📞

Sai lầm khi chọn ngành hot

14:48 | 25/03/2023
Trong tiêu chí chọn ngành, rất nhiều thí sinh và phụ huynh dành sự quan tâm đến ngành hot mà không quan tâm đến sở trường, sở đoản của bản thân hay điều kiện gia đình. Theo các chuyên gia, đây là một trong những sai lầm thường gặp khi chọn ngành học.
Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Thủy lợi thu hút sự tham gia của các thí sinh và các phụ huynh. (Nguồn: Báo Quân đội nhân dân)

Hiểu đúng về ngành hot

Rất nhiều thí sinh mong muốn sẽ học ngành hot nhưng các em cũng không biết thế nào là ngành hot, ngành mình cho là hot và chọn lựa sau khi học xong đi làm có hết hot không?

Trước thắc mắc này, ông Ngô Minh Tuấn - người sáng lập Trường huấn luyện Doanh nhân CEO Việt Nam Global chia sẻ: Những nghề sơ khai về sử dụng mang tính lặp đi lặp lại, không mang tính ứng dụng của cảm xúc con người thì sau này robot sẽ làm hết. Ví dụ, lĩnh vực: Ngân hàng, bán hàng, chạy quảng cáo, cung cấp dữ liệu, thậm chí là kế toán… gần như mang tính lặp đi lặp lại hoặc hệ thống máy móc, phần mềm, con người chỉ nhập số liệu vào.

Tư duy con người có các nấc thang: Nấc 1 là kiến tạo và nấc 2 là vận hành. Nấc kiến tạo thì robot không làm được nhưng nấc vận hành thì sau này robot có thể thực hiện được.

Chuyên gia Ngô Minh Tuấn dự báo, chỉ khoảng sau 30 năm, những ngành nghề mang tính vận hành sẽ biến mất, chỉ còn lại những ngành tư duy của kiến tạo. Do vậy, ai học những ngành nghề mang tính sáng tạo thì sẽ tồn tại. Ngược lại, nếu chỉ học những ngành nghề mang tính lặp đi lặp lại thì có nguy cơ thất nghiệp trong tương lai gần.

Hiện chưa có dự báo sâu về ngành. Người đi học quen nhìn ra xung quanh thấy lĩnh vực nào đó kiếm ra tiền thì lao vào học và coi đó là ngành hot. Dễ nhìn thấy như bất động sản những năm trước kiếm tiền rất tốt, nhiều người lao vào làm sale bất động sản nhưng đến năm nay, thị trường chững lại thì ngành này cũng dần xuống ngôi.

"Theo góc nhìn của tôi, không có ngành nào hot, làm nghề nào mà bạn giỏi nghề và mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng, cho xã hội thì đấy là người hot. Vì vậy, đừng tập trung vào nghề hot mà cần tập trung vào năng lực sở trường của bản thân. Từ đó, nhìn sâu vào bản thể của mình, nghiên cứu nghề nào bản thể của mình đáp ứng tốt nhất, mình thích nó, mình trở thành trạng nguyên của lĩnh vực đó thì mình lúc nào cũng hot"- ông Ngô Minh Tuấn nói.

Coi ngành học là một dự án đầu tư

Bàn về vấn đề trên, TS. Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội chia sẻ: "Có nhiều em đặt câu hỏi cho các thầy cô khi tư vấn tuyển sinh rằng em muốn chọn ngành hot" nhưng lại sợ không đủ năng lực. Nếu chọn những ngành khác, em lo mất cơ hội vào những ngành đang rất hấp dẫn kia.

Thực tế cho thấy, một đất nước phát triển, bất cứ ngành nghề nào cũng cần thiết và có sự gắn bó, liên hệ chặt chẽ với nhau. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho rằng, không có ngành gì là hot hẳn.

Nếu như ngành du lịch phát triển, sẽ kéo theo sự phát triển của ngành hàng không, vận tải, các dịch vụ nhà hàng khách sạn phát triển… Hay ngành công nghệ ô tô phát triển, yêu cầu cần có các linh kiện ô tô, dây điện, ốc vít… để thành phẩm và đưa ra thị trường thì lại liên quan đến khâu marketing, thương mại, dịch vụ…

Rõ ràng một ngành phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành khác cùng phát triển. Hiện các em mới chỉ đang hiểu đơn thuần rằng ngành nào có lương cao là ngành hot. Cách hiểu đó là chưa đúng và chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi mà robot và trí tuệ nhân tạo có thể khiến một số ngành nghề ở hiện tại có nguy cơ giảm dần, biến mất. Do đó, không thể nói ngành nào hot hay không hot.

TS. Đồng Văn Ngọc định hướng: Các em nên căn cứ vào những điều kiện thực tế như lực học, sở trường, sở thích của bản thân, nhu cầu của xã hội với các ngành nghề để đưa ra sự lựa chọn, tránh tâm lý chạy theo đám đông.

“Hãy coi việc lựa chọn ngành, trường là một dự án đầu tư quan trọng của cuộc đời mình. Học cao đẳng hay đại học không quan trọng mà quan trọng hơn là chọn ngành nào để có thể phát huy năng lực tốt nhất. Khi đã xác định trường mình dự kiến học tập, các em nên dành thời gian đến tận trường tham quan cơ sở đào tạo, hỏi chính sinh viên đang theo học tại đấy để thẩm định lại một lần nữa trước khi quyết định chọn lựa” - TS. Đồng Văn Ngọc cho biết.

Ngoài ra, theo TS. Đồng Văn Ngọc, tài chính là vấn đề không thể bỏ qua khi chọn trường, chọn ngành. Nhiều trường năm đầu công bố mức học phí hợp lý nhưng từ năm thứ hai trở đi, mức học phí có thể sẽ tăng và tăng phi mã. Đây là điều thí sinh cần hết sức lưu ý.

(theo Kinh tế & Đô thị)