Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tăng cường sản xuất kinh doanh thời điểm cuối năm. Hình Ảnh sản xuất tại Công ty CP Viglacera Hạ Long. (Nguồn: BQN) |
Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế-xã hội toàn cầu. Đại dịch đã đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng, hầu hết các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế toàn cầu và các quốc gia tăng trưởng âm trong năm 2020.
Trong nước, trải qua 2 đợt bùng dịch, ở một số địa phương với những tác động mạnh đến tình hình kinh tế - xã hội đất nước, nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhất là một số lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, vận tải, du lịch..., hàng triệu người mất việc làm, thiếu việc làm, thu nhập giảm sâu.
Nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép"
Trước bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ninh đã tập trung mọi nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép", vừa kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả với nhiều giải pháp mới, không để dịch xuất hiện, lây lan, bùng phát trong cộng đồng; vừa đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, nhất là khôi phục hoạt động của ngành dịch vụ, du lịch, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Đặc biệt, tỉnh tổ chức chuỗi các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch nhằm kích cầu du lịch; phát động và triển khai sâu rộng cuộc vận động "Người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh tại tỉnh". Cùng với đó, các công trình, dự án trọng điểm, các dự án trong các khu kinh tế, khu công nghiệp được tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn…
Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, phát huy mạnh mẽ tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” trong chống dịch và phát triển kinh tế, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tháng 10 và 10 tháng năm 2020 tiếp tục chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực.
Cụ thể, 10 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,9% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7%; kim ngạch xuất khẩu tăng 7,2%; khu vực nông, lâm, thủy sản tiếp tục ổn định, thu ngân sách nhà nước theo tiến độ dự toán, tăng 3% cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước 39.770 tỷ đồng, đạt 83% dự toán năm, tăng 3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu xuất nhập khẩu 10.561 tỷ đồng, đạt 96% dự toán, tăng 6% cùng kỳ; thu nội địa 29.189 tỷ đồng, đạt 79% dự toán, bằng 102% cùng kỳ.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng để năm kết thúc nhiệm kỳ trở thành năm có dấu ấn đặc biệt, đạt được mục tiêu tăng trưởng ở mức 2 con số là thách thức rất lớn. Chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 10/2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy đã nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số năm 2020 thì quý IV/2020, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) phải đạt 19%, đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải thực sự nỗ lực, triển khai các giải pháp cấp bách, hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện quyết liệt, rõ nét các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trọng tâm là tìm đầu ra, kết nối thị trường tiêu thụ hải sản cho người sản xuất bị tác động của dịch Covid-19 theo hướng kích cầu tối đa tiêu dùng nội địa, tập trung hướng mạnh vào xuất khẩu; tổ chức các hội chợ, xúc tiến thương mại, tiêu thụ về nông sản Quảng Ninh; thúc đẩy đầu tư kinh doanh lĩnh vực công nghiệp và xây dựng; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về kích cầu du lịch; các ngành như thuế, hải quan tập trung vào các sắc thuế, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu; rà soát kỹ công tác đầu tư công...
Đây cũng là những giải pháp, thành tố quan trọng, được kỳ vọng là sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, đóng góp vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cả năm 2020.
"Đòn bẩy" cho tăng trưởng kinh tế
Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, xác định các giải pháp được triển khai quyết liệt là "đòn bẩy" cho tăng trưởng kinh tế cuối năm, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã triển khai ngay các giải pháp và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, từ đầu tháng 10/2020, sản lượng thủy sản nuôi trồng tiêu thụ từ 800-1.000 tấn/ngày; cao điểm ngày 20/10 tiêu thụ 1.246 tấn; giá bán các sản phẩm này đã tăng từ 5 đến 10 giá tùy từng loại sản phẩm và từng thời điểm thu hoạch.
Lượng khách du lịch đến với tỉnh, nhất là những ngày cuối tuần có tăng trưởng khá tốt, đạt trên 15.000 lượt khách. Các điểm du lịch như: Vịnh Hạ Long, Khu di tích, danh thắng Yên tử, cụm công trình Bảo tàng - Thư viện - Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh... tiếp tục là điểm đến hấp dẫn du khách.
Đồng hành cùng tỉnh, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp cam kết tăng sản lượng, tăng năng lực sản xuất để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Điển hình như Tập đoàn Foxconn phấn đấu có lô hàng đầu tiên để xuất khẩu. Hay Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tăng sản lượng khai thác than quý IV/2020 lên 9,3 triệu tấn, than tiêu thụ trên 10,5 triệu tấn; các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ cam kết sử dụng hiệu quả gói kích cầu để thực hiện mục tiêu đón 3 triệu lượt du khách...
Đặc biệt, người đứng đầu các cấp, các ngành luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát, cụ thể hỗ trợ tối đa, nhất là giải quyết thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh tiền tệ, tạo thuận lợi trong tiếp cận thông tin đối với các nhà đầu tư chiến lược triển khai đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tích cực khuyến khích, động viên tinh thần, ý chí khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, nhất là trong cộng đồng doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể; triển khai các gói kích cầu du lịch nhằm hướng đến mục tiêu đón 3 triệu lượt du khách trong quý IV/2020.