TIN LIÊN QUAN | |
Phu nhân các Trưởng đoàn Lãnh đạo Cấp cao tham quan Làng lụa 400 tuổi | |
Sắp diễn ra Festival Văn hóa tơ lụa Việt Nam - châu Á |
Có lẽ vì thế, khi tuần Văn hóa - Du lịch - Thương mại được tổ chức, người dân nơi đây cảm thấy tự hào hơn bao giờ hết. Một phần vì thương hiệu làng nghề được quảng bá sâu rộng đến du khách thập phương. Hơn thế, đây cũng là cơ hội mở ra một “sân chơi” mới cho du khách khi đến tham quan làng nghề truyền thống.
Làng lụa “khoác lên mình màu áo mới”
Với chủ đề "Vạn Phúc – sắc lụa nghìn năm", tuần Văn hóa - Du lịch - Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2018 là cơ hội quảng bá, tôn vinh những nét đẹp văn hóa, những sản phẩm thủ công truyền thống của người dân làng lụa Vạn Phúc. Trong 10 ngày, làng lụa Vạn Phúc “chiêu đãi” du khách với nhiều hoạt động hấp dẫn như rước lễ, múa rối nước, hát quan họ, hát chầu văn, tổ chức trò chơi dân gian như thi tiếp sức, quay tơ, dệt lụa. Đặc biệt, bốn tuyến phố chính thu hút du khách tham quan, mua sắm gồm: Phố lụa, phố ẩm thực, phố hoa - sinh vật cảnh và đồ cổ - đồ xưa, phố thương mại.
Bà Lê Thị Kim Thư bên chiếc máy dệt truyền thống. (Ảnh: Linh Nguyễn) |
Những ngày diễn ra Tuần Văn hóa, làng lụa như được khoác lên mình một màu áo mới. Du khách đến đây không chỉ được chiêm ngưỡng khung cảnh một làng nghề yên bình mà còn được tận mắt quan sát quy trình dệt lụa của làng Vạn Phúc.
Đặc biệt, người dân nơi đây cũng tự ý thức được rằng, điều làm nên sự bền vững của làng nghề chính là những yếu tố truyền thống cũng như gìn giữ tinh hoa, bản sắc của làng nghề qua những tấm lụa.
Với Thomas đến từ Đức, anh thấy mình vô cùng may mắn khi ghé thăm làng lụa Vạn Phúc đúng dịp diễn ra tuần Văn hóa - Du lịch - Thương mại. Thomas được tiếp cận với máy dệt lụa, tìm hiểu về sản phẩm lụa, biết thêm về làng nghề hơn 1.000 năm tuổi.
“Điều ấn tượng nhất với tôi là con đường nhiều màu sắc, bức tranh tái hiện khung cảnh làng và những cửa hàng lụa nhiều mặt hàng đa dạng. Nhờ đó, tôi được hòa mình vào niềm hân hoan của người dân làng lụa, không còn cảm giác mình chỉ là một vị khách dạo chơi trong ngày hội làng nghề”, anh Thomas chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cảm thấy xúc động trước cảnh vật gần gũi của làng quê Việt Nam được hiện hữu tại đây. Có những thời điểm nghề dệt lụa bị mai một, có bước thăng trầm nhưng với bà Hương, lụa Vạn Phúc vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu và tin tưởng nhất.
“Đến tuần lễ, tôi biết thêm được nhiều sản phẩm đặc sắc của làng nghề. Tôi mong muốn làng lụa Vạn Phúc sẽ có thêm nhiều lễ hội tương tự để nơi đây trở thành một điểm đến lý tưởng cho du khách cũng như tạo cơ hội để làng lụa khẳng định mình trên thị trường”, bà Hương nói.
Du khách đổ về Vạn Phúc trong những ngày Lễ hội. (Ảnh: Dani Vu) |
Khẳng định bản sắc riêng
Bà Lê Thị Kim Thư, Chủ tịch HĐQT công ty lụa Vạn Phúc cho biết, để chuẩn bị cho tuần lễ này, người dân Vạn Phúc rất hào hứng song cũng có chút băn khoăn. Câu hỏi đặt ra, những ngày Văn hóa - Du lịch - Thương mại của làng nghề truyền thống sẽ diễn ra như thế nào, có nhận được sự hưởng ứng của du khách hay không?
“Rất may, câu trả lời được giải đáp ngay trong ngày đầu khai mạc. Bản thân tôi cũng như tất cả người dân Vạn Phúc đều ngỡ ngàng bởi lượng khách đến đây đông ngoài dự kiến. Có thể thấy, 10 ngày diễn ra tuần lễ, làng lụa Vạn Phúc lúc nào cũng giống giờ mở cửa của sân vận động bóng đá”, bà Thư tâm sự.
Cũng theo bà Lê Thị Kim Thư, đây là cơ hội lớn để quảng bá sản phẩm đến du khách. Các mặt hàng phong phú, mẫu mã đa dạng từ khăn, áo, quần, áo dài, ví cũng như rất nhiều sản phẩm trang trí được làm từ lụa đều được trưng bày. Khách hàng đến tham quan, phần lớn đều tìm được những món quà ưng ý và để lại phản hồi tốt đẹp.
Bà Thư cho rằng, thành công lớn nhất của tuần lễ chính là nhận được sự quan tâm của đông đảo khách hàng từ mọi miền đất nước và du khách quốc tế. Bà hy vọng đây chính là bước khởi sắc, mở ra nhiều cơ hội mới cho làng lụa Vạn Phúc trong tương lai.
Theo người dân làng Vạn Phúc, tuần lễ này như một chất xúc tác để hướng tới những tuần lễ tiếp theo. Đây thực sự là cơ hội nâng cao vị thế, hình ảnh con người, miền đất Hà Đông đến du khách thập phương cũng như khơi dậy niềm tự hào của người dân làng quê có nghề dệt lụa. Dù bước đường chinh phục thị trường vẫn còn dài nhưng việc tận dụng, phát huy những lợi thế, làng lụa Vạn Phúc sẽ ngày càng khẳng định thương hiệu cũng như bản sắc riêng với tuổi đời trên 1.000 năm của mình.
Di sản gốm Bàu Trúc ra thế giới Làng gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước từ xưa đến nay vốn nổi tiếng như một biểu tượng của du ... |
Ngôi làng "chàng may áo, nàng cày cấy" Những chiếc áo dài mềm mại, thướt tha tôn lên vẻ đẹp người phụ nữ Việt lại được làm bởi những người đàn ông làng ... |
Festival Nghề truyền thống Huế 2017: Tôn vinh các làng nghề truyền thống Với chủ đề “Tinh hoa Nghề Việt”, Festival Nghề truyền thống Huế 2017 sẽ diễn ra từ 28/4 – 2/5 tại TP. Huế, quy tụ ... |