Hội thảo là dịp ra mắt hai cuốn sách đầu tiên trong bộ sách Đồng hành cùng bệnh nhân ung thư của Tổ chức Y học cộng đồng: Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân của TS. BS Phạm Nguyên Quý và ThS Nguyễn Thị Ngọc Hạnh; Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư của nhiều tác giả.
Qua nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực hướng dẫn và giáo dục y khoa, tư vấn cho nhiều bệnh nhân ung thư, Tổ chức Y học cộng đồng và bạn bè đã nhận ra một vấn đề lớn cần cải thiện tại cộng đồng là thiếu kiến thức nền tảng về ứng phó với ung thư.
Tại hội thảo trực tuyến, đại diện nhóm tác giả sẽ chia sẻ về quá trình biên soạn sách cũng như tâm nguyện hỗ trợ bệnh nhân và người thân. (Nguồn: BTC) |
Vì thiếu hụt kiến thức, cộng thêm tâm lý hoang mang và thiếu tư vấn kịp thời từ nhân viên y tế, bệnh nhân cùng người thân thường lo lắng và hay tìm lời khuyên từ những người xung quanh hoặc trên mạng.
Tuy nhiên, số người hiểu đúng về ung thư và biết cách tư vấn thích hợp trong cộng đồng vẫn chưa nhiều, dễ dẫn tới tình trạng tư vấn lạm quyền hoặc tư vấn sai, khiến tiền mất tật mang. Sự lan truyền không kiểm soát của tin giả, tin đồn về ung thư tại Việt Nam cũng góp phần gây hại cho nhiều người bệnh.
Nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu tìm kiếm thông tin đa dạng về ung thư, và chung tay kết nối các địa chỉ hỗ trợ bệnh nhân uy tín trên toàn quốc để bệnh nhân có thêm người đồng hành, Tổ chức Y học cộng đồng cho ra đời hai tác phẩm đầu tay với nỗ lực của nhiều tác giả.
Nói về Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân, TS. BS Phạm Nguyên Quý - chuyên gia về ung thư tại Kyoto (Nhật Bản), cho biết, sách được thiết kế theo hành trình của một người bệnh, bắt đầu bằng những lời khuyên về những việc cần làm khi nhận tin xấu mắc ung thư. Sau khi có hiểu biết về ung thư và các phương pháp điều trị, người bệnh sẽ có thể cân nhắc tốt hơn cách đối mặt với ung thư theo cách của chính mình.
Phần tiếp theo, cuốn sách nói về những lời khuyên giúp cuộc sống của người bệnh thoải mái hơn. Đó là những nội dung quan trọng về chăm sóc giảm nhẹ, có thể áp dụng ở nhiều tình huống khác nhau không phụ thuộc vào giai đoạn bệnh hay phương pháp điều trị ung thư hiện hành.
Trong phần 5, hai tác giả kể thêm những câu chuyện, lời khuyên của một số bệnh nhân Việt Nam, Nhật Bản để người đọc có thêm cảm hứng và tham khảo.
Về cuốn sách Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư, Trưởng nhóm biên tập Hồng Trâm nói, dinh dưỡng là chủ đề được rất nhiều người quan tâm với các câu hỏi như bệnh nhân ung thư nên ăn/nên kiêng những thức ăn nào. Thực tế cho thấy, nhận thức chung về dinh dưỡng trong cộng đồng còn nhiều hạn chế với rất nhiều tin đồn thất thiệt khiến bệnh nhân hoang mang.
Được chắt lọc từ nhiều tài liệu uy tín, thiết thực về dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư, cuốn sách sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng và cách ứng phó khi người bệnh gặp các vấn đề về ăn uống trong quá trình điều trị và phục hồi sau điều trị.
Đại biệt, tại hội thảo trực tuyến sắp tới, đại diện nhóm tác giả sẽ chia sẻ về quá trình biên soạn sách, tâm nguyện hỗ trợ bệnh nhân và người thân.
Chương trình cũng sẽ dành 30 phút giao lưu cùng người tham gia để chia sẻ thêm cách sử dụng sách hợp lý và chương trình tập huấn Thông thái hơn về Ung thư mà Tổ chức Y học cộng đồng đang tiến hành.
Buổi hội thảo cũng sẽ cung cấp thêm nhiều nguồn thông tin hay để hỗ trợ kiến thức về chẩn đoán, theo dõi, chữa trị, dinh dưỡng cho người bệnh.
Nhân dịp ra mắt 2 cuốn sách đầu tiên của bộ sách, nhóm tác giả quyết định dành tặng 150 bộ cho các bệnh viện, tổ chức, cá nhân đã đồng hành cùng Tổ chức Y học cộng đồng trong thời gian qua và 100 bộ dành cho bệnh nhân nghèo cả nước.