📞
Chiến tranh thương mại:

Quyết không thỏa hiệp, ông Trump “cài” ý đồ riêng trong đàm phán với Bắc Kinh

Minh Anh 20:08 | 11/05/2019
(TGVN). Không phải là ngẫu nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột thể hiện thái độ với Bắc Kinh, “cứng rắn” hơn bất kỳ đối thủ tiềm năng nào “trên đường đua” trở lại Nhà Trắng trong năm 2020.    
Quyết không thỏa hiệp, ông Trump “cài” ý đồ riêng trong đàm phán với Bắc Kinh. (Nguồn: Nytimes)

Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ thật là biết thu hút dư luận, từng dòng tweet của ông đều hết sức đặc biệt, hết chế nhạo các ứng cử viên khác khiến, từ “Joe ngủ gật” đến “Bernie điên điên”… Ông lại đột ngột đưa ra các quyết định quay ngoắt, cứng rắn, khiến cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế tưởng như sắp đi đến hồi kết lại trở về vạch xuất phát.

Tổng thống Trump quyết thể hiện thái độ với đối thủ Bắc Kinh, cứng rắn hơn bất kỳ đối thủ tiềm năng nào của ông trên đường đua đến Nhà Trắng trong năm 2020.

Bóng gió đến cựu Phó Tổng thống Joe Biden, khi nói đến lý do Bắc Kinh hồi tuần trước gửi tới Washington phần sửa đổi dự thảo thỏa thuận thương mại đã bị xóa đi phần cam kết của nước này về việc thay đổi luật pháp, vốn là kết quả đàm phán nhiều tháng qua giữa hai bên, ông Trump nói rằng, “lý do mà Trung Quốc thay đổi và cố tái đàm phán thỏa thuận thương mại là họ hy vọng chờ ông hết nhiệm kỳ để có thể đàm phán với Tổng thống Joe Biden, hoặc một trong những người thuộc đảng Dân chủ "mềm yếu” và do đó sẽ tiếp tục “xé” nước Mỹ ra làm nhiều mảnh".

Những tính toán chính trị của đương kim Tổng thống Mỹ đã len lỏi vào chính sách thương mại của ông.

Trong nhiều tháng qua, triển vọng về một thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt với Trung Quốc như trêu ngươi ông Trump. Nhưng giờ đây, theo các nhà phân tích và một số cựu phụ tá, tính toán chính trị riêng của ông dường như đã lộ rõ. Những tuyên bố gần đây cho thấy, ông ấy tin tưởng rằng, việc thể hiện sự cứng rắn của mình với người Trung Quốc và quay lưng với một thỏa thuận cùng Bắc Kinh cũng có thể đưa ông ấy lên một vị trí tốt hơn về mặt chính trị, so với việc ký kết.

Quyết định áp mức thuế quan mới đối với Trung Quốc có khả năng làm tổn thương nông dân Mỹ, làm náo loạn thị trường chứng khoán và thậm chí có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế. Nhưng việc ký một thỏa thuận với Bắc Kinh lại có thể khiến ông bị các đối thủ đảng Dân chủ tấn công, đặc biệt nếu bản thỏa thuận đó bị coi là “yếu”.

Nhưng ở mặt khác, một đường lối cứng rắn sẽ cho phép đương kim Tổng thống có thể vượt qua bất kỳ nỗ lực nào của đối thủ thuộc đảng Dân chủ, với tư cách là người bảo vệ tuyệt vời nhất cho người lao động Mỹ.

“Giai đoạn mềm mỏng với Trung Quốc đã qua”, Stephen K. Bannon, cựu chiến lược gia của Nhà Trắng nhận định. Vị chuyên gia này cũng từng là người định hình thông điệp kinh tế trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của Tổng thống Trump, đồng thời nhiều lần cảnh báo về những nguy cơ do Trung Quốc gây ra. “Giờ đây, chính trị sẽ lèo lái kinh tế”, ông nói.

Sử dụng yếu tố Trung Quốc trong chiến thuật bầu cử được cho là giải pháp không tồi cho cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tổng thống Trump đã ủng hộ cách làm thông thường, bằng cách theo đuổi các hành động chống lại Trung Quốc, đẩy mọi vấn đề lên đến độ căng thẳng bằng một “chiến dịch tin nhắn”.

Những tuần gần đây, các cố vấn trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đã bắt đầu lặp lại cách tiếp cận không thỏa hiệp. Người ta dự báo rằng, đối với Tổng thống, các quyết định liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc trong tương lai sẽ tiếp tục xoay quanh mục đích chính trị.

Ở một góc độ khác, giới quan sát cũng cho rằng, Tổng thống Trump có thể đang xem chiến thuật gây hấn với Bắc Kinh là một cách để phá vỡ một mô hình quan hệ với Trung Quốc, từ chính sách coi Trung Quốc là đối tác ưu tiên và ưu đãi, sang là đối tượng đe dọa an ninh của nước Mỹ. Đó là sự sửa chữa những sai lầm trong chính sách đối ngoại mà ông Trump đã gán cho các đời Tổng thống tiền nhiệm, để đưa nước Mỹ trở lại vị thế số 1.

(theo Nytimes)