Ngày 14/12 là một ngày đáng nhớ đối với người dân Cộng hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Congo khi vũ điệu Rumba Congo truyền thống của họ được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cần được bảo tồn, phát huy.
Bởi lẽ, với họ, điệu nhảy Rumba Congo đã trở thành một phần lịch sử, mảnh ghép không thể nào thiếu trong tâm hồn của những người dân nơi đây.
Những điệu nhảy Rumba Congo là mảnh ghép quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân hai nước Congo. (Nguồn: Samantha Reinders/NPR) |
Đi để trở về
Có lẽ nhiều người sẽ bất ngờ khi biết rằng điệu nhảy Rumba nổi tiếng của các nước Mỹ Latinh lại bắt nguồn từ châu Phi, cụ thể là Vương quốc cổ Kongo (Kingdom of Kongo), nay được tiếp nối bởi Cộng hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Congo.
Giữa thế kỷ XVI tới đầu thế kỷ XIX, với sự mở rộng của hoạt động buôn bán nô lệ hai bờ Đại Tây Dương, điệu nhảy, giai điệu của người dân bản địa đã được truyền bá sang Tân Thế giới. Tại vùng đất mới, những người nô lệ đã cố gắng giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống bằng cách tụ họp nhảy múa vũ điệu Nkumba trong tiếng Kikongo, tên gọi khởi nguyên của điệu nhảy Rumba ngày nay.
Qua thời gian, Rumba dần trở nên phổ biến trên giới và điệu nhạc này đã quay về với đất mẹ châu Phi. Nhận ra sự quen thuộc trong âm thanh và điệu nhảy của Rumba, những nhạc sĩ Congo đã phối âm với giai điệu truyền thống, biến tấu và chuyển đổi linh hoạt tạo ra sự gần gũi đối với người dân bản địa, qua đó tạo nên Rumba Congo.
Khác với “người họ hàng” tại Cuba, Rumba Congo thường mang tính tự do hơn và có thể biểu diễn tại nhà, nơi công cộng, khu tôn giáo hay thậm chí là trong lễ tang.
Theo UNESCO, vũ điệu truyền thống Rumba Congo được truyền lại từ nhiều đời nay là tinh túy và đại diện cho bản sắc của người dân Congo, đồng thời là công cụ để truyền tải các giá trị xã hội và văn hóa.
Sau khi trở về quê hương, điệu Rumba Congo dần thịnh hành không chỉ tại Congo mà còn lan tỏa khắp châu lục, ảnh hưởng nhất định tới âm nhạc châu Phi hiện đại.
Trong thập niên 1970, âm nhạc Rumba dần phổ biến tại láng giềng của Congo như Tanzania, Kenya và Uganda. Những giai điệu nhảy Rumba thường xuyên xuất hiện tại các quán bar, khu du lịch và được người dân địa phương yêu thích.
Do những biến động trong chính trị tại Congo cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, một lượng lớn người Congo đã di cư khắp châu Phi, góp phần truyền bá nền văn hóa giàu bản sắc và điệu nhảy Rumba Congo đầy hấp dẫn tới nhiều nơi trên lục địa này.
Người dân nhảy điệu Rumba tại một quán bar ở thủ đô Kishasa (Nguồn: Reuters) |
Xóa nhòa khác biệt
Năm 2016, sau khi điệu nhảy Rumba của Cuba được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, quan chức hai nước Congo bắt đầu tìm cách đưa vũ điệu truyền thống của tổ tiên xuất hiện trên bản đồ văn hóa thế giới.
Ngày 17/8/2021, một chuyến dịch quảng bá rầm rộ nhằm ủng hộ điệu nhảy Rumba Congo đã được tổ chức tại Kinshasa, thủ đô Cộng hòa Dân chủ Congo do Bộ trưởng Văn hóa nước này, bà Catherine Kathungu Furaha, chủ trì.
Tại đây, bà kêu gọi thu hút mọi nguồn lực từ truyền thông, mạng xã hội tới các đại sứ quán, trường đại học để quảng bá loại hình nghệ thuật truyền thống của đất nước. Theo bà, truyền thông cần làm cho mọi thành phần trong xã hội biết tới lịch sử hào hùng của điệu nhảy, một phần bản sắc của cả người gốc Phi và người dân bản địa.
Ngày 6/10, gác lại tranh chấp về lãnh thổ, cơ quan chức năng hai nước Congo đã cùng trình hồ sơ công nhận điệu nhảy Rumba Congo là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại lên UNESCO, minh chứng rằng âm nhạc và văn hóa xóa nhòa khác biệt giữa các quốc gia.
Điệu nhảy Rumba Congo được chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 14/12 là minh chứng cho sức sống mãnh liệt, tiềm năng phát triển và vươn tầm thế giới của nét văn hóa giàu bản sắc văn hóa này.