📞

Sáu nhóm đối tượng dự kiến được cấp giấy đi đường tại Hà Nội

CHU AN 20:48 | 03/09/2021
Công an TP. Hà Nội vừa thông tin về việc đề xuất 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường và quy trình cấp giấy đi đường trong giai đoạn tới.
Việc siết chặt kiểm tra, kiểm soát giấy đi đường nhằm giảm lượng người ra đường, góp phần bảo đảm giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19. (Nguồn: TTXVN)

Công an TP. Hà Nội được phân chức năng cấp phát, quản lý, kiểm tra, kiểm soát xử lý về cấp giấy đi đường cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố.

Về việc cấp giấy đi đường, Công an TP. Hà Nội đã báo cáo UBND Thành phố phê duyệt kế hoạch tổng thể, khi được phê duyệt sẽ phối hợp với sở, ban, ngành công khai cụ thể, chi tiết.

Về đối tượng được cấp giấy đi đường, Công an TP Hà Nội cho biết đang dự kiến có 6 nhóm đối tượng được cấp.

Nhóm 1: Các cá nhân thực hiện nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan Đảng, nhà nước, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội các cấp; cá nhân thực hiện công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ công vụ, trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác được được quy định tại Chỉ thị 16.

Nhóm này còn bao gồm cá nhân làm việc tại các cơ quan, tổ chức ngoại giao đóng trên địa bàn thành phố. Đối tượng cụ thể là cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ quan, tổ chức ngoại giao của Việt Nam đóng trên địa bàn thành phố.

Cán bộ, nhân viên làm việc tại các cơ quan, tổ chức ngoại giao nước ngoài, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế. Đối tượng này không quy định giấy đi đường mà thực hiện theo các quy định và thông lệ quốc tế.

Nhóm 2: Cá nhân thực hiện nhiệm vụ công tác, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu, bao gồm: Cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ công thiết yếu.

Nhóm 3: Cá nhân trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch, bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; cá nhân khác được huy động tham gia hỗ trợ chống dịch tại các quận, huyện, thị xã.

Nhóm 4: Phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí, truyền thông phục vụ các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao; phục vụ đưa tin hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thành phố; phóng viên, biên tập viên trực tiếp thực hiện tuyên truyền công tác phòng chống dịch; cán bộ thực hiện trực cơ quan.

Nhóm 5: Công dân của các trường hợp: Người thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc như đi cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ, tiêm vaccine và xét nghiệm Covid-19, người chăm sóc người bệnh và người xuất viện. Đối tượng này chỉ cần giấy chứng minh và chứng minh thư/căn cước công dân.

Bên cạnh đó là người đi mua lương thực thực phẩm, yêu cầu bắt buộc là phải có thời gian đi mua cụ thể, giấy đi chợ; thẩm quyền cấp là công an phường, xã, thị trấn. Cá nhân đi sân bay có vé, cá nhân đi đến cơ quan ngoại giao có giấy hẹn của cơ quan ngoại giao, cá nhân đến tòa theo giấy triệu tập của Tòa chỉ cần có chứng minh thư/căn cước công dân và xét nghiệm âm tính trong vòng 72h.

Nhóm 6: Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ công vụ, công ích thiết yếu.

Về quy trình, Công an TP. Hà Nội cho biết có 2 loại quy trình gắn với từng nhóm đối tượng. Đối với nhóm 1, 3 , 4, 5 sẽ có 4 bước:

Bước 1, tổ chức, cá nhân liên hệ trực tiếp công an xã, phường, thị trấn hoặc qua cảnh sát khu vực.

Bước 2, công an xã, phường, thị trấn hướng dẫn tổ chức, cá nhân hướng dẫn thủ tục hồ sơ, tổ chức, cá nhân gửi văn bản đề nghị cấp giấy đi đường qua địa chỉ được cung cấp.

Bước 3, công an xã, phường, thị trấn căn cứ hồ sơ của tổ chức, cá nhân gửi để xét duyệt đồng ý hoặc không đồng ý và gửi mail thông báo cho tổ chức, cá nhân.

Bước 4, trưởng công an xã, phường, thị trấn duyệt, đóng dấu và trả kết quả thông qua cảnh sát khu vực hoặc công an xã, phường, thị trấn.

Đối với nhóm 2, 6 cũng có 4 bước:

Bước 1, các tổ chức, cá nhân liên hệ gửi hồ sơ cấp Giấy đi đường về cơ quan chủ quản có liên quan (Sở Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng...).

Bước 2, cơ quan chủ quan căn cứ đối tượng được quy định đồng ý hoặc không đồng ý, gửi email cho tổ chức cá nhân, gửi hồ sở về Công an Thành phố.

Bước 3, Công an Thành phố chuyển giấy đi đường về cơ quan chủ quản.

Bước 4, cơ quan chủ quản chuyển giấy đi đường cho tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, Công an TP. Hà Nội cho biết sẽ thiết kế một đường dây nóng để tiếp nhận các yêu cầu, đề nghị, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tùy thuộc vào từng việc cụ thể.