📞

'Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là phần ngọn, giáo dục mới là phần gốc’

Đỗ Cao Bảo 15:11 | 28/06/2021
Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội chỉ là ngọn, gốc phải là giáo dục và truyền thông, đặc biệt trẻ phải được giáo dục rất sớm từ gia đình đến nhà trường…
Ông Đỗ Cao Bảo nêu quan điểm, để Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đi vào cuộc sống cần hướng dẫn, chỉ dẫn cụ thể và có xử phạt thật nghiêm.

Việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội thời điểm này là cần thiết.

Thứ nhất, với khoảng 66,72 triệu tài khoản facebook, Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về số người dùng, nếu tính tỷ lệ người dùng trên dân số thì thứ hạng còn cao hơn (chỉ đứng sau Mỹ).

Thứ hai, số người dùng mạng xã hội vẫn đang tiếp tục tăng rất nhanh, không chỉ trên Facebook mà còn trên các nền tảng Youtube, Google, Tiktok, Instagram.

Thứ ba, văn hoá ứng xử trên mạng xã hội ở Việt Nam đang ở mức báo động, Microsoft xếp Việt Nam đứng thứ 21/25 về chỉ số văn minh trên không gian mạng.

Nhiều người kỳ vọng Bộ Quy tắc mới ban hành có thể xem như “viên gạch” đầu tiên tạo tiền đề cho nền tảng ứng xử trên môi trường mạng. Nhưng tôi cho rằng, đây mới chỉ là ngọn, gốc phải là giáo dục và truyền thông, đặc biệt phải được giáo dục rất sớm từ gia đình đến nhà trường. Chính vì vậy, “viên gạch” đầu tiên phải từ giáo dục; cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo… phải là những tấm gương sáng.

Hãy lấy giao thông là ví dụ, viên gạch đầu tiên phải từ cách hành xử của người lớn khi tham gia giao thông. Nếu người lớn tôn trọng luật lệ, không lấn làn, không vượt đèn đỏ thì trẻ em sẽ biết, được học và tuân thủ luật giao thông ngay từ khi còn chưa biết chữ.

"Báo chí, truyền thông phải tham gia vào quá trình giáo dục, phải khơi dậy được những cái tốt đẹp, văn minh của mỗi người; phải chỉ cho mọi người nhận thức rằng, mạng xã hội tuy ảo mà không ảo".

Vậy Bộ Quy tắc ứng xử là gì, có vai trò gì? Nếu ví như là “viên gạch” thì nó là viên gạch đầu tiên để “uốn nắn” những khiếm khuyết mà chúng ta chưa làm ở gia đình, nhà trường và xã hội trong quá khứ. Nó cũng có tác dụng giáo dục, thay đổi hành vi thông qua xử phạt, khi bị phạt, bị “mời lên phường uống nước”, bị mất tiền người ta nhớ nhanh lắm.

Chúng ta phải có chương trình giáo dục về nhân cách, tư duy tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng người khác, ứng xử văn minh trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội, bao gồm cả trên không gian mạng. Giáo dục phải làm rất sớm, ngay từ khi trẻ em cắp sách đến trường, trong giai đoạn hình thành nhân cách, giáo dục phải được tiến hành cả ở nhà trường và ở gia đình.

Để Bộ Quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống cần hướng dẫn, chỉ dẫn cụ thể và có xử phạt thật nghiêm. Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cần xây dựng các hướng dẫn về ứng xử trên mạng xã hội. Bộ Thông tin & Truyền thông cần xây dựng quy định về xử phạt nếu cá nhân, tổ chức vi phạm, đồng thời chịu trách nhiệm giám sát, phát hiện và xử phạt tương ứng với hành vi. Đặc biệt, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần đưa giáo dục về văn hoá ứng xử trên mạng xã hội vào trong chương trình giáo dục công dân ngay từ cấp phổ thông trung học.

"Có một điều kiện rất quan trọng và tiên quyết là vấn đề xử phạt. Xử phạt phải thật nặng và thật nghiêm, đúng luật mà làm, không vì bất cứ lý do gì mà châm chước. Đặc biệt, quy tắc xử phạt phải theo hướng để người dân tự điều chỉnh hành vi chứ không phải tăng lực lượng giám sát, xử phạt".

Cùng với đó, báo chí, truyền thông phải tham gia quá trình giáo dục, phải khơi dậy được những cái tốt đẹp, văn minh của mỗi người. Đồng thời, báo chí phải chỉ cho mọi người nhận thức rằng, mạng xã hội tuy ảo mà không ảo. Đặc biệt, có thể hôm nay tưởng chỉ là bạn bè, người quen trên mạng xã hội, nhưng một ngày nào đó có thể là thầy trò trên ghế nhà trường, là ứng viên với nhà tuyển dụng, là đồng nghiệp trong công sở, trong công ty, là đối tác làm ăn…

Có nghĩa, việc ứng xử không văn minh ngày hôm nay rất có thể sẽ đưa đến tình thế khó xử hoặc phải nhận hậu quả xấu sau này.

Vấn đề được đặt ra, các bộ, ngành cần thực hiện tốt chức trách của mình. Cá nhân tôi cho rằng có một điều kiện rất quan trọng và tiên quyết là vấn đề xử phạt. Xử phạt phải thật nặng và thật nghiêm, đúng luật mà làm, không vì bất cứ lý do gì mà châm chước. Đặc biệt, quy tắc xử phạt phải theo hướng để người dân tự điều chỉnh hành vi chứ không phải tăng lực lượng giám sát, xử phạt.

Ở Pháp, vé xe bus, tàu điện ngầm rất rẻ, việc bán vé và soát vé là tự động. Để chống trốn vé mà lại mất ít người kiểm soát, họ ra quy định là khi bắt được ai trốn vé thì phạt gấp 100 lần. Một người có thể trốn vé được 99 lần, nhưng đến lần thứ 100 bị bắt thì coi như trốn thoát được 99 lần là công cốc, còn hãng tàu, hãng xe thì không mất gì. Với cách xử phạt như vậy, mỗi người dân sẽ cân nhắc có nên trốn hay không, trốn được 99 lần rồi cũng chớ vội mừng, vì vậy họ sẽ tự điều chỉnh hành vi.

Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được ban hành, giờ là lúc chúng ta cần có những hành động cụ thể, không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước, của báo chí và truyền thông. Hơn hết là sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng mạng, đặc biệt của những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội thực và trên mạng xã hội.

Hãy chung tay vì một môi trường mạng xã hội văn minh hơn, vì hình ảnh một đất nước Việt Nam văn minh trước bạn bè quốc tế.


* Đồng sáng lập, Ủy viên Hội đồng quản trị, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT