Mỹ di chuyển toàn bộ ngân viên ngoại giao tại Đại sứ quán nước này ở Ukraine (ảnh) tới Ba Lan. (Nguồn: Today 24 News) |
Mỹ cho biết, nước này đã di chuyển toàn bộ nhân viên ngoại giao tại Ukraine tới Ba Lan do lo ngại an ninh. Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine và ra lệnh cho các binh sĩ tiến vào các khu vực này.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu rõ: “Vì các lý do an ninh, các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ hiện đang ở Lviv sẽ tới Ba Lan trong đêm (21/2)”.
Một tuần trước, Mỹ đã chuyển Đại sứ quán tại Ukraine từ thủ đô Kiev đến thành phố Lviv, nêu lý do là "sự tăng cường đáng kể" trong việc triển khai lực lượng quân sự Nga ở biên giới với Ukraine.
Sáng 22/2, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ra thông báo yêu cầu công dân nước này rời Ukraine ngay lập tức.
Bộ trên cho biết, số lượng các vụ tấn công của phe ly khai thân Nga nhằm vào các lực lượng Ukraine ở khu vực Donbass đang gia tăng nhanh chóng kể từ cuối tuần trước. Không loại trừ khả năng quyết định đơn phương của Nga sẽ khiến xung đột leo thang và khu vực giao tranh sẽ mở rộng.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tính tới cuối tuần trước, vẫn còn khoảng 120 công dân nước này đang ở Ukraine.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Ngoại giao ra thông báo trên Twitter: "Dựa vào tình hình mới nhất tại miền Đông Ukraine, công dân Thổ Nhĩ Kỳ được khuyến cáo mạnh mẽ về việc rời khỏi khu vực này".
Cũng do căng thẳng liên quan cuộc xung đột Ukraine, Thụy Điển ra khuyến cáo công dân không nên tới một số khu vực hành chính của Nga bao gồm Belgorod, Voronezh và Rostov - những vùng có biên giới giáp khu vực miền Đông Ukraine hiện do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát.
Lý do cho việc đưa ra khuyến cáo này là tình hình an ninh nguy hiểm và khó lường, trong đó có việc quân đội Nga tập trung mạnh trong khu vực.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Thụy Điển cũng khuyến cáo công dân ngừng tất cả các chuyến đi không cần thiết đến Belarus và các vùng Brest và Gomel ở nước này cho đến khi có thông báo mới.
Trước đó, từ 12/2, quốc gia Bắc Âu đã khuyến cáo công dân không nên đến Ukraine.
Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cũng thông báo, nước này đã quyết định rút hầu hết nhân viên ngoại giao khỏi Đại sứ quán tại Kiev, Ukraine.
Tại Sri Lanka, Bộ Ngoại giao đã khuyến cáo công dân tránh các chuyến đi không cần thiết tới Ukraine trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực.
Thông báo cho biết, chính phủ đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Ukraine dựa trên những diễn biến thời gian qua và Đại sứ quán Sri Lanka tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) đang duy trì liên lạc với 40 công dân nước này đang sinh sống ở quốc gia Đông Âu để bảo đảm an toàn cho họ.
Về phía Israel, sau khi đánh giá bối cảnh gia tăng căng thẳng cực điểm giữa Nga và Ukraine, Ngoại trưởng Yair Lapid chỉ thị cho Đại sứ quán nước này tại Kiev chuyển bộ phận lãnh sự về thành phố Lviv ở miền Tây quốc gia Đông Âu.
Từ hôm 17/2, Văn phòng lãnh sự tại Lviv đã bắt đầu cấp giấy tờ cho công dân Israel di chuyển khỏi vùng có nguy cơ chiến tranh và sẽ tiếp tục hỗ trợ công dân nước này rời đi qua các cửa khẩu đường bộ của Ukraine.
| Tin thế giới 21/2: Sai lầm của Ukraine; động thái bất thường ở nước Nga; Thượng đỉnh Nga-Mỹ liệu có thành? Dư luận quốc tế xoay quanh căng thẳng Nga-Ukraine, các diễn biến mới tại Kiev và Moscow, Thượng đỉnh Nga-Mỹ liệu có được tổ chức, ... |
| Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc: Khi tranh cãi và trả đũa vào ngõ cụt, các nước sẽ chọn hướng đi nào? Từ thực tế căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, việc một quốc gia cố gắng áp đặt ý chí kinh ... |