📞

Sau virus corona, cú sốc kinh tế tiếp theo sẽ do một virus tin học

Khánh Linh 13:45 | 19/02/2020
TGVN. Vào thời điểm mà chủ nghĩa đa phương đang thoái trào, khí hậu trái đất đang nóng lên, đại dịch virus corona đang lan rộng, thì những nguy cơ mới đang xuất hiện, khó giải mã hơn so với những gì các chuyên gia thường nghĩ.    
Sau virus corona, cú sốc kinh tế tiếp theo có thể sẽ do một virus tin học. (Nguồn: Vdodata)

Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Natixis khu vực châu Á - Thái Bình Dương Alicia García Herrero cho rằng, nếu chỉ phân tích GDP hay các chỉ số sản lượng, sẽ không phát hiện được các mối đe dọa khác đối với thế giới.

Nguy cơ từ dịch bệnh và y tế

Theo bà A. Herrero, dịch bệnh do virus corona chủng mới (Covid-19) đang phơi bày một sự thật là cả thế giới, tính từ phạm vi châu lục, quốc gia, đến các tập đoàn lớn và cả doanh nghiệp nhỏ… cùng phụ thuộc ở một mức độ chưa từng thấy vào Trung Quốc, bởi bất cứ một cuộc khủng hoảng nào xảy ra tại quốc gia này đều đang cho thấy những tác động lớn nhỏ lan ra toàn cầu.

Trong giai đoạn này, khi hoạt động kinh doanh và sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục bị đình trệ vì bệnh dịch do Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chắc chắn một đòn mạnh sẽ giáng vào nền kinh tế toàn cầu.

Nguy cơ về địa chính trị, xã hội

“Chính trị đã giành lại quyền kiểm soát nền kinh tế”, Tania Sollogoub - người đứng đầu về nghiên cứu rủi ro địa chính trị kinh tế tại Tập đoàn dịch vụ tài chính hàng đầu nước Pháp Crédit Agricole, đã thừa nhận như vậy. Ngay vào năm 2012, sau cách mạng Mùa Xuân Ả rập, chuyên gia kinh tế này đã đưa ra nhiều lập luận ủng hộ quan điểm “cần xem xét lại các tiêu chí xếp hạng tín nhiệm quốc gia, trong đó, việc phân tích rủi ro chính trị cần phải được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu".

Hàng loạt diễn biến xảy ra cho thấy nhận định trên có cơ sở: Brexit - sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy, cuộc nổi dậy của phong trào Áo vàng tại Pháp, các cuộc biểu tình quy mô lớn tại Santiago (Chile), Beirut (Lebanon) hay Bagdad (Iraq). Tất cả các nhà kinh tế đều thống nhất về nguồn gốc gây tâm lý bất mãn trong xã hội, đó là sự khủng hoảng của các thể chế đại diện, sự sụt giảm của tỷ trọng lao động trong giá trị gia tăng, khoảng cách giàu nghèo, bất công về thu nhập gia tăng và cả sự bất an của tầng lớp trung lưu.

Trong những năm 2000, tình trạng bất bình đẳng gia tăng đã được che đậy khéo léo bởi khả năng tiếp cận rất dễ dàng với tín dụng và nợ của các hộ gia đình trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Từ đó, các chính phủ bị dồn vào chân tường. Các phong trào xã hội tác động mạnh đến định hướng kinh tế và ngân sách của các quốc gia, buộc các nước phải tăng chi tiêu công dưới danh nghĩa chia sẻ công bằng hơn của cải vật chất.

Trong bản đánh giá về nguy cơ địa chính trị xuất bản tháng 1/2020, công ty quản lý tài sản hàng đầu thế giới BlackRock đưa ra một phân tích về tình hình hiện tại, trong đó “các chính sách phân phối lại đang làm tăng thuế doanh nghiệp, cùng với một thị trường lao động cứng nhắc, buộc các doanh nghiệp phải tăng lương và các phúc lợi khác. Cùng với những ích lợi trên một số mặt thì nó cũng sẽ làm giảm lợi nhuận và tác động xấu đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp”.

“Sự bất ổn” mà người ta vốn thường cho rằng, chỉ hạn chế ở các nước nghèo và đang phát triển, giờ đang lan rộng ra khắp hành tinh. Trong khi các chuỗi cung ứng được triển khai trên nhiều châu lục, kéo theo “các nguy cơ” cũng được “toàn cầu hóa”, thì hiện lại là thời điểm của xu hướng co cụm và của cạnh tranh địa chính trị.

