Ảnh minh họa. |
Bên lề Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh những vấn để này.
- Thưa ông, thực trạng rửa tiền ở Việt Nam đã xảy ra chưa và xảy ra ở cấp độ như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Hoạt động rửa tiền đã có những dấu hiệu ở trong nền kinh tế của nước ta, chuyện đấy nó là tất yếu nhưng độ phổ biến của rửa tiền ở Việt Nam cũng chưa tinh vi, họ chưa dùng những nghiệp vụ cao trong công tác thanh toán như ở các nước khác.
Một trong những nghiệp vụ rửa tiền nhìn thấy ở Việt Nam là thông qua hoạt động mua bán chứng khoán hoặc thông qua hoạt động buôn bán bất động sản để người ta chứng minh hoạt động thu nhập đấy từ hoạt động kinh doanh siêu lợi nhuận ở một thời điểm nào đấy. Đây cũng là một dấu hiệu cần phải phòng chống.
- Vậy cấp độ nghiêm trọng của rửa tiền ở Việt Nam so với thế giới như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Nói chung mọi nền kinh tế khi mà so sánh như thế thì khó vì nền kinh tế thị trường của mình còn mới hơn các nền kinh tế khác, động tác rửa tiền ở Việt Nam cũng thô sơ hơn hoạt động rửa tiền của các tổ chức, thế giới ngầm ở các nước khác. Nếu so với các nước thì thì kỹ thuật, nghiệp vụ áp dụng ở Việt Nam còn đơn giản nhưng ở nước mình như thế lại là nghiêm trọng rồi. Nói chung, đây là Luật phòng và chống, tôi thấy đặt vấn đề như thế là hợp lý.
- Có đại biểu cho rằng, chúng ta chưa bắt được vụ nào về rửa tiền, có phải đây là do chúng ta thiếu các chính sách nên đã để lọt tội phạm?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Không đúng, chúng ta đã bắt được một vài vụ rồi. Thí dụ như tội tham nhũng chẳng hạn, trong đó thông qua con hoặc thông qua sân sau để chuyển, đó cũng là hình thức rửa tiền. Hay như một doanh nghiệp du lịch ở nước ngoài đến Việt Nam và quản lý khách sạn nhưng lại giữ giá cho khách sạn ấy thấp xuống vì họ nói 5 năm rồi không đầu tư, đấy cũng là một hình thức rửa tiền vì đây là hình thức đầu tư từ nước ngoài vào và lại chuyển vốn ra nước ngoài.
Cho nên những tội phạm dạng như vậy chúng ta đã thấy có ở Việt Nam nhưng vì thời điểm đó chúng ta chưa có Luật phòng chống rửa tiền nên quy vào Luật Hình sự, chính vì vậy chưa có con số thống kê chính xác.
- Có một chuyên gia cho rằng, hoạt động rửa tiền ở Việt Nam thường được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, nhận định của ông về ý kiến này?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Bất động sản chỉ là một công cụ, một phương tiện cho người ta rửa tiền thôi. Chứ không phải người ta đầu tư vào bất động sản. Ở đây cần phân biệt tiền đầu tư vào bất động sản từ tham nhũng lại khác với tiền vào bất động sản để rửa tiền. Người ta có thể chấp nhận phí rửa tiền từ 20-30% của mức đầu tư.
Chính vì vậy, phải nhìn vào các doanh nghiệp, nếu họ hoạt động một thời gian, lỗ mặc kệ, cứ chuyển tiền về nước rồi sau đó phá sản thì đó là một hình thức rửa tiền xuyên quốc gia.
- Ngoài bất động sản thì đâu là lĩnh vực hay dùng để rửa tiền, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Thường qua còn đường mua bán, cổ phần hóa doanh nghiệp. Cổ phần hóa sau một thời gian họ lấy cổ tức, rồi chia nhau, rồi lại bán ra và họ đã có một nguồn thu nhập chính đáng. Từ có một đồng tiền không có địa chỉ chuyển thành một đồng tiền có địa chỉ.
Trong các hoạt động rửa tiền thì bao giờ cũng gắn với các thị trường như thị trường tài chính, bất động sản, khoa học công nghệ…
- Những đồng tiền đó lại được rửa chính trong lĩnh vực ngân hàng thì sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Chuyện đó cũng bình thường vì bây giờ mình muốn nuôi một đứa con lớn nhưng lại bắt chúng nó suốt ngày ngồi trong nhà kính, có điều hòa thì không được. Điều đó phải chấp nhận vì trong điều kiện phát triển của đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế thì không thể tránh khỏi chuyện rửa tiền. Cái đó là tất yếu trong quá trình phát triển.
- Vậy, chúng ta cần phải có những biện pháp gì để ngăn chặn hoạt động này khi mà Luật phòng chống rửa tiền chưa có hiệu lực, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Hiện nay Luật phòng chống rửa tiền nếu theo chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh của Quốc hội thì trong kỳ họp này sẽ thông qua. Như vậy 1/1/2013 Luật này sẽ có hiệu lực. Việc này cũng không cấp bách đến nỗi chỉ trong vòng 6 tháng mà phải đưa thêm những văn bản hay Nghị định nào đó.
Hiện nay, một loạt các văn bản như Luật hình sự, Luật Tố tụng Dân sự đang khống chế những vi phạm đó nên chúng ta không có gì phải vội. Còn sau này, khi Luật phòng chống rửa tiền có hiệu lực thì Việt Nam có cả một hệ thống hóa các biện pháp phòng chống trong lĩnh vực này./.
Xin trân trọng cảm ơn ông!