Đây là thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2021 (VOBF 2021) với chủ đề "Chuyển đổi từ hôm nay" ngày 20/4 tại Hà Nội.
VOBF là sự kiện thường niên do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức và được bảo trợ bởi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Sau 4 năm tổ chức, VOBF đã trở thành hoạt động có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Toàn cảnh Diễn đàn VOBF 2021 ngày 20/4 tại Hà Nội. (Nguồn: VOBF) |
Tiếp nối thành công đó, Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam lần thứ 5 - VOBF 2021 tiếp tục được tổ chức tại hai thành phố lớn là Hà Nội vào ngày 20/4 và TP. Hồ Chí Minh ngày 22/4.
Sự kiện có sự góp mặt của hơn 30 chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử và chuyển đổi số Việt Nam từ Nielsen, Amazon, Google, Facebook, Lazada, Tiki, IM Group, DTS... với hơn 2.000 đại biểu, khách mời tham dự tại hai miền và dự kiến hơn 10.000 lượt xem trên Fanpage cùng hàng triệu người quan tâm trên Internet.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch VECOM cho biết, Covid-19 đã tạo áp lực lớn đến toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy chuyển đổi là tình thế bắt buộc để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tồn tại và phát triển bền vững.
"VECOM chúng tôi muốn thông qua các nội dung được chia sẻ tại VOBF 2021, từ đó xây dựng cho các doanh nghiệp bức tranh toàn diện để làm nền tảng, dựa vào đó chuyển đổi và tăng trưởng một cách bài bản và chuẩn chỉnh nhất", ông Dũng nói.
VOBF 2021 mang đến chủ đề "Chuyển đổi từ hôm nay" chia sẻ những chỉ số mới nhất về thị trường thương mại điện tử Việt Nam và thế giới, những xu hướng nổi bật, những thay đổi hành vi của người tiêu dùng tác động đến chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Sự kiện năm nay tập trung gồm bốn phiên thảo luận xoay quanh 4 nội dung chính "Chuyển - Đổi - Tăng - Trưởng".
Mở đầu Diễn đàn, phiên một chia sẻ về "Chuyển biến thị trường 2021 và nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số". Phiên đầu tiên đưa ra những báo cáo và phân tích sâu sắc về thị trường thương mại điện tử 2020, dự đoán xu hướng nổi bật 2021 cũng như những tác động thay đổi hành vi của người tiêu dùng.
Kế tiếp, phiên thứ hai với nội dung chính "Thay đổi thiết yếu để thích ứng sinh tồn và phát triển" trao đổi về tình hình doanh nghiệp quy mô nhỏ và sự phục hồi kinh tế toàn diện. Bên cạnh đó, phiên này đã cung cấp thông tin thực tế trên thị trường, đồng thời đề xuất giải pháp chuyển đổi số thành công nhờ tận dụng hệ sinh thái thương mại điện tử và hơn hết thúc đẩy phát triển tăng trưởng xuất khẩu trực tuyến.
Phiên thứ ba chia sẻ "Tăng trưởng kinh doanh từ mô hình chuyển đổi mới", nội dung thảo luận xoay quanh chủ đề về chiến lược New Omnichannel Shopping hỗ trợ thúc đẩy gia tăng doanh thu tự động, sự chuyển dịch từ bán lẻ truyền thống lên thương mại điện tử tạo ra cơ hội và thách thức như thế nào, đặc biệt là ứng dụng công nghệ vào tối ưu vận hành trong kinh doanh 4.0.
Sau cùng, phiên thứ tư với nội dung "Phát triển bền vững và sẵn sàng đối diện mọi tình huống trong tương lai" trao đổi về cách vận hành, chiến lược hỗ trợ duy trì và phát triển với E-commerce.
Thanh toán trực tuyến tại Việt Nam tăng trưởng mạnh do tác động của Covid-19. (Nguồn: Vietnam Economic News) |
Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2021 của VECOM cho thấy, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016-2019 khoảng 30%. Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019. Tốc độ tăng trưởng của năm 2020 tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và đạt quy mô 15 tỷ USD.
Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD.
Theo Báo cáo, trong đại dịch Covid-19 lĩnh vực thanh toán trực tuyến tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo Hội thẻ Ngân hàng VIệt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 các ngân hàng đã phát hành mới tới 10,3 triệu thẻ các loại, nâng tổng số thẻ ở Việt Nam lên 103,4 triệu. Trong đó, số thẻ quốc tế là 15 triệu và thẻ nội địa là 88,4 triệu. Doanh số thanh toán chi tiêu theo kênh thương mại điện tử 6 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng 17%.
Trong năm 2020, sản lượng giao dịch thanh toán trực tuyến thẻ nội địa qua hệ thống của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt nam (NAPAS) tăng trưởng khá tốt so với năm 2019 với sản lượng giao dịch tăng khoảng 185% và giá trị giao dịch tăng khoảng 200%.