BlackRock cảnh báo rằng, “trong một môi trường mà các liên minh và các thể chế trên thế giới bị suy yếu hoặc ngày càng thiếu vắng, chúng ta thật sự lo ngại về khả năng giới lãnh đạo chính trị xử lý cuộc suy thoái tiếp theo của kinh tế thế giới”.

Nguy cơ về môi trường

Nguy cơ này được thể hiện thông qua tần suất cao hơn các thiên tai và xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Nhìn lại quá trình phát triển trên thế giới, chắc người ta khó có thể quên được một trong những sự kiện bi thảm do ô nhiễm môi trường đã từng xảy ra với Thủ đô của một nước phát triển như Anh. Tháng 12/1952, thảm họa được gọi là “London smog” hay là “sương mù do ô nhiễm ở London”, đã khiến 12,000 người chết.

Ngân hàng Trung ương Pháp gần đây đã tuyên bố sẽ buộc các ngân hàng và các công ty bảo hiểm của Pháp phải chuẩn bị cho kịch bản các ngành kinh tế bị đe dọa trước những thay đổi sâu sắc về công nghệ hay về khung pháp lý liên quan đến năng lượng tái tạo. Chẳng hạn, sự thay đổi các tiêu chuẩn chống ô nhiễm đã từng tác động nghiêm trọng đến ngành công nghiệp xe hơi và tác động này chắc chắn sẽ càng lớn hơn cùng với trào lưu thay đổi hành vi của người tiêu dùng hiện nay và trong tương lai gần.

Tin tặc

Theo số liệu thống kê tính tới cuối năm 2019, số người sử dụng Internet toàn cầu đã vượt quá 4,5 tỷ, tức khoảng 58,8% dân số thế giới. Internet đã được ứng dụng tạo nền tảng cho một không gian sống thông minh, phục vụ đắc lực và đem lại lợi ích to lớn cho con người, song cũng vì thế tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn bao giờ hết.

Tập đoàn Internet cấp số và tên miền ICANN, nơi quản lý tất cả các tên miền quốc tế trên thế giới từ năm ngoái đã đưa ra mức cảnh báo cao nhất đối với cơ sở hạ tầng Internet đang đối mặt với các cuộc tấn công quy mô lớn, đe dọa đến hệ thống lưu lượng truy cập web toàn cầu. Chính phủ các nước cũng đang phải chi không ít tiền, “đau đầu” ứng phó với mã độc và hàng loạt hành vi tấn công mạng với mục đích xấu khác.

Nếu trước đây, thiệt hại do các sự cố an ninh mạng thường chỉ được nêu ở dạng chung chung, không có các thước đo cụ thể về thiệt hại, các nạn nhân cũng ngại công bố mức thiệt hại quy ra tiền, thì nay, người ta đã dần thấy được rõ ràng. Chẳng hạn, tháng 9/2019, thông tin từ một máy chủ chứa dữ liệu của trên 419 triệu người dùng Facebook trên toàn thế giới đã bị rò rỉ trên mạng. Bất kỳ ai cũng có thể truy cập dữ liệu của trên 133 triệu người dùng Mỹ, 18 triệu người dùng Anh và 50 triệu người dùng Việt Nam mà không gặp khó khăn nào.

Hay hai mã độc nổi tiếng WannaCry và NotPetya đã lan truyền nhanh chóng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công ty có quy mô lớn nhỏ khác nhau trên toàn thế giới và khiến nhiều tổ chức rơi vào tình trạng bế tắc. Mã độc WannaCry được ước tính đã lây nhiễm tới khoảng 200.000 máy tính trên 150 quốc gia, qua các phiên bản Microsoft Windows. Còn chi phí toàn cầu gây ra bởi các cuộc tấn công do NotPetya rơi vào khoảng 1,2 tỷ USD.

Tin tặc là một nguy cơ hiện hữu khác đối với các nền kinh tế và nó không còn xa lạ. Người ta đã tổng kết được rằng, mỗi giây trên không gian mạng toàn cầu trung bình có 108 cuộc tấn công mạng và 32 mã độc mới được tạo ra. Bởi vậy, trong khi cả hành tinh đang đổ dồn sự chú ý về Covid-19, có khả năng cú sốc kinh tế tiếp theo sẽ do một con virus tin học.

(theo Le Monde)