Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái. |
Ngày 7/11, tại TP. Móng Cái, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch chung xây dựng KKTCK Móng Cái. Theo đó, KKTCK Móng Cái có tổng diện tích 121.197 ha. Trong đó, diện tích đất liền 66.197 ha, diện tích mặt biển 55.000 ha. Phía Bắc giáp Đông Hưng (Trung Quốc); phía Tây giáp huyện Đầm Hà và Vân Đồn; phía Đông và Nam giáp Vịnh Bắc Bộ, được tổ chức thành khu phi thuế quan và các khu chức năng như: Khu cửa khẩu quốc tế, các khu công nghiệp, trung tâm tài chính, khu đô thị, khu trung tâm hành chính, khu dân cư và các khu chức năng khác.
Nhiều lợi thế riêng
Móng Cái là khu kinh tế cửa khẩu có quy mô lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là khu kinh tế duy nhất vừa có cửa khẩu lại vừa có biển. Mặt khác, KKTCK Móng Cái còn có lợi thế “ven biên”, “ven biển” với Trung Quốc; nằm trong Khu vực hợp tác Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, Khu hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore; Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và Hành lang Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Với những vị thế về địa lý này, KKTCK Móng Cái chính là nơi hội tụ, là cửa ngõ giao lưu kinh tế chính giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam với phía Nam Trung Quốc cũng như trong tiến trình hợp tác khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc.
Hơn nữa, KKTCK Móng Cái còn nằm trong hệ thống cụm cảng quốc tế Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) - Phòng Thành (Trung Quốc), với cảng Vạn Gia và cảng biển nước sâu Hải Hà (có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn tới 150.000 DWT) - thuộc vùng ven biển gắn với đường hàng hải quốc tế; lại vừa có cảng quốc tế ICD (cảng cạn Km3+4 Móng Cái).
Có thể khẳng định đây là những lợi thế riêng để khu vực này trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hoá sôi động với Trung Quốc và các nước ASEAN và chính là những thế mạnh để KKTCK Móng Cái phát triển đa dạng các ngành nghề kinh tế như: sản xuất, dịch vụ, du lịch, thương mại, logistics.
Chỉ tính trong năm năm gần đây (2010-2015), tổng giá trị hàng hoá qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã đạt trên 23 tỷ USD, tăng 1,8 lần so với giai đoạn năm năm trước. Tổng thu ngân sách đạt gần 6.000 tỷ đồng, đứng trong tốp đầu bảy địa phương biên giới phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, KKTCK Móng Cái còn có nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc. Mũi Ngọc, đảo Vĩnh Thực, đảo Cái Chiên hội đủ điều kiện phát triển du lịch biển đảo cao cấp. Với hệ thống hồ đẹp có hệ sinh thái đa dạng, Tràng Vinh, Quất Đông, núi Tổ Chim, Núi Pa Nai (Hải Sơn)... thích hợp cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá. TP. Móng Cái - cửa khẩu quốc tế còn là một trung tâm mua sắm với hệ thống chợ (gồm năm chợ chính), trung tâm thương mại, chợ đêm, tuyến phố đi bộ... phục vụ tốt cho nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách. Thực tế, trong năm năm trở lại đây, doanh thu từ hoạt động du lịch đã đạt 2.877 tỷ đồng (tăng 3,7% mỗi năm). Ngoài ra, lợi thế về đường bờ biển dài (85km), có diện tích bãi triều lớn là nơi sinh sống của nhiều loại thủy hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm he, cá song, sá sùng... tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản.
Cửa ngõ nhìn ra thế giới
Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Móng Cái đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội KKTCK Móng Cái đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng KKTCK Móng Cái thành một KKT phát triển có tính đặc thù, mang tầm quốc tế và có tính cạnh tranh cao.
Với hai quy hoạch này, định hướng phát triển Móng Cái trở thành một cực tăng trưởng phát triển kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ và là động lực phát triển mạnh của vùng Đông Bắc chắc chắn sẽ sớm được hiện thực hóa. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc phát triển KKTCK Móng Cái sẽ đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hoá - xã hội và đảm bảo vùng biên giới hoà bình, hữu nghị, cùng phát triển. Các quy hoạch KKTCK Móng Cái sẽ là cơ sở pháp lý cho việc quản lý sử dụng đất đai, lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, triển khai các chương trình phát triển và các dự án đầu tư.
Phát biểu trước các chuyên gia, nhà quản lý và các nhà đầu tư, Phó Chủ tịch UBND Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, các quy hoạch đã xác định rõ các chiến lược, quan điểm, mục tiêu phát triển Khu kinh tế với lộ trình, bước đi phù hợp, tối ưu hóa việc sử dụng không gian và nguồn lực phát triển, đủ sức cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng. Quảng Ninh không chỉ giới thiệu, cung cấp thông tin chính thức và đầy đủ đến doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế và những định hướng ưu tiên phát triển của KKTCK Móng Cái mà còn khẳng định quyết tâm chính trị và các cam kết kiên trì đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư của lãnh đạo Tỉnh và Thành phố trong quá trình triển khai hiện thực hóa quy hoạch đã được phê duyệt, với thông điệp “KKTCK Móng Cái - Cửa ngõ nhìn ra thế giới”.
Trung Kiên