Cuốn sách "Bí mật ẩn sau của Facebook - 'quốc gia' lớn nhất thế giới" là một trong những cuốn sách về công nghệ hay nhất năm 2020 do Financial Times bình chọn. (Ảnh: Nguyễn Mạnh Linh) |
"Cuốn sách này sẽ khó bán chạy ở Việt Nam" là một trong những nhận xét đầu tiên của tôi khi nhận được đề nghị viết lời giới thiệu cho cuốn tiểu sử Facebook: The Inside Story (tựa tiếng Việt: Facebook: Bí mật về quốc gia lớn nhất thế giới). Đơn giản vì tuy hầu như ngày nào chúng ta cũng lướt "phây" (Facebook) nhưng hiếm khi nào nghĩ đến việc tìm hiểu tường tận câu chuyện đằng sau nút Like hay biểu tượng "haha" ta thường hay thả.
Tiểu sử của Zuckerberg – anh chàng tỷ phú tự thân trẻ tuổi đã sớm ghi tên mình vào danh sách 10 người giàu nhất thế giới – chắc cũng không có gì lạ ngoài "công thức": tìm thấy đam mê – bỏ học khởi nghiệp – thành công đình đám thôi!
Nhưng nếu chỉ có vậy thì Steven Levy đã không bỏ công nghiên cứu và viết hơn 600 trang sách. Chắc chắn phải có điều gì đặc biệt hơn. Tôi cho rằng điều đặc biệt đó ẩn chứa trong từ "inside" (bên trong) hay là "bí mật". Câu chuyện của Facebook đã được "nội soi", lật mở từng lớp từ trong ra ngoài và mỗi đối tượng độc giả sẽ khám phá được một bí mật khác nhau.
Nếu là cư dân của "quốc gia" Facebook, có lẽ bạn sẽ thích thú (hoặc giật thót) khi biết được lý do ra đời của từng tính năng, những thuật toán âm thầm tác động đến cảm xúc của con người, hay quá trình "lột xác" ngoạn mục, đưa Facebook từ một cuốn sổ đăng ảnh nhàm chán trở thành một "quốc gia" đông đúc, nhộn nhịp như ngày nay. Trong đó, chi tiết làm tôi ấn tượng nhất là câu chuyện về đội ngũ kiểm duyệt nội dung trên bảng tin.
Trước đây, Facebook từng nhờ các công ty bên ngoài như Accenture và Cognizant tuyển dụng kiểm duyệt viên với mức lương rẻ mạt, chỉ 15USD/giờ. Nhiệm vụ của họ là xem một khối lượng nội dung khổng lồ với tốc độ nhanh chóng, sau đó quyết định giữ chúng lại hay gỡ đi, dựa trên những quy tắc phức tạp và dễ nhầm lẫn.
Steven Levy là biên tập viên độc lập của tạp chí Wired. Ông từng là biên tập viên cấp cao và là phóng viên chính về mảng công nghệ của tạp chí Newsweek, và là cộng tác viên cho nhiều tờ báo. Ông là tác giả của bảy đầu sách đã xuất bản, bao gồm Hacker lược sử (Hackers), Cuộc đời nhân tạo (Artifcial Life), Vĩ đại một cách điên rồ (Insanely Great), Mật mã (Crypto), Nội soi Google (In the Plex). Levy hiện sống cùng vợ, nhà văn Teresa Carpenter tại thành phố New York. |
Steven Levy đã ví các nhân viên kiểm duyệt này giống như những người lao công cần mẫn, lặng lẽ làm việc hằng đêm để dọn sạch bảng tin, trả lại bầu không khí giải trí trong lành cho cả tỷ người dùng. Phải nói rằng đây là công việc khắc nghiệt cả về thể chất lẫn tinh thần. Thật may vì sau đó Facebook đã chuyển sang dùng thuật toán để xử lý nhiệm vụ này.
Câu chuyện khởi nghiệp đầy thăng trầm và kịch tính của Facebook sẽ mang đến cho doanh nhân nhiều bài học tâm đắc. Thẳng thắn mà nói, khi Zuckerberg gây dựng công ty ở tuổi ngoài đôi mươi, anh còn khá non trẻ và nông nổi.
Thế mạnh và đam mê của anh là công nghệ, cụ thể là lập trình chứ không phải ngoại giao hay kinh doanh. Vậy nhờ đâu mà thế giới có được một đế chế Facebook hùng mạnh như ngày nay, ngoài việc Zuck nhận được sự trợ giúp của nhiều cánh tay đắc lực? Sau khi dõi theo ngòi bút của Steven Levy, tôi cho rằng có hai lý do chính:
Thứ nhất, anh luôn tin tưởng tuyệt đối vào sứ mệnh ban đầu của mình, thậm chí đến mức cực đoan. Do đó, nếu bạn tự tin với ý tưởng hoặc với doanh nghiệp của mình, tuyệt đối đừng trao nó cho người khác với bất kỳ giá nào.
