📞

Ra mắt sách về Việt phục thời Lê Sơ tại Australia

An Lê 14:58 | 28/05/2020
TGVN. Cuốn sách “Dệt nên triều đại” về Việt phục thời Lê Sơ của những người Việt trẻ vừa được ra mắt tại Australia.
Bìa và hình minh họa sống động bên trong cuốn sách. (Nguồn: VNC)

Đây là sản phẩm khá công phu của Vietnam Centre (VNC) - một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận và phi chính phủ, điều hành bởi những người trẻ Việt tại Australia với sứ mệnh quảng bá văn hóa nước nhà ra thế giới.

Từ tháng 5/2018, VNC bắt đầu khởi động dự án gây quỹ cộng đồng xuất bản cuốn sách “Dệt nên triều đại” về trang phục triều đình Lê Sơ, nhằm thỏa mãn sự tò mò của người yêu lịch sử về trang phục, cách ăn mặc cũng như văn hóa dân tộc của cha ông. Dự án nhận được sự ủng hộ của gần 300 người con đất Việt đến từ khắp nơi trên thế giới với tổng trị giá dự án lên đến hơn 250 triệu đồng.

“Dệt nên triều đại” ra đời nhằm mang lại nguồn tư liệu dễ tiếp cận và sử dụng cho những người muốn tìm hiểu về cổ phục Việt Nam, tạo hứng thú nơi những người trẻ chưa biết nhiều về chủ đề này. Sau 2 năm nghiên cứu, soạn thảo và hiệu chỉnh, đến nay, cuốn sách “Dệt nên triều đại” đã hoàn thành, ra mắt độc giả với phiên bản song ngữ Việt - Anh. Bên cạnh văn bản lời dẫn, sách có những minh họa sinh động bằng tranh vẽ và ảnh chụp.

“Dệt nên triều đại” được VNC hợp tác xuất bản với Comicola. Khi xuất bản cuốn sách này, VNC hy vọng tác phẩm sẽ được đón nhận không chỉ bởi những người con Việt Nam, mà còn cả từ bạn bè quốc tế - những người nước ngoài yêu thích và mong muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam thông qua nét đẹp văn hóa, trang phục cổ của người Việt xưa. Bên cạnh cuốn sách, VNC còn cho ra mắt sản phẩm sách búp bê giấy do họa sĩ Eris Trần thực hiện gồm 10 bộ trang phục cổ phong - một trong những món quà để gửi tới người ủng hộ từ 500.000đ trở lên, giúp người đọc hình dung dễ dàng hơn về các trang phục triều đình thời Lê Sơ.

Nhóm tác giả cũng cho biết: “Cuốn sách muốn kể câu chuyện xây dựng “nhận dạng” của quốc gia dân tộc thông qua câu chuyện bề nổi là dệt và may”.

Các hình ảnh minh họa trong cuốn sách đều được các họa sĩ trẻ phác họa, mang đậm nét văn hóa Việt, hoặc được sưu tầm từ các nguồn tài liệu tham khảo có uy tín, đảm bảo tính xác thực. Các tài liệu tham khảo tiêu biểu là những tựa sách kinh điển như “Trang phục Việt Nam” của Tiến sĩ Đoàn Thị Tình, “Trang phục triều Lê Trịnh” của hoạ sĩ Trịnh Quang Vũ, “Ngàn năm áo mũ” của học giả Trần Quang Đức.