📞

Quảng Ninh thu “quả ngọt” từ đẩy mạnh ứng dụng CNTT

12:06 | 05/07/2018
Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đang trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực của tỉnh Quảng Ninh…

Hướng tới bệnh viện “không giấy tờ”

Đưa con đến khám bệnh tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, thay vì phải xếp hàng lấy số thứ tự như trước đây, chị Bùi Thị Thúy (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) chỉ cần làm thủ tục quẹt thẻ, sau đó được hướng dẫn đi lên phòng khám gặp bác sĩ. Các quy trình từ lấy số khám, đăng ký khám bệnh, vào khám bệnh chỉ mất khoảng thời gian rất ngắn, giúp bệnh nhân tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí.

Dịch vụ mới “Thẻ khám bệnh thông minh” để thay thế cho sổ khám bệnh và thực hiện các thủ tục liên quan đến quá trình khám bệnh của bệnh nhân được Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh bắt đầu triển khai áp dụng từ năm 2017. Sau 1 năm đi vào hoạt động, dịch vụ đã nhận được khá nhiều phản hồi tích cực từ phía bệnh nhân. Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cũng là một trong những bệnh viện đi đầu về cải cách hành chính, ứng dụng CNTT của tỉnh.

Điều dưỡng Khoa Ngoại, Bệnh viện Bãi Cháy thực hiện y lệnh của bác sĩ trên hệ thống phần mềm của xe tiêm thông minh. (Nguồn: Sở Y tế Quảng Ninh)

Chia sẻ về hiệu quả của ứng dụng CNTT trong khám và điều trị tại viện, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh Đinh Thị Lan Oanh cho biết, trong những năm qua, bệnh viện luôn quan tâm đến ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế nhằm rút gắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Đặc biệt để xây dựng bệnh viện thông minh, đến nay, Bệnh viện đã triển khai việc đăng ký khám bệnh và trả kết quả trực tuyến thông qua website http://sannhiquangninh.vn của bệnh viện.

Ngoài ra thông qua đăng ký khám bệnh trực tuyến, người dân có thể lựa chọn bác sĩ trực tiếp khám cho mình. Tại tất cả các phòng khám cũng đã được trang bị màn hình LCD và loa gọi giúp người bệnh khi đến khám nhìn thấy công khai thứ tự của mình và chờ đến lượt vào khám một cách văn minh, loại bỏ tâm lý chiếm chỗ, chen lấn. Bên cạnh đó, bệnh viện đã triển khai hệ thống đăng ký khám bệnh qua tổng đài 19009087 giúp khách hàng chủ động đăng ký hẹn giờ khám bệnh theo nhu cầu tại các chuyên khoa.

Một số bệnh viện khác trên địa bàn tỉnh như Bệnh viện Bãi Cháy hay Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, cung cấp dịch vụ y tế. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, việc đưa hệ thống quản lý bệnh viện thông minh FPT.e.Hospital của Công ty FPT vào sử dụng từ tháng 11/2017 đến nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành tổng thể hoạt động bệnh viện, quản lý tài chính kế toán, quản lý xét nghiệm, quản lý thuốc - vật tư y tế. Tại một số khoa của bệnh viện đã sử dụng đồng bộ các phần mềm quản lý, thiết bị ngoại vi hỗ trợ bệnh nhân và nhân viên y tế (trong đó có xe điều dưỡng tích hợp máy tính) thì các quy trình được tự động hóa từ khâu đăng ký, thủ tục nhập viện, hồ sơ bệnh án, các quy trình khám, chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân được thực hiện trên phần mềm. Việc sử dụng hồ sơ giấy được cắt giảm tối đa, tiến tới bệnh viện “không giấy tờ”, từ đó hiện thực hóa Đề án bệnh viện thông minh.

Tạo đột phá trong cải cách hành chính

Không chỉ riêng ngành y tế, việc tích cực ứng dụng CNTT để phục vụ cho công tác cải cách hành chính (CCHC) tại Quảng Ninh cũng đang đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Theo Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh, đến nay, tỉnh vẫn giữ vững vị trí top 10 trong cả nước về hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng CNTT tại các cơ quan hành chính nhà nước.

Công tác xây dựng hạ tầng CNTT đã được tỉnh thực hiện tích cực. Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến việc xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh đạt tiêu chuẩn quốc tế TIA-942. Trung tâm là nơi tập trung, tích hợp và đảm bảo an toàn, thông suốt cho các kho dữ liệu, hệ thống thông tin, dịch vụ CNTT và truyền thông cho toàn tỉnh.

Mạng diện rộng (WAN) của tỉnh được thiết lập tới 100% cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, huyện và máy tính, các thiết bị ngoại vi, kết nối Internet, mạng LAN… được trang bị tới 100% cơ quan, đơn vị từ cấp xã trở lên, kết nối với Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh bằng đường truyền số liệu chuyên dùng đã tạo “nền móng” vững chắc, tiền đề thuận lợi cho việc ứng dụng CNTT trong mọi mặt công tác, đặc biệt là trong CCHC, xây dựng chính quyền điện tử.

Cùng với đó, Quảng Ninh đã hoàn thiện 6 phần mềm được coi là nền tảng của ứng dụng CNTT vào CCHC, gồm cổng thông tin, ứng dụng máy chủ, dịch vụ thư mục, trục tích hợp ứng dụng, quản lý quy trình nghiệp vụ, kho dữ liệu và đầu tư 4 phần mềm ứng dụng dùng chung cho hệ thống chính quyền điện tử.

Nhờ việc tích cực ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, đến nay đã có trên 1.100 thủ tục hành chính được giải quyết ngay tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. 90% thủ tục hành chính đã giảm được từ 40-50% thời gian giải quyết so với quy định. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương của Quảng Ninh đã triển khai đăng ký và cung cấp trên 1.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Toàn tỉnh hiện đã có 98/186 xã, phường triển khai thực hiện bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại kết nối với trung tâm hành chính công cấp trên.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp trên hệ thống CNTT hiện đại, đồng bộ. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Nhờ đầu tư và ứng dụng CNTT, nền hành chính tỉnh đã được hiện đại hóa vượt bậc, xây dựng môi trường công vụ hiện đại, minh bạch; cách thức tiếp cận, giao dịch giữa tổ chức, người dân và chính quyền cũng đã được chuyển từ phương thức truyền thống sang các phương thức hiện đại.

CNTT đã trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực của tỉnh phát triển, trong đó đáng chú ý nhất là đổi mới giáo dục, hiện đại hóa ngành Y tế, nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực giao thông, quản lý tài nguyên, phát triển du lịch và đẩy mạnh thương mại – dịch vụ…

Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục chú trọng tới việc nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật CNTT ngày càng hiện đại, đồng bộ tới tận các cấp xã, phường. Song song với việc tiếp tục xây dựng hạ tầng, tỉnh cũng đang phát triển các cơ sở dữ liệu trọng điểm trong các cơ quan nhà nước như cơ sở dữ liệu về đất đai, công chứng, thủ tục hành chính; nghiên cứu, ban hành các chính sách mới về ưu đãi doanh nghiệp, khuyến khích hỗ trợ phát triển CNTT; mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư trong lĩnh vực CNTT…