Được xem là những robot cai ngục đầu tiên trên thế giới, những chú robot do Forum for Corrections – một nhóm các nhà nghiên cứu Hàn Quốc chuyên về tội phạm và các chính sách của nhà tù - nghiên cứu chế tạo. Chúng cao 1,5m, đi bằng bốn chân có bánh xe và được trang bị camera 3D, loa, và máy cảm biến để phát hiện những hành vi bất thường hay nguy hiểm – như âm mưu tự sát, lẩn trốn hoặc các vụ đánh nhau. Khi nguồn điện xuống dưới mức 20%, những con robot này biết tự động tìm đến trạm sạc pin gần nhất. Quá trình thử nghiệm sẽ diễn ra trong vòng một tháng, và giá trị của mỗi con robot này là 300.000 USD (hơn 6 tỉ đồng).
Trong bối cảnh các nhân viên trông tù đang bị quá tải, những cỗ máy này sẽ góp phần làm giảm khối lượng công việc, nhất là với những người làm ca. Các nhà khoa học và nhà quân sự cũng hứng thú với loại robot này bởi vì chúng có thể làm việc trong thời gian dài và đặc biệt là không thể bị mua chuộc hay đút lót.
Thực tế, trong lần thử nghiệm trước đây, loại robot này bị nhiều người chỉ trích vì có vẻ ngoài đáng sợ, làm gợi nhớ đến cỗ máy giết người Kẻ hủy diệt trong một bộ phim cùng tên của Hollywood. Thế nhưng lần này, theo Lee Baik-chui, thuộc ĐH Kyonggi, người chỉ đạo dự án trị giá 863.000 USD, “công việc của các robot không phải là trừng phạt những tù nhân bạo lực. Chúng là lực lượng hỗ trợ”. Những con robot này có vẻ mặt thân thiện và ít cứng nhắc hơn. Không mang súng hay bất kỳ loại vũ khí nào, tất cả những việc mà robot làm là “kêu gọi con người tới hiện trường giải quyết nếu có sự cố”. Thậm chí chúng còn giúp tù nhân kêu gọi sự giúp đỡ khi ốm hoặc gặp nguy hiểm.
Hàn Quốc đã đặt mục tiêu là một trong những nước đứng đầu thế giới về ngành chế tạo robot và đã từng thử nghiệm nhiều loại robot canh gác tại biên giới liên Triều, robot dạy tiếng Anh trong trường học, làm vệ sinh tại các khu chung cư … Lãnh đạo các doanh nghiệp nước này tin rằng, đây là một lĩnh vực có tiềm năng trở thành ngành xuất khẩu lớn. Hồi tháng Giêng, Bộ Kinh tế tri thức của Hàn Quốc cho biết đã chi khoảng 415 triệu bảng cho việc nghiên cứu lĩnh vực này tính từ năm 2002 tới năm 2010, mục đích là để cạnh tranh với các quốc gia khác như Nhật Bản – quốc gia cũng đang khám phá tiềm năng của ngành công nghiệp robot.
Truyền thông Hàn Quốc đã đưa tin về những thành công như việc Samsung Techwin bán hệ thống giám sát bằng robot cho Algeria hay việc bán robot Hubo giống người cho 6 trường đại học ở Mỹ. Công ty quốc phòng Hàn Quốc DoDAAM cũng đang phát triển tháp pháo robot để xuất khẩu – hệ thống có thể được lập trình để nổ súng tự động. Nhật báo Joongang đưa tin hồi tháng 8 rằng một công ty có tên là Showbo đã bắt đầu sản xuất hàng loạt loại robot biết cúi đầu trước các khách hàng và nói với họ về chương trình khuyến mại… Các công ty khác cho biết họ hi vọng sẽ bắt đầu bán robot có khả năng chăm sóc người già vào cuối thập kỉ này. Chính phủ Hàn Quốc cũng đang xây dựng một công viên mang tên Robot Land ở thành phố Incheon, giúp quảng bá cho ngành công nghiệp này, và hi vọng công viên sẽ thu hút khoảng khoảng 2,8 triệu người tới thăm mỗi năm.
Mai Anh