Khi Yahoo! đề nghị mua lại Facebook với mức giá khủng, vị CEO trẻ này đã kiên quyết từ chối sau nhiều sự thuyết phục lẫn đắn đo. Vì anh tin rằng sứ mệnh kết nối thế giới mới thực sự là vô giá. Trong lúc đó, nhà sáng lập WhatsApp, Instagram sớm muộn đều phải rời bỏ đứa con tinh thần của mình sau khi đồng ý sáp nhập vào Facebook.
Tuy nhiên, ngay khi tôi đang viết những dòng giới thiệu này thì Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) và Bộ trưởng Tư pháp của 48 tiểu bang đã khởi xướng một vụ kiện lớn, cáo buộc Facebook độc quyền và hành vi chống cạnh tranh của họ làm tổn hại đến lợi ích của người Mỹ, cụ thể yêu cầu chia tách Facebook, buộc công ty phải rút lại thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp…
Thứ hai, tinh thần tiến nhanh và phá vỡ mọi thứ chính là nền tảng để Facebook trụ vững trong thế giới công nghệ cạnh tranh khốc liệt. Thay vì kiểm duyệt một tính năng nhiều lần, đội ngũ nhân viên Facebook tập trung sáng tạo và đẩy ra thị trường ngay lập tức. Họ chấp nhận mạo hiểm, lắng nghe phản hồi của người dùng rồi sửa chữa sau đó.
Tuy nhiên, sự táo bạo này cũng là con dao hai lưỡi. Steven Levy đã kể ra nhiều sự cố mà đáng lẽ Facebook có thể tránh được ngay từ đầu, những vết xe đổ bị giẫm lại nhiều lần. Chính sự sai phạm và xin lỗi triền miên này khiến Facebook đánh mất lòng tin của người dùng. Tôi tin rằng các doanh nhân sẽ học hỏi được nhiều từ thành công lẫn thất bại, tinh thần sáng tạo nhưng còn nhiều nông nổi của Mark Zuckerberg.
Viết tiểu sử về một con người đã khó, viết tiểu sử về một công ty gắn với rất nhiều con người lại càng khó hơn. Có rất nhiều đối tượng đã dự phần vào hành trình thai nghén và nuôi nấng Facebook, từ những bậc "công thần" đầu tiên như D’Angelo, Sheryl Sandberg, những ông lớn công nghệ, những công nhân kiểm duyệt vô danh đến hàng tỷ người trên thế giới đã "nhập tịch" quốc gia Facebook.
Tác giả Steven Levy là biên tập viên độc lập của tạp chí Wired. |
Steven Levy – cây bút phóng sự công nghệ bậc thầy, đã khéo léo đưa tất cả tiếng nói đó vào cuốn tiểu sử này. Ông khắc họa một tượng đài mạng xã hội lý tưởng nhưng cũng đầy mờ ám, bóc lột người dùng và ngày càng bị xem thường (Publishers Weekly).
Tôi thích cái cách Steven Levy giữ một khoảng cách rất chừng mực với đối tượng mà ông đang tường thuật, (làm tôi nhớ ngay đến tác giả danh tiếng Walter Isaacson khi viết tiểu sử Steve Jobs) đủ để linh hoạt hóa thân trong nhiều vai trò – người kể chuyện trung dung, nhà bình luận sắc sảo hay người bạn tâm tình.
Giờ đây, Facebook đã có hơn 2,7 tỷ người dùng, nếu đo về số dân đã lớn gấp đôi Trung Quốc. Do nghề nghiệp đặc thù đào tạo và huấn luyện kinh doanh online bán hàng trên Facebook, tôi cũng thường đọc các báo cáo tài chính theo quý của công ty quảng cáo niêm yết lớn nhất thế giới này, và trong năm năm liên tục, tôi không khỏi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng vì đồ thị tăng trưởng lên dốc thẳng tắp của họ, không một quý nào giảm mà chỉ có tăng và tăng.
Kết quả kinh doanh thần kỳ đó cũng phần nào lý giải được lý do cả thế giới đã bị nghiện và phụ thuộc vào Facebook như thế nào. Tất nhiên, lịch sử cũng ghi nhận một án phạt lớn kỷ lục chưa từng có với một công ty công nghệ: 5 tỷ USD cho vụ Cambridge Analytica. "Công ty công nghệ" không ai khác ngoài Facebook.
Cuối cùng, trong lúc đọc cuốn sách này, tôi không khỏi trăn trở rằng: Thật ra chúng ta đang làm chủ công nghệ, hay công nghệ làm chủ chúng ta? Liệu ta có đang dễ dãi khi để cho tư duy, quan niệm sống, sở thích của mình bị tâm lý đám đông chi phối và một số ít công ty công nghệ lẫn mạng xã hội nắm trong tay sức mạnh đáng sợ của thời đại số?
Tất cả những lời tự vấn đó, tôi nghĩ khá nhiều bạn đọc sẽ đồng cảm với tôi. Và mỗi người nên tự tìm ra câu trả lời cho chính mình sau khi đọc cuốn Facebook: Bí mật về "quốc gia" lớn nhất thế giới để hiểu rõ hơn sự biến chuyển chóng mặt của xã hội mà chúng ta đang sống.