📞

Sắc lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ không chống người Hồi giáo

16:19 | 09/05/2017
Trong phiên điều trần về sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump tại tòa án phúc thẩm khu vực Richmond, bang Virginia, Chính phủ Mỹ đã phản bác những cáo buộc cho rằng mục đích của lệnh cấm này là nhằm chống lại người Hồi giáo. 

Phát biểu trước các thẩm phán của Tòa án phúc thẩm số 4, ông Jeffrey Wall, quyền Tổng biện lý sự vụ Mỹ, khẳng định Tổng thống Trump chưa bao giờ có ý định dùng lệnh cấm để phân biệt đối xử đối với bất cứ tôn giáo nào. Tổng thống Trump cũng đã phát biểu rõ ràng rằng ông không đề cập đến người Hồi giáo trên cả thế giới, do đó đây không phải là lệnh cấm người Hồi giáo.

Người Mỹ gốc Yemen biểu tình phản đối lệnh cấm nhập cư của ông Trump. (Nguồn: Reuters)

Nhà Trắng khẳng định động cơ của việc này xuất phát từ những quan ngại về an ninh quốc gia, một lĩnh vực mà các Tổng thống Mỹ có quyền hạn rộng lớn.

Ngày 27/1, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh cấm người dân từ 7 quốc gia - Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen - vào Mỹ trong 90 ngày, song vấp phải sự phản đối của các tòa án liên bang. Đến ngày 16/3, chính quyền của Tổng thống Mỹ đã sửa đổi lệnh cấm này, rút Iraq khỏi danh sách, song cũng nhanh chóng bị các tòa án ở Maryland và Hawaii phong tỏa.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đầu tháng 4/2017 đã tiết lộ một số bước nhằm hạn chế chương trình cấp thị thực đối với những người nhập cư có tay nghề thường được áp dụng tại Thung lũng Silicon để thu hút nhân công trong lĩnh vực công nghệ. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ áp dụng hình thức hạn ngạch hàng năm cho chương trình cấp thị thực theo diện H-1B sau khi Tổng thống Donald Trump loan báo hạn chế người nhập cư, vốn được coi là chiếm nhiều vị trí việc làm của nước Mỹ.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cuối tháng 4/2017 dự báo lượng kiều hối gửi về khu vực Mỹ Latin và Caribbean trong năm nay sẽ giảm 3,3% do các chính sách bảo hộ, hạn chế nhập cư của Mỹ. Báo cáo của WB cho biết lượng kiều hối gửi về Mỹ Latin và Caribbean trong năm 2016 đạt 73 tỷ USD, tăng 6,9% so với năm 2015. Đây là sự gia tăng kiều hối hiếm thấy trong 3 thập kỷ qua của Mỹ Latin trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm. 

(theo AFP)