📞

Quảng Ninh: Đẩy mạnh thương mại vùng biên

Chu Văn 20:00 | 30/09/2023
Hoạt động xuất khẩu qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có sự ổn định và tăng trưởng hàng năm. Những điểm sáng thương mại biên giới đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. (Nguồn: Thanh Niên)

Bên cạnh việc phát huy hiệu quả tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, cùng nỗ lực của các lực lượng chức năng khối cửa khẩu đã giúp hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thêm khởi sắc. Sở Công Thương Quảng Ninh thông tin, hoạt động xuất khẩu qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh có sự ổn định và tăng trưởng đều đặn trong những năm qua.

Nền tảng hợp tác toàn diện

Số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh hai năm rưỡi (giai đoạn 2021 - sáu tháng đầu năm 2023) ước đạt 6.784 triệu USD, tăng bình quân 9,7%/năm (vượt chỉ tiêu Chương trình hành động số 01-CTR/TU đề ra, bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 5-7%/năm).

Theo đánh giá của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, sau khi đi vào hoạt động vào tháng 9/2022, cao tốc Vân Đồn-Móng Cái mang lại cho hoạt động XNK của tỉnh nhiều thế mạnh như: kết nối với các cửa khẩu đường bộ, giao thương hàng hóa được thuận tiện giữa thị trường Trung Quốc, cùng các nước ASEAN; kết nối chuỗi cửa khẩu quốc tế với các khu kinh tế của tỉnh như Móng Cái, Vân Đồn, Quảng Yên; kết nối dịch vụ logistics hệ thống cảng biển Quảng Ninh-Hải Phòng; kết nối trục các đô thị lớn Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và không gian kinh tế, hành lang kinh tế biển vùng duyên hải phía Bắc.

Đặc biệt, với việc rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Móng Cái đến TP. Hạ Long xuống còn 1 giờ 30 phút (theo QL18 sẽ mất ba giờ), đưa thời gian từ Hà Nội đi Móng Cái chỉ còn ba giờ. Do vậy đã rút ngắn thời gian vận chuyển lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí phát sinh.

Sau sự kiện Trung Quốc hạ cấp độ phòng chống dịch Covid-19 vào tháng 1/2023, hàng nghìn tấn hàng hóa được thông quan, tăng cao so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, tại các cửa khẩu đã không còn xảy ra tình trạng ùn tắc phương tiện, các phương tiện chở hàng nhập khẩu, xuất khẩu sang Việt Nam cơ bản được phía Trung Quốc làm thủ tục nhập cảnh về ngay trong ngày.

Hoạt động XNK qua các cửa khẩu, lối mở cơ bản không bị gián đoạn, tạo tâm lý yên tâm và môi trường kinh doanh ổn định lâu dài của các doanh nghiệp có hoạt động XNK.

Dự báo trong năm 2023 các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại, du lịch, kinh doanh buôn bán giữa các doanh nghiệp, cư dân biên giới sẽ phát triển, lưu lượng hàng hoá XNK, phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu, lối mở sẽ tăng trưởng trở lại, nhất là nhóm hàng thủy hải sản, nông sản.

Song song với đó, tỉnh Quảng Ninh nỗ lực tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu. Các cửa khẩu chủ động triển khai giải pháp tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Các chi cục Hải Quan đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, thuận tiện, dễ thực hiện và giảm thời gian thông quan, chi phí cho doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, sản xuất và thu hút doanh nghiệp về làm thủ tục XNK.

Thời gian tới, để hoạt động XNK bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quan tâm thu hút, tạo điều kiện, giải quyết thủ tục nhanh chóng cho các nhà đầu tư xây dựng dự án kho, bãi trên địa bàn, các khu logistics tại Khu Kinh tế cửa khẩu (Hoành Mô - Đồng Văn, Bắc Phong Sinh, Móng Cái) theo Quy hoạch, thiết kế đã được phê duyệt để bảo đảm các dự án thực hiện đúng tiến độ, tương xứng với quy mô, công suất hoạt động cửa khẩu, lối mở; nâng cấp, cải tạo, mở rộng tuyến đường để phương tiện vận tải di chuyển kết nối từ khu vực cửa khẩu Hoành Mô, Bắc Phong Sinh với các khu logistics, địa điểm kiểm tra hàng hóa, kho ngoại quan…

Trong kế hoạch, tỉnh đẩy nhanh việc triển khai thực hiện quy hoạch, mở rộng phạm vi cửa khẩu đối với cửa khẩu Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, Móng Cái (cầu Bắc Luân II) bảo đảm cho hoạt động XNK hàng hóa; đẩy mạnh công tác quy hoạch, hoàn thiện hạ tầng logistics, cảng cạn ICD và cửa hàng miễn thuế trên địa bàn.

