📞

Sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập là nâng cao năng lực hiệu quả

18:00 | 02/06/2017
Sáng 2/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập cùng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đã làm việc với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Cùng tham dự còn có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành Trung ương.

Buổi làm việc với Bộ LĐTB&XH nhằm để các thành viên Ban Chỉ đạo nắm bắt thực tiễn của các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành, giúp Ban Cán sự Đảng Chính phủ xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập trình Hội nghị Trung ương 6 thảo luận vào tháng 10/2017.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập cùng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo làm việc với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Tất cả các trường nghề phải tự chủ?

Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, cả nước hiện có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó công lập có 1.337 cơ sở, chiếm 67%. Tuy nhiên, các cơ sở được phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng.

Số lượng nhà giáo và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 91.555 người. Trong đó, trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là 71.771 người, chiếm 78%, gồm cơ quan có thẩm quyền giao là 61.005 người, còn lại là hợp đồng lao động.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, từ năm 2017, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp nên bước đầu khắc phục được sự phân chia quản lý Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống văn bản pháp luật đã phân cấp mạnh mẽ cho cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, góp phần thúc đẩy đổi mới cơ chế quản lý, điều hành cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, cần đẩy mạnh phân cấp về tài chính, bộ máy, bởi có phân cấp được mới tính đến tự chủ và thu hút đầu tư của xã hội.

Nhiều ý kiến khác bày tỏ băn khoăn về cơ chế chủ quản đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị-xã hội nhằm phát huy hiệu quả tính tự chủ, năng động của các đơn vị sự nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng quan điểm của các bộ rất khác nhau: “Bộ Công Thương muốn chuyển nhiệm vụ cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Bộ cho địa phương, nhưng Bộ Quốc phòng lại chỉ muốn chuyển một số trường cho địa phương, các trường trọng điểm lại muốn chuyển cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội”.

Quan điểm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, sẽ chuyển nhiệm vụ cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập của các bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội về UBND các địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính theo lãnh thổ trên địa bàn.

Các lĩnh vực sự nghiệp của Bộ LĐTB&XH gồm: Giáo dục nghề nghiệp, dịch vụ việc làm và các cơ sở dịch vụ xã hội như bảo trợ xã hội, cai nghiện ma túy, chăm sóc người có công.

Ông Lương Minh Hiền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (Bộ Xây dựng) cho rằng một số trường nên để lại các bộ quản lý, nếu giao cho địa phương quản lý thì không bảo đảm được tính chuyên sâu. Bộ sẽ quản lý Nhà nước đối với các trường thông qua hội đồng trường, không làm mất đi quyền điều hành của Hiệu trưởng. Cũng theo vị đại diện này, các trường kỹ thuật phải hướng đến tự chủ, để thị trường điều tiết, đào tạo được nhiều thì hoạt động tốt, không tuyển sinh được thì phải teo lại. Đi liền với đó là Nhà nước chuyển từ cơ chế cấp phát ngân sách sang cơ chế Nhà nước đặt hàng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Chưa đồng tình với quan điểm các trường kỹ thuật phải tự chủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề: “Những trường ở khu vực miền núi, hải đảo, các trung tâm nghề có tự chủ được không? Có khấu hao được toàn bộ tài sản vào phí không? Không phải chỗ nào cũng “teo” lại được. Vẫn phải có bàn tay hữu hình của Nhà nước trong những trường hợp này”.

Thêm vào đó, Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng Bộ đang đề nghị hình thành các trường đạo tạo nghề trọng điểm. Vậy Bộ cũng nên tính toán phương án nếu thành lập mới các trường này thì cơ sở phải tự chủ ngay được thì mới thành lập, không thì không thành lập nữa.

Nhìn nhận việc tái cơ cấu lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng không phải nơi nào cũng xã hội hóa, tự chủ được. “Phải chỉ ra trong 1.337 cơ sở giáo dục công lập, bao nhiêu cơ sở tự chủ, tự chủ ở mức độ nào. Giao tự chủ hoàn toàn phải giao tự chủ về biên chế, về quản lý và về chi phí, tài sản”, ông Lợi nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, tự chủ trong trường đại học dễ hơn nhiều tự chủ trong trường nghề. Hiện nay, Bộ có 5 trường đại học và có thể tự chủ được ngay. Còn một số trường nghề hiện cũng bắt đầu xin địa phương cho tự chủ cả về tài chính và tổ chức bộ máy, điều hành quản lý nhưng chính địa phương (cơ quan chủ quản) lại không muốn. Bộ trưởng Dung thẳng thắn chia sẻ, Trường Y Thái Bình mỗi năm được UBND tỉnh cấp 1,5 tỷ đồng là quá ít, coi như là đã tự chủ được nhưng địa phương vẫn không muốn để cho trường tự chủ.

Trước mắt, Bộ LĐTB&XH sẽ cùng Bộ Tài chính thống nhất giữ nguyên mức Nhà nước đầu tư cho các trường nghề đến năm 2020. Từng bước xem xét, rà soát lại, xây dựng lộ trình tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công. Bộ sẽ làm việc trực tiếp với lãnh đạo 63 tỉnh để rà soát cùng thống nhất với các tỉnh về hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Xác định danh mục dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá thực trạng tổ chức hoạt động của các trung tâm dạy nghề thuộc các hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội, nhất là trung tâm dạy nghề cấp huyện bởi đây là khu vực gây nhiều lãng phí, xây ra để đấy, “lãng phí dài tập”, “còn tồn tại còn phải rót kinh phí", nên có nhận định các đơn vị sự nghiệp cơ bản không khác gì thời bao cấp, thậm chí còn phình to ra.

Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ với quy mô như vậy, mức độ đáp ứng cho nhu cầu xã hội, đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa như thế nào, khắc phục tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao ra sao.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ mục tiêu đổi mới cơ chế quản lý, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập là nâng cao năng lực hiệu quả của hệ thống này, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu tiếp cận dịch vụ sự nghiệp công của người dân, doanh nghiệp với chất lượng ngày càng cao, hoạt động ngày càng hiệu quả. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xác định những danh mục, những dịch vụ sự nghiệp công nào phải sử dụng ngân sách nhà nước, trên cơ sở đó quy hoạch sắp xếp mạng lưới với tinh thần giảm mạnh đầu mối, tinh giản tổ chức bên trong.

Từ đánh giá thiếu người làm việc trực tiếp, trong khi cán bộ phục vụ, quản lý thì nhiều, Phó Thủ tướng chỉ rõ việc quy hoạch mạng lưới theo ngành, lĩnh vực hay địa giới hành chính, hay kết hợp cả hai thì Bộ phải có quan điểm thật rõ; đặt lộ trình đến năm 2020 giảm được bao nhiêu đầu mối. Không để ngân sách cấp phát cho các trường không giảm đi mà còn tăng lên.

Về cơ chế tự chủ, Phó Thủ tướng nêu rõ Nhà nước động viên, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trong đó quan trọng nhất là tự chủ về tài chính, từ đó tự định biên được. Khi Nhà nước còn phải cấp ngân sách thì Nhà nước phải định biên. Trách nhiệm của Nhà nước với bộ máy giáo dục nghề nghiệp vẫn rất nặng nề.

Về cơ chế quản lý chủ quản, theo Phó Thủ tướng, khi bộ, ngành chuyển quyền “chủ quản” cho địa phương là để cơ cấu lại chức năng chủ quản chứ không phải xóa bỏ chủ quản. Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu thiết kế cơ chế hiệu quả để tăng cường tính tự chủ ngay tại nội bộ của cơ sở sự nghiệp công, bảo đảm tính minh bạch, năng động của đơn vị.