📞

Sáng kiến thắp lửa IGNITE: Giải phóng sức mạnh của nữ doanh nhân Việt Nam

Diệu Linh 16:13 | 29/10/2020
TGVN. Dự án Sáng kiến Thắp lửa (IGNITE) dự kiến sẽ hỗ trợ hơn 50.000 nữ doanh nhân, chủ của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở Việt Nam kinh doanh bền vững.
Các đại biểu, nữ doanh nhân Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm và quá trình hoạt động tại buổi họp báo công bố Sáng kiến thắp lửa tại Việt Nam (IGNITE). (Ảnh: Diệu Linh)

Ngày 29/10, dự án Sáng kiến Thắp lửa (IGNITE) tại Việt Nam chính thức được công bố tại Hà Nội. Dự án này tập trung hỗ trợ các nữ doanh nhân làm chủ doanh nghiệp có từ 2-10 nhân công, có mong muốn mở rộng kinh doanh nhưng thiếu công cụ tài chính chính thống và khó khăn trong tiếp cận nguồn kiến thức và kỹ năng, mang đến môi trường với những cơ hội lớn hơn cho doanh nhân nữ để từ đó thúc đẩy quyền năng kinh tế của họ.

Theo Chỉ số nữ doanh nhân của Mastercard mới đây, tại Việt Nam, phụ nữ làm chủ khoảng 27% tổng số doanh nghiệp chính thức trên thị trường, chiếm một tỉ trọng đáng kể trong tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam.

Sáng kiến Thắp lửa do Trung tâm Phát triển toàn diện Mastercard (Mastercard Center for Inclusive Growth) tài trợ và được triển khai bởi CARE Quốc tế tại Việt Nam cùng các đối tác bao gồm Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Sáng kiến Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE) và Công ty TNHH Công nghệ Canal Circle Việt Nam.

Dù có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, các nữ chủ doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong tiếp cận vốn cũng như các rào cản xã hội khiến họ chưa thể phát huy tiềm năng trong kinh doanh.

Việt Nam là một trong các quốc gia đạt điểm số tương đối cao ở một số chỉ số như chỉ số bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, tiếp cận tài sản và kiến thức tài chính.

Tuy nhiên, tỉ lệ “sợ thất bại” trong cộng đồng nữ doanh nhân Việt khá cao, cho thấy tình trạng dễ bị tổn thương tiềm ẩn có khả năng cản trở tiến bộ và có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn do tác động của đại dịch Covid-19.

Dù ghi nhận tinh thần kinh doanh của phụ nữ Việt Nam, báo cáo của Công ty tài chính quốc tế (IFC) cũng chỉ ra khoảng cách trong nhu cầu về vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ với mức độ đáp ứng của ngân hàng là khá lớn, khoảng 27.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).

Mặc dù tỷ lệ làm chủ doanh nghiệp cao, nhưng các nữ doanh nhân gặp không ít rào cản về định kiến xã hội, định kiến giới và nghi ngại về khả năng chèo lái doanh nghiệp thành công. Có quan điểm cho rằng, phụ nữ không thể chu toàn giữa công việc gia đình và kinh doanh, phụ nữ thường né tránh rủi ro 1 cách tiêu cực, khả năng trả nợ vay của phụ nữ kém, hay họ không có đủ kiến thức và kỹ năng kinh doanh.

Thêm vào đó, dịch Covid-19 xảy ra càng khiến các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do nữ làm chủ dễ bị tổn thương trên phương diện tài chính, các doanh nghiệp có nữ làm chủ chịu ảnh hưởng tiêu cực và không đồng đều bởi đại dịch.

Có 18/21 nữ chủ doanh nghiệp được phỏng vấn cho biết, doanh thu hoạt động của đơn vị bị sụt giảm, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại và vận tải. Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã chuyển đổi mô hình kinh doanh, thích nghi và tận dụng cơ hội mà Covid-19 đem lại từ thay đổi trong hành vi của khách hàng.

“Với kinh nghiệm triển khai hỗ trợ phụ nữ trên toàn cầu, CARE hiểu rõ việc hỗ trợ phụ nữ làm kinh doanh là con đường trọng yếu giúp nâng quyền kinh tế cho đối tượng này. Chúng tôi trân trọng mối quan hệ hợp tác hiện có, mong muốn nuôi dưỡng tham vọng phát triển của các doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ thông qua các các công cụ và nguồn cung tài chính đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ. Điều này sẽ giúp xây dựng khả năng tự đứng vững của doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy phục hồi kinh tế một cách toàn diện và công bằng hơn”, bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia, CARE Quốc tế tại Việt Nam nhận định.

Theo Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Lào và Campuchia Winnie Wong, "Sáng kiến này là một phần trong nỗ lực toàn cầu của tổ chức về cam kết bao gồm tài chính, trong đó có việc cung cấp cho 25 triệu doanh nhân nữ các giải pháp giúp họ phát triển doanh nghiệp của mình”.

“Phụ nữ đóng vai trò cốt yếu trong sự thành công và tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của phụ nữ là điều cần thiết để giảm đói nghèo và cũng mở ra tiềm năng kinh tế thực sự của đất nước", bà Wong chia sẻ thêm.

IGNITE Việt Nam nằm trong dự án hợp tác kéo dài 3 năm giữa CARE và Mastercard, với mục tiêu hỗ trợ 3,9 triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Peru, Pakistan và Việt Nam.

Hợp tác nằm trong khuôn khổ cam kết chung giữa các bên về tài chính toàn diện và nâng quyền kinh tế phụ nữ. Trước đó, hai bên đã hợp tác cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật cho 1.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ phục hồi sau đại dịch, hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững trong dài hạn.

CARE Quốc tế tại Việt Nam (www.care.org.vn) là một tổ chức sáng tạo, năng động và đã hợp tác với các đối tác quốc tế và Việt Nam từ năm 1989 thực hiện hơn 300 dự án.

Mục tiêu chương trình dài hạn của tổ chức này tại Việt Nam là hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa và nhóm dân số dễ bị tổn thương về mặt xã hội ở khu vực đô thị được hưởng lợi ích bình đẳng từ tiến trình phát triển của đất nước, có khả năng thích ứng với hoàn cảnh biến động và có tiếng nói chính đáng.