"Sao" Việt "bay show" nước ngoài
Hiện nay, việc các “sao” ra nước ngoài biểu diễn không còn là chuyện lạ. Diễn viên Quang Hải, Đỗ Hải Yến, Như Quỳnh… đóng phim nước ngoài; mới đây là siêu mẫu Vũ Thu Phương, diễn viên Lý Nhã Kỳ tham gia dự án phim Hollywood; Hồ Quỳnh Hương tham gia Đại nhạc hội Olympic 2008; còn các ca sĩ như Hồng Nhung, Mỹ Tâm, Đan Trường… thì “bay show” nước ngoài như cơm bữa với thu nhập khá cao.
Tiền cát-sê của ca sĩ Mỹ Tâm lên tới 100 triệu đồng VN/ đêm. Ngoài thu nhập từ biểu diễn, một số “sao” khi xuất ngoại tranh thủ bán đĩa nhạc của mình. Theo người quản lý của ca sĩ QD, mỗi chuyến “bay show” QD bán được vài trăm đĩa nhạc (có kèm chữ ký) tại địa điểm hát với giá hơn chục USD/đĩa. Một bầu sô cho biết nếu bán được vài trăm đĩa như vậy thì có thể đã thu hồi được vốn bỏ ra làm CD.
Các ca sĩ “bay show” nước ngoài theo nhiều phương thức khác nhau: có người đi theo lời mời chính thức của các tổ chức, có người đi với danh nghĩa du lịch, thăm người thân..., sau đó tham gia các show diễn của các bầu sô người Việt ở hải ngoại. Đi nước ngoài để hát phục vụ kiều bào được xem là hình thức phổ biến nhất của các ca sĩ.
Đan Trương, Thanh Thảo, Hồng Ngọc thì “bay show” nước ngoài như cơm bữa với thu nhập khá cao |
Một số ít ca sĩ có được ê-kíp làm việc tại nước ngoài như Lam Trường, Kasim Hoàng Vũ, Thanh Thảo với Thái Lan, Ưng Hoàng Phúc với Hồng Kông, Mỹ Tâm với Hàn Quốc... Đối tác thực hiện các video clip của những ca sĩ này có tên tuổi thật sự như Kantana, GOM, TVB... nên các sản phẩm ra đời cũng mang được “màu sắc nước ngoài”, dù chưa xứng tầm quốc tế.
Đàm Vĩnh Hưng được liệt vào một trong những ca sĩ “bay show” nước ngoài nhiều nhất; liên tiếp sang Mỹ, Canada, châu Âu, Australia. Chỉ riêng biểu diễn tại Mỹ, Đàm Vĩnh Hưng đã đi 8 lần trong một năm, chuyến dài ngày nhất là 45 ngày. Về kỷ lục bay show ngoại còn có Mỹ Tâm, Hồng Ngọc, Lam Trường, Quang Dũng, Đoan Trang.
Siêu mẫu Vũ Thu Phương, diễn viên Lý Nhã Kỳ vừa mới tham gia dự án phim Hollywood |
Vũ Thu Phương và Lý Nhã Kỳ trên phim trường Shanghai | Lỹ Nhã Kỳ và Vũ Thu Phương cùng đoàn làm phim Shanghai |
Ca sĩ Thanh Thảo chiếm kỷ lục về những chuyến đi ra nước ngoài quay video clip. Thanh Thảo đã bay qua các nước Thái Lan, Malaysia, Pháp, Anh quốc, Trung Quốc và Đức. Những video clip với hình ảnh đẹp lạ này là để Thanh Thảo đưa vào DVD “Vòng quanh thế giới”. Đây là vòng bay quay video clip nước ngoài dài nhất trong các ca sĩ từ trước tới nay.
Du học để "đánh bóng tên tuổi"?
Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều ca sĩ còn táo bạo hơn khi quyết định ra nước ngoài tìm một ngôi trường danh tiếng để học... thanh nhạc như một cách để nâng cấp chuyên môn và nâng cao thêm thương hiệu của mình. Cả việc vũ đạo cũng có ca sĩ “khăn gói” sang tận... châu Âu để học.
Khởi đầu là ca sĩ Lam Trường đi học ở Mỹ vào năm 2003, rồi Thu Minh, Đoan Trang tham dự khóa học cũng tại Đại học âm nhạc Berklee (Mỹ). Đây cũng là trường mà nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc, Trần Mạnh Tuấn, Đức Trí từng theo học. Ca sĩ Mỹ Tâm cũng từng có thời gian dài ngừng hát ở Việt Nam, sang Hàn Quốc học thêm về kỹ thuật trình diễn, đặc biệt là vũ đạo.
Sau khi du học, ca sĩ ít nhiều tạo lối lên sân khấu mới mẻ hơn. Thu Minh biết tận dụng tối đa lợi thế về ngoại hình và sự gợi cảm của giọng hát, làm hấp dẫn mình trên sân khấu |
Quả thực, sau khi du học, ca sĩ ít nhiều tạo lối lên sân khấu mới mẻ hơn. Thu Minh biết tận dụng tối đa lợi thế về ngoại hình và sự gợi cảm của giọng hát, làm hấp dẫn mình trên sân khấu. Mỹ Tâm khẳng định đẳng cấp ở thể loại nhạc dance, có kỹ năng biểu diễn và vũ đạo hiện đại. Có học có hơn, việc các nghệ sĩ quyết định dành thời gian để nâng cao nghề nghiệp tại những nước có nền âm nhạc phát triển là một động thái tốt và đáng khích lệ.
