Cuốn sách “Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua” vừa được NXB Văn học và Sbooks ra mắt. (Nguồn: Sbooks) |
Khuôn mặt "muôn hình vạn trạng"
Gần hai năm qua, Việt Nam đã không thể đứng ngoài cơn bão giông thế kỷ mang tên Covid-19. Hậu quả do đại dịch để lại vô cùng lớn, không tính toán được.
Và theo tác giả Sương Nguyệt Minh, dường như virus SARS-CoV-2 đặt ra "luật chơi" và phá hủy nhiều hệ giá trị tinh thần đã ổn định của loài người, làm nhân loại “thất điên bát đảo”.
Con người nhận thức về con người, về thế giới và hành động, về ứng xử và phòng tránh dịch họa vẫn là cuộc hành trình bất tận đi tìm câu trả lời. Thế nhưng, trong đại dịch thì tất cả đều lộ diện y nguyên, trần trụi, khiến chúng ta giật mình phải điều chỉnh lại tư duy và cách sống.
Người Việt có câu "Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau" nên dường như đại dịch Covid-19 như thước đo lòng người. Cuộc chiến chống dịch càng khốc liệt thì phẩm chất con người càng thử thách.
Đọc Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua, người đọc có thể hình dung được quá trình diễn biến của dịch bệnh. Dù nó chưa đến hồi kết, nhưng có quá nhiều điều đáng kể, đáng nói, đáng ghi chép lại.
Bên cạnh hiện thực với những người cơ hội, trục lợi, chủ quan, lơ là, lo sợ, hoang mang, kỳ thị… thậm chí vô cảm với nỗi đau đồng loại, thì số đông vẫn là những người chân thực, thiện lương, tử tế, can đảm, tận tụy, tỉnh táo, giàu tình thương yêu, thầm lặng làm việc tốt trước thiên tai nghiệt ngã.
Đậm hương vị nhân văn
Đó là những trang sách kể về những chiến sĩ áo trắng, những nhà báo xông pha tuyến đầu, những người lính ở mọi miền, những nhà hảo tâm và cả những bệnh nhân đã được chữa khỏi cùng chung sức chống dịch.
Qua đó, cuốn sách lan tỏa tới bạn đọc nguồn năng lượng tích cực từ những tấm gương vì cộng đồng, những bài học rút ra ngay trong cuộc chiến sinh tử, những mất mát và những điều lớn lao qua thử thách cam go.
Có thể nói, những sự kiện, câu chuyện, nhân vật ấy đã được ghi lại bằng cái nhìn tỉnh táo, nhân văn giàu trách nhiệm của tác giả Sương Nguyệt Minh. Ông nêu sự kiện, trích văn bản, dẫn câu chuyện rồi bình luận, khái quát bằng một cái nhìn khách quan và sắc sảo.
Với gần 20 năm công tác ở một bệnh viện quân đội cùng với trực cảm của một nhà văn, Sương Nguyệt Minh có cái nhìn khá sâu về sự kiện quá dữ dội khốc liệt này.
Bởi vậy, cuốn sách dù với diện mạo khiêm tốn lại sở hữu nguồn tư liệu các bài viết phong phú, công phu về đại dịch Covid-19 suốt hai năm trên thế giới và ở Việt Nam.
Nhà văn, nhà báo Sương Nguyệt Minh tên thật là Nguyễn Ngọc Sơn, quê ở Yên Mô, Ninh Bình. Ông đã giành nhiều giải thưởng văn học như Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010, Giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2003-2004, Giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996, giải thưởng Văn học Nghệ thuật Bộ Quốc phòng 5 năm 1999-2004… Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Đêm Thánh vô cùng, Người về bến sông Châu, Lửa cháy trong rừng hoang, Mây bay cuối đường, Đi qua đồng chiều, Mười ba bến nước, Miền hoang… |