Quản lý dữ liệu nhằm chống tội phạm, khủng bố, đảm bảo an ninh quốc gia nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư của mỗi cá nhân. (Ảnh minh họa) |
Hiện nay, tình trạng tội phạm khủng bố xuyên quốc gia sử dụng công nghệ cao ngày một gia tăng với diễn biến phức tạp đòi hỏi chính phủ các nước cần phải có những sách lược, biện pháp nhằm tăng cường giám sát và ứng phó kịp thời.
Giải pháp an ninh
Trong tháng Mười, chính phủ Australia đã chính thức bắt đầu áp dụng Luật lưu trữ dữ liệu bắt buộc (Luật siêu dữ liệu). Theo đó, dữ liệu điện thoại và lịch sử truy cập Internet của khách hàng sử dụng dịch vụ tại Australia sẽ được lưu giữ trong thời hạn hai năm để các cơ quan an ninh và xây dựng chính sách của chính phủ có thể sử dụng phục vụ cho công tác điều tra tội phạm.
Theo người đứng đầu Cảnh sát Liên bang Australia Andrew Colvin, 90% các vụ án nghiêm trọng tại Australia được điều tra dựa vào thông tin từ siêu dữ liệu. "Việc tiếp cận nguồn siêu dữ liệu là mấu chốt quan trọng trong tiến trình chống khủng bố, nội gián, an ninh mạng và điều tra tội phạm có tổ chức, điều mà bấy lâu nay bị cản trở do thiếu thông tin", Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull khẳng định.
Không chỉ riêng Australia, trước đó, tháng 4/2009, Mỹ từng ban hành Đạo luật An ninh mạng (Cybersecurity Act) cho phép chính phủ kiểm soát mọi thông tin của người dùng Internet. Các thông tin y tế, tài chính và ngân hàng cũng như tin nhắn, email sẽ được mở cho các cơ quan điều tra tiếp cận. Ở Anh, hồi tháng 6 chính phủ cũng công bố một dự thảo về kế hoạch giám sát tất cả thông tin đăng nhập, cuộc hội thoại hay thư điện tử trên Internet và mạng điện thoại. Tất cả dữ liệu này sẽ được lưu trữ trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, kế hoạch kiểm soát thông tin điện tử của chính phủ Anh vẫn bị đảng Bảo thủ và các tổ chức nhân quyền ở xứ sở sương mù phản đối.
Tờ The Epoch Times (Mỹ) từng công bố danh sách 10 quốc gia bị cáo buộc là thường xuyên nghe lén điện thoại của công dân. Đứng đầu danh sách này là Trung Quốc với việc kiểm soát chặt chẽ các nội dung trên điện thoại di động thông qua ba nhà mạng do nhà nước quản lý là ChinaMobile, China Unicom và China Telecom.
Khi quyền riêng tư bị xâm phạm
Tuy nhiên, việc quản lý, can thiệp vào dữ liệu thông tin cá nhân đang đặt ra những giới hạn về pháp lý tại nhiều quốc gia. Phần lớn các luật hay dự luật về quản lý dữ liệu, thông tin cá nhân của người dùng khi được các chính phủ công bố đều gặp không ít sự lo ngại và phản ứng của dư luận.
Năm 2013, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden công bố thông tin về chương trình kiểm soát dữ liệu người dùng điện thoại và Internet mà Chính phủ Mỹ đang sử dụng để theo dõi toàn thế giới. Khi đó, dư luận, truyền thông Mỹ và thế giới đã kịch liệt phản đối chương trình theo dõi này và nhấn mạnh việc xâm phạm đến quyền riêng tư là "không thể chấp nhận được".
Bộ trưởng Tư pháp Đức Sabine Leutheusser-Schnarrenberger cho rằng: "Một xã hội càng giám sát, kiểm soát, theo dõi công dân của mình thì xã hội đó càng ít tự do”.
Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ra luật mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân trên Internet. "Bảo vệ các dữ liệu phải là trách nhiệm của EU và là yêu cầu ưu tiên cấp thiết quan trọng hơn bao giờ hết", Viviane Reding - Ủy viên về tư pháp, các quyền cơ bản và công dân của Liên minh châu Âu tuyên bố.
Kết quả thăm dò ý kiến mới đây do Viện Nghiên cứu Chính sách Lowy (Australia) tiến hành cho thấy, đạo luật siêu dữ liệu nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ người dân. Khoảng 63% người được hỏi cho rằng luật này là hợp lý vì nó là một phần trong nỗ lực ngăn chặn và chống chủ nghĩa khủng bố cũng như bảo vệ an ninh quốc gia. Chỉ có 33% số người được hỏi cho rằng luật đã "vượt quá giới hạn, xâm phạm quyền riêng tư của công dân".
Theo nhiều chuyên gia an ninh trong bối cảnh hiện nay, việc ưu tiên chống khủng bố, đảm bảo an ninh toàn cầu là cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên quản lý và sử dụng dữ liệu, thông tin cá nhân như thế nào để vừa "hợp tình hợp lý" là bài toán khó đối với mỗi quốc gia khi xây dựng luật quản lý dữ liệu. Biên giới giữa quản lý dữ liệu và xâm phạm quyền riêng tư là khá mong manh, đòi hỏi chính phủ các nước phải tìm ra được sự cân bằng giữa bảo vệ quyền công dân và đấu tranh chống khủng bố.
Thu Trang (tổng hợp)