📞

Quên chiến tranh thương mại đi, Bắc Kinh còn những mối đe dọa lớn hơn nhiều

16:42 | 11/11/2018
Bắc Kinh đang nỗ lực tìm cách đối thoại với Washington nhằm thoát khỏi khỏi cuộc chiến thương mại, bởi những vấn đề bên trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ không còn chỉ là trên giấy, mà nó sẽ sớm trở thành các mối đe dọa lớn, nếu các mức thuế quan của Mỹ có hiệu lực.

Bắc Kinh hiện đang phải vật lộn với hàng loạt các vấn đề khác, mà cuộc chiến thương mại có thể sẽ làm nó trầm trọng thêm. Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nó đầy ắp nợ và đang phải gồng mình trước các nguy cơ về bong bóng bất động sản và đồng nội tệ suy yếu.

Ở thời điểm hiện tại, dù mức thuế quan mới trị giá 200 tỷ USD của Chính quyền Tổng thống Trump đánh vào hàng hóa Trung Quốc, thì xuất khẩu của nước này vẫn tăng mạnh, tăng tới 16% trong tháng 10. nhưng điều đó có thể nhanh chóng thay đổi ngay trong những tháng tới, nếu mức thuế thực sự tăng từ 10% lên 25% vào cuối tháng 12. Và khi Washington đang tiếp tục muốn bổ sung thêm các loại hàng hóa sẽ bị đánh thuế, tức là danh sách những mối đe dọa làm triệt tiêu các mũi nhọn phát triển của Trung Quốc đang tiếp tục dài ra.

Nợ, nợ và nợ

Nền kinh tế Trung Quốc đã mở rộng nhanh chóng trong những năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu nhờ vào các khoản nợ xấu. Theo Chuyên gia kinh tế cao cấp tại Ngân hàng Quốc gia Australia Gerard Burg: "Tăng trưởng mà Trung Quốc có được là nhờ vào tăng trưởng tín dụng quá cao". Chuyên gia này cũng cho biết, tổng số nợ trong hệ thống tài chính Trung Quốc hiện nay cao gấp vài lần so với kích cỡ của toàn bộ nền kinh tế.

Tổng số nợ trong hệ thống tài chính Trung Quốc hiện nay cao gấp vài lần so với kích cỡ của toàn bộ nền kinh tế. (Nguồn: WB, CNN)

Một phần trong số tiền này được đưa vào xây dựng cầu, đường và các cơ sở hạ tầng khác. Nhưng tiếc rằng, nhiều dự án đã kết thúc bởi những phần kém hiệu quả của nền kinh tế, chẳng hạn như các công ty nhà nước lớn không hiệu quả. Khu vực tư nhân năng động hơn thì không được hưởng lợi nhiều.

Cuối năm ngoái, Bắc Kinh dồn mọi nỗ lực để kiềm chế mức nợ quá cao và đó là một trong những lý do chính khiến nền kinh tế mất đà.

Một số nhà phân tích hoài nghi về cam kết của Chính phủ Trung Quốc trong việc làm sạch hệ thống tài chính, đặc biệt trong bối cảnh nguy cơ suy thoái đang tăng dần và cuộc chiến thương mại thì ngày càng trở nên căng thẳng.

Nhà kinh tế tại Ngân hàng đầu tư Daiwa Capital Markets Kevin Lai cho biết, nhiều Chính quyền tỉnh và các công ty nhà nước đã phải vật lộn để giữ cho tình hình không trở nên quá tồi tệ mà không phải thường xuyên cung cấp các gói tín dụng giá rẻ. Bởi việc cắt giảm hạn mức tín dụng (nhằm hạn chế tốc độ cho vay và kiểm soát lạm phát) sẽ có hậu quả rất tiêu cực, như tình trạng bất ổn xã hội, sa thải và phá sản. Đó là một kịch bản mà Bắc Kinh luôn muốn tránh.

Nhân dân tệ trượt dốc

Bắc Kinh cũng đang cố gắng để chống lại áp lực mất giá đối với đồng nội tệ - đã giảm hơn 9% so với USD kể từ tháng Giêng. Nhân dân tệ đã bị tổn thương bởi chính những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc và các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đẩy đồng USD tăng giá.

Nhân dân tệ yếu đi đã thúc đẩy các ngành xuất khẩu khổng lồ của Trung Quốc, vì nó làm cho các sản phẩm Trung Quốc rẻ hơn tương đối trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên,  sự sụt giảm của Nhân dân tệ lại có nguồn gốc từ quá khứ.

Nhân dân tệ tụt dốc có thể nhanh chóng tạo nên một vòng luẩn quẩn. (Nguồn: CNN)

Nhân dân tệ đã sụt giảm mạnh trong năm 2015 và 2016, khiến một lượng tiền khổng lồ đã chạy khỏi Trung Quốc, trong bối cảnh giới đầu tư "đánh cược" về xu hướng đồng nội tệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục giảm. Cuộc khủng hoảng đã buộc Bắc Kinh phải chi hàng trăm tỷ USD để giữ ổn định cho đồng nội tệ của mình.

Nhà sáng lập Công ty nghiên cứu Centennial Asia - Manu Bhaskaran nhận định, Nhân dân tệ tụt dốc có thể nhanh chóng tạo nên một vòng luẩn quẩn, khiến "một dòng vốn khổng lồ cũng có thể tự triệt tiêu chính nó".

Còn theo phân tích của các nhà nghiên cứu Capital Economics, trong những tháng gần đây, Bắc Kinh dường như đã bắt đầu quyết liệt hơn với chiến dịch ngoại tệ khổng lồ của mình, hòng nhăn chặn sự suy giảm của Nhân dân tệ.

Bong bóng bất động sản

Một mối đe dọa khác ẩn nấp trong thị trường bất động sản quá nóng của đất nước này. Trên thị trường bất động sản, giá cả đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua, do lãi suất thấp và tình trạng thiếu nhà ở tại các thành phố lớn.

Những vết nứt lớn đã xuất hiện trên thị trường bất động sản. (Nguồn: CNN)

Tuy nhiên, thị trường bất động sản Trung Quốc hiện nay dường như đang cho thấy "một số vết nứt lớn", Aidan Yao - Nhà kinh tế về thị trường mới nổi tại AXA Investment Managers cho biết. Bằng chứng là, gần đây, trong không ít trường hợp, các nhà phát triển bất động sản lớn đã buộc phải phá giá khi đối mặt với nhu cầu đang ngày càng suy yếu. Và điều đó chỉ là vấn đề thời gian, trước khi thị trường "xì hơi", chuyên gia Yao nhận định.

Trên thực tế, thị  bất động sản chính là một trong số ít những điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay, nhưng nó sẽ trở thành gánh nặng thực sự cho nền kinh tế, nếu nó "lao dốc".

Bệnh mãn tính

Bắc Kinh gần đây đã đưa ra các quyết định cắt giảm thuế, chi tiêu cơ sở hạ tầng và thực hiện một chính sách tiền tệ lỏng lẻo hơn nhằm tìm cách thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng một số chuyên gia cho rằng, đây là những quyết định sai lầm cho nền kinh tế Trung Quốc trong lúc này.

"Căn bệnh của nền kinh tế Trung Quốc là mãn tính, chứ không cấp tính", Derek Scissors - một chuyên gia Trung Quốc tại Viện American Enterprise có trụ sở tại Washington nhận định. Theo quan điểm của vị chuyên gia này, các vấn đề chính trong nền kinh tế, chẳng hạn như dân số lão hóa nhanh chóng và môi trường kinh doanh không cạnh tranh của Trung Quốc đã và đang tiếp tục bị bỏ qua.

Chính phủ Trung Quốc mới đây đã nới lỏng chính sách một con vốn đã tồn tại rất lâu trong nền kinh tế và cố gắng tăng cường tính cạnh tranh trong nền kinh tế, bằng các kế hoạch cung cấp cho các công ty nước ngoài quyền tiếp cận lớn hơn trong các lĩnh vực như ngân hàng và xe hơi.

Tuy nhiên, những động thái đó đã đến quá muộn hoặc không đi đủ xa, gây ra những lo ngại nghiêm trọng về tương lai kinh tế dài hạn của Trung Quốc. "Già nua, nợ nần và phát triển chậm chạp" là những vấn đề mà chuyên gia Derek Scissors quan ngại.

(theo CNN)