Cuộc giao lưu Việt-Pháp
Giao lưu văn hóa Việt-Pháp diễn ra đầu thế kỉ 20. Với sự du nhập của sân khấu Pháp, người Việt đã tiến hành ngay trong lòng xã hội thuộc địa, với thân phận bị nô dịch, cuộc Việt hóa “kịch Tây” thật hào hứng, với đầy tự ái dân tộc và có ý thức điều hành nó như một quá trình văn hóa.
Tri ân người đầu tiên mơ tưởng việc mang kịch Tây từ Pháp về Việt Nam là người thanh niên đầu xanh tuổi trẻ Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936). Năm 1906, lần đầu đến hải cảng Marseille (Pháp), dự Hội Chợ Đấu xảo, ông được tận mắt xem vở Le Cid đêm 26/6/1906. Khi về nước, việc đầu tiên ông đặt nền móng cho kịch nghệ Việt hiện đại là đích thân dịch chùm kịch kinh điển của Moliere ra tiếng Việt: Trưởng giả học làm sang, Kẻ biển lận, Kẻ giả đạo đức, đăng trên Đông Dương tạp chí do ông chủ bút. Khởi đầu viết kịch bản bằng chữ quốc ngữ và người viết kịch bằng chữ quốc ngữ đầu tiên chính là Vũ Đình Long, với Chén thuốc độc, kịch 3 hồi, đăng trên tạp chí Hữu Thanh, số 4,5, công diễn lần đầu tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đêm 22/10/1921.
Lần đầu, một kịch bản viết theo lối tả thực của sân khấu Tây, do chính người Việt viết bằng tiếng Việt, về vấn đề xã hội Việt đương thời, được người Việt dàn dựng, biểu diễn cho công chúng thưởng thức. Như thế, người Việt đã biết tích hợp văn hóa cho cuộc hiện đại hóa sân khấu của chính mình, ngay trong thời điểm khó khăn phức tạp nhất về giao lưu văn hóa, để chuẩn bị cho mai hậu, khi giành được độc lập, hội đủ tiền đề văn hóa cho quá trình chuyên nghiệp hóa sân khấu.
Chủ động giao lưu với Đông Âu và toàn cầu
Kể từ năm 1954, khi sân khấu Việt bắt đầu lần tiếp xúc thứ hai, bằng chủ động giao lưu văn hóa với quốc tế, nhất là với sân khấu Đông Âu, trên tư thế độc lập của một quốc gia và tâm thế tự chủ của một dân tộc, thì những người sân khấu Việt đã biết đặt chiến lược đúng đắn, sáng suốt cho sự phát triển hiện đại. Đó là học tập, tiếp thu tinh hoa sân khấu thế giới, trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc sân khấu Việt truyền thống. Do đó, đã xuất hiện hai cử chỉ mang tính chiến lược, được nhà nước cộng hòa non trẻ Việt Nam thực hiện ngay sau cuộc kháng chiến chống Pháp thành công.
Một mặt, Việt Nam cử người đi học nghề đạo diễn ở nước ngoài với mục tiêu chiến lược là xây dựng một nền sân khấu chuyên nghiệp. Kể từ 1960 trở đi, nghề đạo diễn sân khấu ở Việt Nam, đã được đào tạo bài bản chính quy, trong các học đường sân khấu tốt nhất của các nước XHCN: Trung Quốc, Liên xô, CHDC Đức, Bulgaria, Romania… Trở về nước, những người này đã thành những nhà sư phạm sân khấu đầu tiên về nghề đạo diễn và những nhà đạo diễn thực hành đầu tiên, trở thành thế hệ vàng về nghề đạo diễn, đều thành NSND ở Việt Nam: Trần Hoạt, Ngô Y Linh, Nguyễn Đình Nghi, Đình Quang, Ngọc Phương, Dương Ngọc Đức… Chính họ đã đưa việc đào tạo diễn viên kịch ở Việt Nam thành công cuộc chính quy, có nề nếp ngay từ khóa đầu của trường Sân khấu Việt Nam (sau này thành trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh ở Hà Nội và TP. HCM).
Mặt khác, Việt Nam đã mời đạo diễn giỏi nghề của Liên Xô, từ 1958, thực hành dàn dựng vở diễn cho các đoàn kịch chủ chốt thời bấy giờ. Hàng trăm diễn viên từ các đoàn: Kịch Trung ương, Kịch Nam Bộ, Kịch Điện ảnh, Kịch Quân đội… đã được huy động vào cuộc dàn dựng và trình diễn vở kịch hoành tráng Liu ba của nhà viết kịch Nga Xô-viết Trênhinov, dưới bàn tay chỉ đạo của đạo diễn Liên Xô Vaxiliev. Sau đó, Monakhov, một đạo diễn Liên Xô khác được cử sang Việt Nam dựng vở Câu chuyện Ierkut. Hai vở này đã một thời lừng danh kịch Nga Xô-viết ở Việt Nam và còn nguyên ấn tượng tươi xanh cho công chúng thế hệ đầu tiên được thưởng thức kịch Nga Xô-viết cho đến bây giờ.
Ba thế hệ đạo diễn do nước Nga Xô-viết đào tạo
Không phải duy nhất nước Nga Xô-viết đã đào tạo nghề đạo diễn sân khấu cho Việt Nam, nhưng chính là nơi đây đã đào tạo cho Việt Nam một lực lượng đạo diễn đông đảo hơn cả. Sân khấu Việt hiện đại muốn phát triển theo xu hướng hiện đại hóa của sân khấu toàn cầu thế kỉ XX, buộc phải có nhân vật tổng chỉ huy mới mẻ và đích đáng: đó chính là đạo diễn. Từ đây, phải công nhận: sân khấu Nga Xô-viết đã có ý thức giúp sân khấu Việt Nam hoàn tất một quá trình văn hóa, trong công cuộc hiện đại hóa sân khấu, trước tiên ở nghề đạo diễn.
Thế hệ thứ ba là thế hệ du học ở nước Nga Xô-viết thời kì khó khăn, phức tạp, từ thập niên 80 của thế kỉ 20: Công Ninh, Lê Mạnh Hùng, Đào Mạnh Hùng, Khánh Vinh, Đức Hải… Họ là thế hệ đạo diễn cuối cùng được học và tốt nghiệp đạo diễn ở Liên Xô, trước khi Liên Xô tan rã… Thế hệ này có lẽ kết thúc một kiểu đào tạo theo cơ chế hữu nghị giữa hai nhà nước, nên những sinh viên thế hệ cuối này vẫn được nhận học bổng toàn phần.
Như vậy, cả ba thế hệ đạo diễn trên đều có gốc gác nghề nghiệp liên quan mật thiết đến nền sân khấu Nga Xô-viết. Theo góc nhìn văn hóa, họ đều là kết quả của phương pháp đào tạo đạo diễn từ sân khấu Nga Xô-viết, và họ mãi biết ơn những người thầy sân khấu Nga Xô-viết, đã đào luyện họ thành nghề. Vì thế, họ đã hành nghề, đang hành nghề và sẽ hành nghề đạo diễn đầy hiệu quả ở Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái