Để phát huy vai trò động lực, dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, Quảng Ninh tiếp tục đi tiên phong, trở thành nguồn cảm hứng và bài học kinh nghiệm cho các tỉnh - thành phố khác trên cả nước về sáng kiến cải cách hành chính, cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh; khơi thông các điểm nghẽn tăng trưởng, huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển cơ sở hạ tầng, tiếp tục đột phá tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khẳng định: “Trong chiến lược phát triển của mình, Quảng Ninh xác định, không chỉ tập trung phát triển nội tỉnh mà phải tăng cường mở rộng liên kết vùng. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển Kinh tế - Xã hội của Quảng Ninh cũng như các tỉnh trong vùng cùng phát triển”.
Tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hút mọi nguồn lực cho phát triển; tạo đột phá trong tái cơ cấu kinh tế. Tỉnh phải thực hiện tốt vai trò là cực tăng trưởng phía Bắc, lan toả cả vùng, cả nước.
Kết nối từ “vùng lõi”
Sau 4 tháng triển khai, đúng dịp Quốc khánh 2/9, đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đã được khánh thành và đưa vào khai thác bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, khẳng định quyết tâm, tư duy dám nghĩ dám làm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng như mở ra những cơ hội lớn để phát triển vùng đất tiềm năng nơi địa đầu Tổ quốc. Với việc rút ngắn đáng kể về thời gian di chuyển quãng đường Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương, du lịch, thu hút đầu tư đến với Hải Phòng và Quảng Ninh.
Tuyến cao tốc Hạ Long-Hải Phòng và cầu Bạch Đằng khi đi vào thông xe có ý nghĩa quan trọng và góp phần kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); phát triển du lịch hai tỉnh Hải Phòng Quảng Ninh. (Nguồn: Dân Việt) |
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành thông xe tuyến đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng và cầu Bạch Đằng sáng 1/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự đột phá của cao tốc Hạ Long-Hải Phòng không chỉ phát huy thêm giá trị của cao tốc Hà Nội-Hải Phòng mà hơn cả là thúc đẩy liên kết vùng, góp phần kết nối toàn khu vực tam giác phát triển “3 chữ H” gồm Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, mở thêm những không gian và cơ hội phát triển kinh tế lớn cho toàn khu vực.
Trên thực tế, hợp tác phát triển hạ tầng chỉ là một trong nhiều hợp tác quan trọng giữa Quảng Ninh và Hải Phòng. Là 2 tỉnh láng giềng, Quảng Ninh và Hải Phòng từ xa xưa vốn đã có sự gắn kết, hợp tác hỗ trợ nhau trên nhiều lĩnh vực.
Về phát triển kinh tế biển, Hải Phòng vốn là địa phương có truyền thống phát triển cảng biển lâu đời, mối hàng có sẵn, tuy nhiên lại thiếu những cảng nước sâu đáp ứng xu hướng vận tải đường biển mới trên thế giới đó là “đóng tàu to, vượt biển lớn”. Điều này đã được Quảng Ninh hỗ trợ thông qua hệ thống cảng biển nước sâu Cái Lân, cùng với hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại, có Nhà máy sửa chữa tàu biển Nosco Vinalines lớn nhất Đông Nam Á... đã là hậu cần vững chắc để hàng hóa được chuyển tải về Hải Phòng và đi các tỉnh khác. Sự gắn kết chặt chẽ này từ nhiều năm nay đã góp phần xây dựng Quảng Ninh - Hải Phòng là khu vực phát triển kinh tế biển năng động nhất miền Bắc.
Thời gian qua, hai địa phương đã ký nhiều chương trình hợp tác phát triển. Trong đó, phải kể đến hợp tác tăng cường triển khai các giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác đầu tư, xây dựng chiến lược, quy hoạch, nhất là quy hoạch có tính chất liên vùng, quy hoạch xây dựng hạ tầng, quy hoạch phát triển du lịch. Hợp tác nâng cao hiệu quả liên kết du lịch Hải Phòng - Quảng Ninh; liên kết đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; trao đổi thông tin, hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ, hợp tác trong việc phân chia ranh giới vùng biển khai thác thủy sản ven bờ, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường...
Chương trình hợp tác phát triển giữa TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã được hai địa phương tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện bằng những việc làm cụ thể, định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả tổ chức thực hiện. Qua đó sự hợp tác phát triển giữa hai địa phương đã đạt được một số kết quả ban đầu có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển của 2 địa phương và của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Mở rộng liên kết vùng
Không chỉ đẩy mạnh hợp tác với các địa phương thuộc “vùng lõi”, những năm qua, Quảng Ninh đã tích cực thúc đẩy hợp tác với nhiều địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…
Trong liên kết hợp tác về công nghiệp, thương mại, Tỉnh đã tham gia các hoạt động khuyến công thường niên do Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) tổ chức; thường xuyên phối hợp, tổ chức các cuộc tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước theo lĩnh vực quản lý. Quảng Ninh đã ký Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, trao đổi thông tin để kiểm tra, kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển và sử dụng cát sỏi trên sông, cửa biển và hoạt động nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm giữa 3 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng và Hải Dương. Ký Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, trao đổi thông tin để kiểm tra, kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khai thác, kinh doanh than giữa tỉnh Quảng Ninh với thành phố Hải Phòng, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hải Dương, tỉnh Lạng Sơn.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện đang là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai. (Nguồn: Báo Quảng Ninh) |
Thời gian qua, Tỉnh cũng đã tăng cường thực hiện liên kết hợp tác về lĩnh vực y tế đối với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trọng tâm là tiếp tục thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020. Theo đó, nhiều bệnh viện của Tỉnh hiện đang là bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến trung ương; một số trung tâm y tế tuyến huyện thì phối hợp với Trường Đại học Y, Dược TP Hải Phòng và các bệnh viện trên địa bàn TP. Hải Dương trong tăng cường công tác đào tạo nhân lực và các kỹ thuật y tế mới.
Cùng với đó, thời gian qua, Quảng Ninh cũng thực hiện tăng cường hợp tác với các địa phương về lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, tài nguyên và môi trường, lao động và xã hội... Những liên kết, phối hợp này đều đạt được thành công nhất định, tạo động lực cho sự phát triển của mỗi địa phương cũng như của cả vùng.