việt Nam bằng hoạt động thiện nguyện ở các vùng sâu vùng xa nhằm hỗ trợ xây dựng các điểm trường, lớp học, hỗ trợ vật dụng, vật chất và hỗ trợ sinh hoạt phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn…
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng đã tiếp Quang Linh cùng Team châu Phi. Tại buổi gặp, Thứ trưởng đánh giá cao các hoạt động đầy ý nghĩa của nhóm mà còn ghi nhận những câu chuyện nhân văn sâu sắc trong các video đã tạo niềm tin và cảm xúc cho người xem, góp phần mang tới hình ảnh đẹp, thân thiện của đất nước, con người Việt Nam.
Thứ trưởng mong muốn Quang Linh và Team châu Phi ngày càng đoàn kết, chung tay xây dựng cộng đồng người Việt tại Angola phát triển, vững mạnh và có nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa hướng về quê hương, đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước. Chia sẻ với Thứ trưởng những hoạt động thiện nguyện tại Angola và Việt Nam, Quang Linh cùng các thành viên trong Team châu Phi mong muốn những việc làm của mình sẽ tiếp tục được lan tỏa và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.
“Tôi có cơ duyên được làm việc với Quang Linh từ năm 2017, từ đó cuộc sống của tôi và gia đình đã hoàn toàn thay đổi. Cũng nhờ sự giúp đỡ của Linh mà tôi cũng như con trai tôi (cậu bé được Linh nhận làm con nuôi và đặt tên là Lôi Con) đã được trải nghiệm và biết đến đất nước và con người Việt Nam nhiều hơn. Đặc biệt, từ ngày có Team châu Phi, quê tôi mọc lên nhiều ngôi nhà đẹp, cảnh quan xanh đẹp hơn, người dân đã biết trồng và thu hoạch nhiều nguồn lương thực mới để phục vụ cuộc sống. Sau một thời gian dài gắn bó, chúng tôi không muốn người Việt Nam rời đi và tiếp tục học hỏi từ các bạn”. Matiloi, thành viên Team châu Phi |