Thăm di tích giáo đường Quwwatul-Islam |
Dưới cái nắng chiều không quá gay gắt, đoàn chúng tôi, những nhà báo từ các nước ASEAN háo hức băng qua chiếc cổng vòm xây bằng gạch đỏ theo kiến trúc đặc trưng Hồi giáo, vào thăm quần thể di tích Qutb ở Thủ đô New Delhi.
Nổi bật trên nền trời chiều vàng rực của xứ Thiên Trúc là ngôi tháp cổ Qutb Minar (chiến thắng) cao lớn sừng sững. Ngôi tháp này được coi là di tích quan trọng thứ hai ở Ấn Độ, chỉ sau kỳ quan nổi tiếng - lăng Taj Mahal ở thành phố Agra.
Tháp được Vua Qutbuddin Aybak thuộc vương triều Delhi cho xây năm 1199 và hoàn thành năm 1230. Công trình được xây hoàn toàn bằng gạch và đá cẩm thạch. Với chiều cao 72,5m, ngôi tháp đá cao nhất Ấn Độ khiến mọi người phải ngửa mặt lên để có thể chiêm ngưỡng toàn bộ sự hùng vĩ của nó. Tháp có kiến trúc độc đáo, với nhiều đường gân to lớn chạy dọc từ chân lên đỉnh. Đường kính đáy tháp khoảng 14,3m, càng lên cao thì thân tháp càng nhỏ lại, đường kính của vòng tháp trên đỉnh chỉ còn khoảng 2,75m. Toàn bộ phần chân tháp được khắc các đoạn trích trong Kinh Coran. Trong tháp rỗng, có cầu thang xoắn ốc gồm 379 bậc dẫn lên đỉnh tháp. Công trình này được người Ấn coi là một trong những kỳ quan của đất nước.
Rời tòa tháp, chúng tôi tiếp tục ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những công trình xung quanh đó. Nhiều công trình đã bị hư hại nặng qua thời gian nhưng vẫn chứa đựng một sự lôi cuốn bí ẩn. Ví dụ như một pháo đài được xây bằng những tảng đá xù xì với lỗ châu mai to, đen ngòm như cái miệng há hốc của người khổng lồ.
Trong quần thể di tích Qutb còn có mộ của một số vị vua Hồi giáo và những di tích xây bằng đá được chạm khắc, trang trí rất công phu - chứng tích một thời vàng son của đế chế Hồi giáo tại Ấn Độ.
Khi tham quan khu di tích, người ta dễ dàng bắt gặp những con sóc to lớn với cặp mắt đen láy và bộ lông kẻ sọc vàng nâu đang leo tường thoăn thoắt. Chúng rất dạn người. Ấn Độ là thiên đường của các loài chim thú hoang như thế.
Ông Kumar, người dẫn đoàn chúng tôi cho biết, tháp Qutb vẫn tồn tại sau nhiều lần bị sét đánh và động đất trong hàng trăm năm qua. Nó chính là biểu trưng cho thời kỳ Hồi giáo bắt đầu phổ biến tại Ấn Độ. Năm 1993, UNESCO đã đưa tháp Qutb Minar và một số công trình ở quần thể di tích Qutb vào danh mục "Di sản văn hóa thế giới".
Cột sắt Delhi, phía xa là tòa tháp Qutb Minar. |
Cột sắt bí hiểm
Cách tháp Qutb không xa là “cột sắt Delhi” hàng ngàn năm tuổi đứng im lìm trong sân giáo đường Quwwatul-Islam. Người Ấn Độ cho rằng, nếu bạn dựa lưng vào cây cột sắt này, vòng hai tay quanh cột để chạm được hai tay vào nhau thì mọi điều ước sẽ trở thành hiện thực.
Cây cột đúc bằng sắt nguyên khối này cao gần 6,3m tính từ mặt đất (phần đế chôn sâu 93cm). Đường kính cột giảm dần từ 48cm ở chân còn 29cm khi lên đến đỉnh cột. Khoảng giữa cột có chạm khắc một đoạn văn tự được viết bằng tiếng Phạn cổ với nội dung ca ngợi một vị vua.
Theo các văn tự cổ đại của Ấn Độ, cột sắt Delhi được đúc từ thế kỷ thứ IV dưới thời nhà vua Chandra II (375 - 413) của triều đại Gupta hùng mạnh, nhằm thể hiện lòng thành kính đối với thần bảo hộ Vishnu của người Hindu. Cây cột này còn có tên khác là “chân của thần Vishnu”.
Với thành phần 98% sắt nguyên chất, trải qua hơn 16 thế kỷ dãi dầu mưa nắng, thân cột chưa hề xuất hiện vết gỉ sét nào. Điều này khiến giới khoa học kinh ngạc về kỹ thuật luyện kim của người Ấn Độ cổ đại. Với trình độ khoa học công nghệ ngày nay, việc tạo ra được sắt nguyên chất 100% vẫn rất khó. Sắt đúc ra luôn chứa một hàm lượng tạp chất nhất định. Đây chính là yếu tố gây ra hiện tượng sắt gỉ. Những người duy tâm cho rằng, cột sắt Delhi được các thế lực siêu nhiên bảo vệ khỏi sự tàn phá của thời gian...
Tại sao chỉ với 98% sắt nguyên chất, mà cột sắt Delhi vẫn vẹn nguyên như vậy? Có phải người Ấn Độ cổ đại đã chế tạo được thép không gỉ - một vật liệu đang được con người hiện đại sử dụng rộng rãi? Chính những bí ẩn ấy đã khiến cây cột trở thành một trong những địa chỉ thu hút nhiều khách du lịch nhất Ấn Độ, từ đó mang lại cho thành phố Delhi một khoản thu không hề nhỏ.
Để bảo vệ cây "cần câu cơm" này, từ năm 1990, chính quyền địa phương đã dựng hàng rào sắt bao quanh, ngăn du khách tiếp xúc trực tiếp với cây cột thiêng. Kể từ đó đến nay, họ đã nhiều lần phải thay các hàng rào này do... gỉ sét. Trong khi đó, “đối tượng” được bảo vệ thì vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.