Đường xá Quỳnh Phụ luôn được dọn sạch đẹp. (Ảnh: Hồng Hạnh) |
Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới
Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự quan tâm của của các cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã đạt được những kết quả tích.
Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội được nâng cấp, nông thôn mới phát triển theo hướng hiện đại, đời sống vật chất tinh thần không ngừng nâng cao. Đến hết năm 2019, 100% số xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, huyện về đích nông thôn mới năm 2019 sớm trước 1 năm so với Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra. Từ đó đến nay toàn huyện đã có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Để phát triển hệ thống giao thông nông thôn ngày càng hiện đại đáp ứng việc đi lại của người dân và phát triển kinh tế xã hội, thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp, một trong những điều mà huyện Quỳnh Phụ quan tâm là xây dựng cơ sở hạ tầng. Và điểm sáng của Quỳnh Phụ đó chính là phong trào người dân tự nguyện hiến đất làm đường giao thông.
Nhiều hộ gia đình đã thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, tự nguyện góp quyền sử dụng đất cho Nhà nước để làm đường giao thông, toàn huyện đã có 4.117 hộ gia đình tự nguyện hiến đất với 347.354 m2 đất (đất ở 50.757 m2; đất nông nghiệp 296.597 m2) với giá trị trên 462 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn.
Có nhiều hộ gia đình hiến từ 100-200m2 đất ở với giá trị từ 1-2 tỷ đồng, có hộ hiến hơn 1.000m2 đất thổ cư, có hộ hiến đất nông nghiệp khi tuyến đường đi qua... Nhiều hộ gia đình mặc dù tuyến đường không đi qua nhưng cũng sẵn sàng hiến hàng nghìn m2 đất nông nghiệp của mình để thực hiện giải phóng mặt bằng.
Người dân xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình tự nguyện phá dỡ nhà cửa, tường bao hiến đất làm đường giao thông, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng. (Ảnh: Hồng Hạnh) |
Dự án cải tạo nâng cấp đường ĐH72 huyện Quỳnh Phụ dài gần 18km, trong đó tuyến đường qua địa phận xã An Thái có chiều dài hơn 1,7km, đây là tuyến đường giao thông quan trọng nhất của xã. Vì vậy, việc nâng cấp mở rộng tuyến đường không chỉ làm diện mạo nông thôn mới An Thái thêm khang trang mà còn mở ra cơ hội lớn để địa phương phát triển thương mại dịch vụ.
Xác định được điều đó, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để người dân đồng thuận, hưởng ứng hiến đất đê làm đường. Chỉ sau 2 ngày huyện Quỳnh Phụ triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng, 100% các hộ gia đình xã An Thái nơi có tuyến đường đi qua đã tự nguyện phá dỡ nhà cửa, tường bao tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thự là một trong những tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường khi tình nguyện hiến đất ở tường bao để công trình giao thông sớm được triển khai, thi công.
Ông Nguyễn Văn Đoài xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình khi được cán bộ địa phương vận động, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, ông đã hiểu được giá trị sẽ mang lại kinh tế cho địa phương và gia đình. Gia đình ông đã hiến 30m2 đất để hưởng ứng phong trào hiến đất mở rộng đường.
Mỗi xã một sản phẩm
OCOP là một trong những chỉ tiêu trong bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 -2025 của tỉnh Thái Bình. Thời gian qua, huyện Quỳnh Phụ đã chỉ đạo các ngành, địa phương tạo điều kiện cho các hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn được chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất quảng bá sản phẩm phát triển thị trường tiêu thụ thông qua các hội chợ, triển lãm các gian hàng trưng bày.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” bước đầu đạt hiệu quả, đã có 9 cơ sở với 11 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (4 sản phẩm 4 sao, 7 sản phẩm 3 sao); nhiều mô hình tự quản về môi trường, phân loại rác thải, mô hình về an ninh trật tự, mô hình sản xuất… được người dân đồng thuận triển khai thực hiện có hiệu quả.
Với sản phầm Trà hoa cúc chi của Hợp tác xã Nông sản dược liệu Đồng Tâm xã An Đồng, để được công nhận phẩm OCOP 3 sao vào năm 2022 là sự cố gắng nỗ lực rất lớn của 7 thành viên trong hợp tác xã. Trước đây, sản phẩm của hợp tác xã chỉ phân phối ra thị trường dạng nguyên liệu thô. Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp chình quyền địa phương, đặc biệt là sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã An Đồng đến nay hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp hiện đại, đưa sản phẩm có chất lượng cao đến tay người tiêu dùng.
Sản phầm trà hoa cúc chi của Hợp tác xã Nông sản dược liệu Đồng Tâm xã An Đồng được công nhận phẩm OCOP 3 sao. (Ảnh: Hồng Hạnh) |
Ông Nguyễn Văn Phát, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết: Xác định xây dựng nông thôn mới là một quá trình thường xuyên, liên tục có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, sau khi huyện về đích nông thôn mới năm 2019, không dừng lại ở đó, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí và tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn. Để đạt được kết quả như trên là chỉ chỉ đạp sâu sát, quyết tâm của các cấp ủy Đảng chính quyền, sự đồng thuận cao của người dân trong việc thực hiện các tiêu chí. Với nhiều cách làm mới, sáng tạo, năm 2024 huyện phấn đấu có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đưa hình ảnh quê hương Quỳnh Phụ trở thành mảnh ghép rực rỡ trên bức tranh sinh động về những miền quê Việt Nam.