Tuyến biên giới cửa khẩu kiểu mẫu

Móng Cái là thành phố cửa khẩu quốc tế duy nhất trong cả nước có đường biên giới cả trên bộ, trên biển với Trung Quốc. Những năm qua, thương mại biên giới luôn là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa Móng Cái với TP. Đông Hưng (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc).

Năm 2021, dù ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch XNK qua cửa khẩu này vẫn đạt trên 4 tỷ USD, tăng 46%; năm 2022, tổng lượng hàng hóa XNK đạt 1 triệu tấn, kim ngạch XNK gần 3,3 tỷ USD, thu ngân sách Nhà nước gần 1.650 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.

Theo thống kê, đầu tháng 9/2023, trung bình mỗi ngày có gần 220 phương tiện hàng hoá XNK qua cửa khẩu Bắc Luân II và lối mở Km3+4 Hải Yên.

Sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới từ đầu năm 2023, hoạt động XNK, xuất nhập cảnh qua Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) liên tục tăng trưởng. Tính đến hết tháng Tám, tổng kim ngạch hàng hoá XNK đạt hơn 2,2 tỷ USD (tăng khoảng 5%); thu ngân sách Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng (tăng khoảng 8%) so với cùng kỳ năm 2022.

Hợp tác kinh tế, thương mại biên giới luôn là một trong những lĩnh vực trọng tâm được TP. Móng Cái và TP. Đông Hưng tập trung đẩy mạnh. Tín hiệu hồi phục thương mại biên mậu thời gian gần đây tiếp tục củng cố quan hệ hai Bên, hướng tới xây dựng cơ chế thí điểm Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc theo định hướng của Trung ương.

Thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái cho biết: “Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh hàng năm duy trì hội đàm “hai nước bốn bên”. Ở cấp Chi cục, Hải quan cửa khẩu Móng Cái tích cực mời Hải quan Đông Hưng sang trao đổi, bàn bạc phương hướng tháo gỡ các khó khăn. Đáp lại, phía Nam Ninh, Đông Hưng cũng rất nhiệt tình, trách nhiệm trong thảo luận, rõ ràng minh bạch, đưa ra các giải pháp để hai bên cùng thúc đẩy hoạt động XNK hiệu quả trong thời gian tới.

Hạ tầng XNK ngày càng hoàn thiện, thủ tục hành chính cải cách minh bạch hay chất lượng hàng hoá nâng cao, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường “tỷ dân” là những “chìa khoá” quan trọng. Tuy vậy, nền tảng vững chắc cho hợp tác thương mại chính là quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, được Thành uỷ, chính quyền TP. Móng Cái kế thừa và phát triển qua từng năm. Cụ thể hoá chủ trương “xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, phát triển” của hai Đảng, hai Nhà nước, Quảng Ninh - Quảng Tây, Móng Cái – Đông Hưng, Phòng Thành liên tục có các hoạt động thiết lập cơ chế giao lưu hữu nghị, hội đàm, hỗ trợ lẫn nhau…

Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành uỷ Móng Cái khẳng định: "Đóng góp trong tăng trưởng XNK, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu khu vực Móng Cái, có “vai trò tích cực” của sự hợp tác, tình đoàn kết hữu nghị, đặc biệt niềm tin chiến lược của cả hai bên trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Chúng tôi thống nhất hành động xây dựng tuyến biên giới cửa khẩu khu vực Móng Cái, Quảng Ninh là tuyến biên giới cửa khẩu kiểu mẫu trong hệ thống cửa khẩu quốc gia toàn quốc”.

Đặc biệt, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái (bao gồm TP. Móng Cái và một phần huyện Hải Hà) được Thủ tướng Chính phủ xác định là trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ, của vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc)-Hà Nội-Hải Phòng-Móng Cái-Phòng Thành (Trung Quốc) (theo Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040).

Trong quy hoạch chung do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP. Móng Cái dành quỹ đất 1.300 ha, giáp với TP. Đông Hưng (Trung Quốc) và nằm giữa cửa khẩu Bắc Luân II với đường dẫn và cầu Bắc Luân III. Khu vực này kết nối thẳng tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, thuận lợi trong việc kết nối giao thương, phát huy lợi thế vị trí địa lý để mở rộng hoạt động hợp tác, thu hút đầu tư, thương mại, chế biến, chế tạo công nghệ cao, giao lưu hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác của Đông Hưng.

Triển vọng về khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại đây tiếp tục đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn trong phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh và quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia.