UBQG được thành lập theo Quyết định số 1743/QĐ-TTg ngày 14/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ, có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều phối, hướng dẫn các Bộ, cơ quan, địa phương về các lĩnh vực công tác có liên quan đến việc chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020.
UBQG gồm Chủ tịch là Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; ba Phó Chủ tịch là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; và 25 thành viên là lãnh đạo các Bộ, Cơ quan tham gia hợp tác ASEAN.
Trực thuộc UBQG ASEAN 2020 có 05 Tiểu ban (Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Lễ tân, Tiểu ban Vật chất - Hậu cần, Tiểu ban Tuyên truyền - Văn hóa, Tiểu ban An ninh - Y tế) và Ban Thư ký ASEAN Quốc gia 2020.
Phát biểu tại Lễ ra mắt Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trải qua hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN đã thành công trong xây dựng cho 630 triệu người dân Đông Nam Á một mái nhà chung là Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Đây là “mái ấm an lành” cho mọi người dân và đang tiếp tục được củng cố bởi hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Năm 2018, GDP của ASEAN tăng khoảng 5,1%, đạt gần 3.000 tỷ USD, là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, có quy mô lớn thứ 6 trên toàn cầu.
ASEAN đã ký kết 6 Hiệp định thương mại tự do với 7 đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới. Đến nay đã có 91 quốc gia cử Đại sứ về ASEAN, 37 quốc gia tham gia Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện khu vực Đông Nam Á (TAC).
Các kỳ họp hàng năm Hội nghị cấp cao ASEAN đã trở thành sự kiện quốc tế quan trọng với sự tham gia của nhiều nguyên thủ, nhà lãnh đạo các quốc gia đối tác, các cường quốc hàng đầu thế giới.
Thủ tướng nêu rõ, năm 2020 đánh dấu chặng đường 25 năm Việt Nam trở thành một thành viên trong “đại gia đình” ASEAN và chúng ta tự hào rằng trong mỗi thành công của ASEAN thời gian qua đều có dấu ấn đóng góp đậm nét của Việt Nam - một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm, luôn chung tay cùng các quốc gia thành viên khác trong củng cố đoàn kết, phát triển ASEAN ngày càng vững mạnh, hướng tới xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN. Việt Nam luôn xác định ASEAN là đối tác ưu tiên, “hòn đá tảng” trong ngoại giao đa phương của Việt Nam.
“Chưa bao giờ đối ngoại đa phương nói chung và hợp tác ASEAN nói riêng nhận được sự quan tâm nhiều cũng như được kỳ vọng cao đến thế. Đó sẽ là bệ đỡ tinh thần cho mỗi hành động để chúng ta có bước tiến dài hơn, vững chắc hơn trong hợp tác ASEAN, Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phát biểu ý kiến tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Với thế và lực mới, Việt Nam mong muốn tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp thực chất hơn nữa vào tiến trình xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN tự cường, sáng tạo, hướng tới một ASEAN hài hòa, gắn kết, bản sắc, có khả năng thích ứng cao, ngày càng phát triển thịnh vượng, có vai trò trách nhiệm trong giải quyết những vấn đề toàn cầu.
Vào năm 2020 - thời điểm Việt Nam tổ chức nhiều sự kiện, kỷ niệm trọng đại của đất nước, Thủ tướng cho biết, năm Chủ tịch ASEAN 2020 là sự kiện quốc tế đa phương lớn nhất, lúc đó, ASEAN đi được đúng nửa chặng đường triển khai kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025. Do vậy việc tổ chức thành công năm Chủ tịch ASEAN 2020 có ý nghĩa quan trọng, là thời điểm để ASEAN đánh giá giữa kỳ, có quyết định những bước đi tiếp theo trên chặng đường về đích để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025.
Theo Thủ tướng, sự cộng hưởng của tất cả sự kiện trên trong năm 2020 sẽ tạo ra vận thế mới để phát thuy tối đa lợi thế, tiềm năng đất nước, nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam, một quốc gia luôn coi trọng, trông đợi và sẵn sàng làm hết sức mình để năm Chủ tịch ASEAN 2020 thành công. Thủ tướng nhấn mạnh, điều quan trọng hàng đầu là các bộ, các cơ quan, các địa phương, doanh nghiệp, từng người dân phải cùng nhận thức rõ về tầm quan trọng chiến lược của hợp tác ASEAN và thấy được những lợi ích, cơ hội to lớn mà ASEAN mang lại, và “hãy tự hào và hành động với tinh thần là doanh nghiệp ASEAN, công dân ASEAN”. Như vậy sức sống của ASEAN sẽ lan tỏa rộng lớn, khơi dậy sự chủ động, sáng tạo, cùng nhau hợp tác, cùng nhau hành động.
Thủ tướng cho rằng, việc ra mắt Ủy ban hôm nay thể hiện sự chủ động của Việt Nam với trách nhiệm Chủ tịch ASEAN 2020, thể hiện tinh thần khẩn trương, nghiêm túc đối với một sự kiện đối ngoại lớn của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với các thành viên Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Sự kiện hôm nay là thời khắc quan trọng để khởi động “Đồng hồ đếm ngược” chuẩn bị năm Chủ tịch ASEAN 2020 và “tôi mong rằng mỗi tiếng “tik - tăk” từ giờ phút này sẽ là lời nhắc nhở, thúc giục mỗi chúng ta phải khẩn trương trong công việc với tinh thần trách nhiệm cao, linh hoạt và sáng tạo trong triển khai, tuyệt đối không được chủ quan, không lơi lỏng trong từng công việc để sau gần 2 năm nữa chúng ta có thể cùng nhau tự hào về năm Chủ tịch ASEAN 2020 thành công của Việt Nam như tinh thần chiến thắng tuyệt vời của đội tuyển bóng đá quốc gia vừa giành chức vô địch AFF Cup 2018”.
Thủ tướng mong rằng chúng ta sẽ cùng nỗ lực hành động để tổ chức năm Chủ tịch ASEAN 2020 đạt kết quả toàn diện với 3 thành công lớn: Thành công về nội dung; thành công trong bảo đảm an ninh, an toàn, trọng thị về lễ tân và thành công về quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, đất nước, con người Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN phát triển và thịnh vượng.
Ngay sau lễ ra mắt, Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban. Trong phiên họp, Chủ tịch Ủy ban giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng.
Ủy ban Quốc gia ASEAN năm 2020 gồm 29 thành viên, gồm 5 Tiểu ban: Nội dung, Lễ tân, Tuyên truyền - Văn hóa, Vật chất - Hậu cần, An ninh - Y tế; và Ban Thư ký ASEAN Quốc gia 2020.