Những số liệu khả quan mà ngành dệt may đạt được trong năm 2014 đã cho thấy ngành dệt may đang ngày càng chủ động hơn để đón đầu những cơ hội từ các sân chơi mới. Kết thúc quý III/2014, ngành dệt may đã xuất khẩu được gần 18 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ, tiếp tục đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khá tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
"Khả năng ngành dệt may Việt Nam sẽ đạt được giá trị xuất khẩu từ 24,5 - 25 tỷ USD trong năm nay với mức tăng 16% so với năm ngoái. Đặc biệt, dù chưa sang năm mới nhưng hiện có nhiều dấu hiệu khả quan cho thấy lượng đơn hàng trong quý I/2015 sẽ về nhiều hơn nữa", ông Trường cho biết.
Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của ngành dệt may Việt Nam chia sẻ, đối với một ngành tham gia xuất khẩu chủ lực như ngành dệt may thì các FTA sắp tới chắc chắn sẽ có tác động tích cực trong việc tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên cơ hội cũng đi kèm theo thách thức.
"Nếu doanh nghiệp dệt may Việt Nam không nâng cao năng lực sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, sẽ rất khó để cạnh tranh với các thương hiệu từ châu Âu và các nước khác", ông Việt cho biết.
Trao đổi kinh nghiệm để nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm đón đầu các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, ông Việt chia sẻ, thời gian tới, Tổng công ty May 10 sẽ đầu tư mở rộng nhà máy ở Thanh Hóa và Thái Bình để tăng năng lực sản xuất, đón nhận những cơ hội to lớn từ các FTA mang lại. Đồng thời, May 10 cũng sẽ tiếp tục đầu tư vào đội ngũ thiết kế, mảng kinh doanh nội địa để có thể chủ động cạnh tranh với nguồn hàng may mặc từ Mỹ, châu Âu và các nước.
Theo các chuyên gia dệt may, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng để tận dụng lợi thế khi các FTA có hiệu lực. Trong đó, một số công ty Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc... đã bắt đầu có sự đầu tư lớn vào ngành dệt may tại Việt Nam kể từ đầu năm 2014 đến nay.
Phan Mích