Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) cùng Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại cuộc họp ngày 15/9. Một trong những nội dung thảo luận của ba nhà lãnh đạo là phát triển tàu ngầm hạt nhân. (Nguồn: AP) |
Hiện nay, chỉ có 6 quốc gia trên thế giới là Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ và Nga đang vận hành tàu ngầmhạt nhân. Theo phân tích của giới quan sát, nhiều khả năng Australia sẽ trở thành nước thứ 7 sở hữu loại vũ khí chạy bằng năng lượng hạt nhân này.
Trong tuyên bố đưa ra vào ngày 15/9, Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Boris Johnson và Thủ tướng Scott Morrison đã công bố "khai sinh" liên minh Mỹ-Anh-Australia, có tên là AUKUS.
Phát biểu về quyết định trên, Thủ tướng Australia Scott Morrison nêu rõ: "Thế giới của chúng ta đang trở nên phức tạp hơn, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Để đối mặt với các thách thức và giúp đưa an ninh và ổn định tới những khu vực cần thiết, chúng ta cần phải nâng quan hệ đối tác lên một tầm cao mới".
“Quan hệ đối tác an ninh ba bên nâng cao"
Sáng kiến đầu tiên của AUKUS là hợp tác phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong tương lai cho Hải quân Hoàng gia Australia.
Hiệp ước này sẽ được ký kết chính thức tại Washington vào tuần tới, qua đó phản ánh mối quan ngại chung của ba nước về sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc, cũng như mong muốn của Mỹ trong việc tăng cường khả năng quân sự của các đối tác châu Á.
AUKUS dựa trên ý tưởng của Australia, bao gồm hợp tác ngoại giao, an ninh và quốc phòng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bên cạnh đó là hợp tác về phát triển năng lực không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, cảm biến dưới nước và máy bay không người lái.
Tuy nhiên, yếu tố gây chú ý nhất chính là thỏa thuận về tàu ngầm, vốn được cho là hoạt động hợp tác quốc tế quan trọng nhất thế giới về phát triển năng lực quốc phòng trong nhiều thập kỷ qua.
Australia trước đây đã ký hợp đồng trị giá 90 tỷ USD với công ty Naval Group của Pháp để đóng 12 tàu ngầm diesel-điện tiên tiến, nhưng Canberra không hài lòng khi công ty này không đầu tư đầy đủ cho các nhà cung cấp địa phương. Bây giờ, Australia đang hủy bỏ thỏa thuận trên.
Thay vào đó, xứ sở chuột túi sẽ mua tàu ngầm hạt nhân của các đối tác đến từ Mỹ và Anh, từng sản xuất và vận hành tàu ngầm các loại trong nhiều thập niên.
“Chúng tôi sẽ tận dụng chuyên môn từ Mỹ và Vương quốc Anh, tận dụng các chương trình tàu ngầm của hai quốc gia này, để đưa tàu ngầm của Australia vào hoạt động sớm nhất có thể”, tuyên bố chung hứa hẹn.
Truyền thông Australia đưa tin, Mỹ có thể sẽ vận hành các tàu ngầm tấn công ngoài khơi từ cảng HMAS Sterling, một căn cứ hải quân của Australia ở Perth, trong thời gian chờ đợi.
Việc mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ hỗ trợ đáng kể cho hải quân Australia, bởi loại vũ khí này có quy mô lớn hơn, đắt hơn, nhưng nhanh hơn và có thể ở dưới nước lâu hơn nhiều so với các loại tàu ngầm diesel-điện như các tàu ngầm lớp Collins hiện nay của nước này.
Ngoài ra, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể đi biển lâu hơn mà không cần tiếp tế. Đây được coi là một yếu tố quan trọng khi tàu vận hành tại khu vực Thái Bình Dương rộng lớn.
Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA) thuộc Viện nghiên cứu chính sách của Mỹ tính toán rằng, tàu ngầm diesel-điện đi từ Perth có thể hoạt động trong vòng 11 ngày ở Biển Đông, trong khi tàu ngầm hạt nhân có thể hoạt động trong hơn 2 tháng.
Theo chuyên gia Malcolm Davis thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), các tàu mới được đề xuất sẽ cung cấp “sức mạnh tấn công thực sự”.
Lực lượng hải quân Australia. (Nguồn: Getty Images) |
Năng lượng hạt nhân có ý nghĩa chiến lược
Mối quan hệ của Australia với Trung Quốc ngày càng trở nên "băng giá". Năm ngoái, Bắc Kinh đã áp đặt lệnh cấm đối với một số mặt hàng của Canberra để đáp trả việc nước này kêu gọi điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.
Mối quan hệ hợp tác mới cũng diễn ra vào thời điểm thích hợp đối với ông Biden. Việc nhà lãnh đạo Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và sự sụp đổ sau đó của chính phủ nước này đã khiến nhiều đồng minh lo ngại.
Trên lý thuyết, việc rút quân đó là một phần trong quá trình tái định hướng các nguồn lực ngoại giao và quân sự của Mỹ sang châu Á.
Nhà nghiên cứu Ashley Townshend đến từ Trung tâm Nghiên cứu Mỹ (USSC) tại Đại học Sydney nói rằng, việc ông Biden sẵn sàng chia sẻ công nghệ quốc phòng tiên tiến – “điều mà Mỹ hiếm khi sẵn lòng làm” – là động thái đáng hoan nghênh.
Chuyên gia trên nêu rõ: “Bước đi này mở ra một cách tiếp cận mang tính chiến lược hơn đối với phòng thủ tập thể”.
Năng lượng hạt nhân cũng có ý nghĩa chiến lược rộng hơn với các quốc gia trên thế giới. Mặc dù hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân cấm các thành viên là nước chưa có vũ khí hạt nhân chế tạo bom, nhưng hiệp định có một lỗ hổng là cho phép đưa vật liệu hạt nhân ra khỏi sự giám sát quốc tế chính thức, nếu vật liệu này được sử dụng cho tàu ngầm.
Tuy nhiên, uranium được làm giàu trong tàu ngầm cũng giống như uranium được sử dụng trong bom hạt nhân. Đáng nói là, nhiên liệu được sử dụng trong cả tàu ngầm của Anh và Mỹ đều được làm giàu đến mức đặc biệt cao.
Mặc dù Australia ít có khả năng muốn có bom hạt nhân bởi nước này đã từ bỏ việc theo đuổi vũ khí hạt nhân vào năm 1973, nhưng các quốc gia muốn khám phá về hạt nhân khác có thể coi tàu ngầm là một con đường thuận tiện để có nhiên liệu chế tạo bom.
Brazil đang tìm cách phát triển tàu ngầm hạt nhân và hy vọng sẽ đưa vào sử dụng vào những năm 2030, trong khi Iran đã từng thử nghiệm ý tưởng này trong quá khứ.
Còn Hàn Quốc trong tuần này đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm thông thường, và cũng sẽ được quốc tế theo dõi chặt chẽ.