Chuyện đi học ở nước ngoài của các nhạc sĩ, ca sĩ càng thu hút sự chú ý của công chúng khi họ có những thay đổi sau chuyến đi. Đã có không ít lời xầm xì rằng các ca sĩ đi học để “đánh bóng tên tuổi”, tạo sự kiện trên mặt báo, tranh thủ chạy show nơi xứ người... Đến nay, LT vẫn là ca sĩ bị xầm xì nhiều nhất sau chuyến đi học ở Mỹ vì sự thay đổi rõ rệt với cách hát “mới” khó nghe hơn. Thực ra, có nhiều ca sĩ chẳng đi học ở đâu cả cũng thay đổi phong cách. Họ đi du học trước hết là học cho chính họ, vì có đi học ở nước ngoài mới biết người ta đang làm gì, thấy mình đang đứng ở đâu, nhìn lại mình để đi tiếp vững vàng hơn.
Nhạc sĩ Đức Trí đã gặt hái được nhiều, nhất là sự thay đổi về tư duy hòa âm phối khí, cho dù trước khi đi du học ở Mỹ anh đã có bằng lý luận âm nhạc tại Việt Nam |
Nhạc sĩ Đức Trí đã gặt hái được nhiều, nhất là sự thay đổi về tư duy hòa âm phối khí, cho dù trước khi đi du học ở Mỹ anh đã có bằng lý luận âm nhạc tại Việt Nam. Kiến thức thu thập được tại Berklee đã khiến anh quả quyết rằng, không chỉ ca sĩ, mà các nhà sản xuất, ông bầu ca sĩ cũng cần đi học để nâng cao chuyên môn, hiểu biết về công nghệ kinh doanh âm nhạc.
Hiện tại, khóa học Summer Performance Program tại Berklee đang “nằm trong tầm ngắm” của các ca sĩ Việt Nam. Vì trường này đã được thành lập từ năm 1945, trong số những nghệ sĩ đã thành danh từ đây có những tên tuổi lớn như: Phil Collins, Billy Joel, Paul Simon, B.B.King... Những thay đổi của họ có được khán giả đón nhận, ủng hộ hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thời điểm, bản lĩnh, sự điều tiết, nhanh nhạy của mỗi người, chứ không phải chuyện du học hay đã học được gì ở xứ người!
Ngọt và đắng
Thử thách lớn nhất với ca - nhạc sĩ Việt Nam khi đi du học là vấn đề tài chính. Đức Trí không hề giấu diếm chuyện đến nay vẫn còn mắc nợ người thân một phần chi phí mượn để đi học ở Mỹ (tổng cộng hơn 90.000 USD). Đoan Trang, Thu Minh phải tốn khoảng 10.000 USD cho 5 tuần “tầm sư học đạo”. Đức Trí có thời gian phải đi học bằng xe lửa. Đoan Trang ở nhờ nhà bạn, đến trường bằng tàu điện ngầm (mất nửa tiếng), đeo ba lô lỉnh kỉnh sổ sách, băng đĩa, máy tính xách tay, Ipod... Lịch học, thực hành thường kín mít từ sáng tới chiều, “còn dày hơn lịch chạy show tại Việt Nam”. Thu Minh ngày đầu tiên đến trường còn đi lạc, nhưng sau đó đã “rành rẽ đường đi nước bước”.
Đoan Trang, Thu Minh phải tốn khoảng 10.000 USD cho 5 tuần “tầm sư học đạo” |
Đối với diễn viên Việt Nam tham gia đóng phim với nước ngoài cũng không kém… “trần ai”. Khán giả Việt Nam có thể biết cát-sê của “người đàn bà đẹp” Julia Roberts là 20 triệu, nhưng cát-sê của Hải Yến, Mai Hoa, Quang Hải (Người Mỹ trầm lặng), Như Quỳnh, Lê Khanh, Mạnh Cường, Chu Hùng (Mùa hè chiều thẳng đứng), Ngọc Hiệp (Vùng trời mơ ước, Ba mùa, Vũ khúc con cò)... là bao nhiêu thì tất cả chỉ là đồn thổi. Trong “Mùa hè chiều thẳng đứng”, Như Quỳnh, Lê Khanh diễn không thua kém Trần Nữ Yên Khê, nhưng cát-sê thì chênh lệch một trời một vực. Yên Khê được nhận 500.000USD, trong khi 2 diễn viên chính còn lại chỉ nhận vài nghìn USD...
Hiếm có diễn viên nào tự tin như Quang Hải khi tham gia phim “Miền Nam xa xưa” (Pháp). Anh được đề nghị chỉ có 80 USD/ngày, nhưng đã dám “đòi” 600USD/ngày (năm 1994) và cuối cùng “thắng” với giá 450USD/ngày, được xem là mức cao nhất lúc bấy giờ dành cho một diễn viên Việt Nam.
Diễn viên Hải Yến trong phim Người Mỹ trầm lặng |
“Người Mỹ trầm lặng” được bấm máy khá ồn ào tại Việt Nam với số lượng diễn viên nội địa tham gia khá lớn, trong đó có một vai chính dành cho Đỗ Hải Yến. Đạo diễn Quang Hải tiết lộ, cát-sê của Hải Yến lên đến con số hàng trăm nghìn USD! Tuy nhiên, thiếu chút nữa thì Hải Yến, Quang Hải đã xách vali về nước, với 5.000USD tiền bồi thường cho hai tháng học tập và thử vai tại Australia. Chẳng là nhà sản xuất đã đưa ra mức cát-sê quá thấp, gần như là một sự ban ơn cho cô. Nếu không có Quang Hải đi cùng, Hải Yến có lẽ đã đặt bút ký vì choáng ngợp trước một ê-kíp làm phim đồ sộ. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đã tham gia 6 bộ phim truyện hợp tác với nước ngoài, từng bị ép giá không ít, Quang Hải đã yêu cầu mức cát-sê cao gấp nhiều lần đề nghị của nhà sản xuất. Cuối cùng, nhờ sự can thiệp của đạo diễn Phillip Noyce, vai Phượng thuộc về Hải Yến với mức cátsê phù hợp.
Vấn đề cát-sê của diễn viên thực ra không đơn thuần chỉ là chuyện tiền. Vì ai cũng biết, giá “bèo” đến mấy, cát-sê do các nhà sản xuất nước ngoài trả cho diễn viên Việt Nam bao giờ cũng cao hơn, thậm chí cao hơn rất nhiều mức thù lao trong nước (cát-sê của phim trong nước: diễn viên chính phim truyện nhựa không quá 10 triệu đồng, phổ biến 3-5 triệu, phim truyền hình chỉ 1 triệu/tập, tính ra theo ngày quay thì khoảng hơn 100.000 đồng/ngày). Hơn nữa, đây còn là cơ hội quý cho các diễn viên được làm việc, trau dồi và tích lũy kinh nghiệm trong một môi trường làm phim hiện đại, chuyên nghiệp hơn ta về mọi mặt, mà không ai muốn bỏ qua. Trong xu thế mở cửa hợp tác và mời gọi các nhà làm phim nước ngoài vào Việt Nam hiện nay, mà một trong những “vốn góp” quan trọng của chúng ta là con người, nếu không biết đánh giá “vốn” của mình, không biết “gia tăng giá trị” của nó thì chúng ta sẽ tiếp tục thua thiệt đủ đường.
Ca sĩ "hát lậu" ở nước ngoài
Việc nghệ sĩ Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn không xin phép các cơ quan quản lý văn hóa trong nước là tồn tại từ nhiều năm nay. Chỉ khi có sự cố xảy ra và thông tin truyền về trong nước như trốn thuế, tham gia những chương trình có nội dung phản động thì các cơ quan chức năng mới “sờ” đến họ. Sự việc mới đây nhất là ca sĩ Bảo Yến và Kim Tiểu Long bị đình chỉ biểu diễn có thời hạn, bị xử phạt hành chính cùng với NSƯT Minh Vương, ca sĩ Minh Phụng, Quang Dũng do sai phạm trong quá trình biểu diễn tại hải ngoại.
“Cấm người Việt Nam ra nước ngoài làm những công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, không phù hợp với thể trạng của người Việt Nam; công việc ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của Việt Nam” - Đó là nội dung Nghị định Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2007, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong những ngành nghề bị cấm có: nghề vũ công, ca sĩ, massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí.
Ca sĩ Bảo Yến và Kim Tiểu Long vừa bị đình chỉ biểu diễn có thời hạn, bị xử phạt hành chính do tham gia biểu diễn cho chương trình Asia 54 và Paris by Night 91 do Trung tâm băng nhạc Asia và Trung tâm băng nhạc Thuý Nga phát hành |
Theo Nghị định 56/2006/NĐ-CP ngày 6-6-2006, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin thì phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi công bố, phổ biến tác phẩm âm nhạc ra nước ngoài mà không có giấy phép; phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với hành vi công bố, phổ biến ra nước ngoài tác phẩm âm nhạc thuộc loại cấm công bố, phổ biến. Mức phạt này được coi là quá nhẹ so với mức cát-sê của họ cho một lần hát ở nước ngoài. Đó là chưa nói đến việc ca sĩ thường chạy nhiều sô trong một chuyến lưu diễn.
Đối với ca sĩ hay diễn viên, khi nhận lời tham gia dự án đóng phim hoặc hát cho chương trình nào và hát ở đâu, họ đều phải thể hiện ý thức trách nhiệm của một công dân, một nghệ sĩ. Xu hướng “chuộng ngoại” không phải là không tốt, nhưng làm thế nào để “hòa nhập” mà không “hòa tan” vẫn luôn là một vấn đề mà chúng ta thường nhắc nhau!
Theo Cẩm Nang Mua Sắm