Đây là một khu vực có trị trí chiến lược và quan trọng đối với hoạt động vận tải biển toàn cầu. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Riyadh đang tranh giành ảnh hưởng với các đối thủ trong khu vực như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar.
Các đại diện đến từ Ai Cập, Djibouti, Somalia, Sudan, Yemen và Jordan đã nhóm họp ở Riyadh ngày 12/12 nhằm thảo luận về sáng kiến nêu trên, song chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng.
Một nhóm chuyên gia dự kiến sẽ “sớm” gặp nhau ở Cairo để tiến hành các cuộc đàm phán kỹ thuật.
Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir. (Nguồn: Reuters) |
Phát biểu với báo giới sau các cuộc họp kín diễn ra trong ngày, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir cho biết: “Đây là một phần của những nỗ lực của Saudi Arabia để bảo vệ những lợi ích của họ cũng như lợi ích của các nước láng giềng và… để ổn định khu vực mà chúng tôi đang sinh sống, cũng như cố gắng xây dựng sự tương trợ lẫn nhau giữa nhiều quốc gia…”.
Theo ông Jubeir, mục đích cần hướng tới là tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các quốc gia trong khu vực và giảm thiểu những tác động tiêu cực từ bên ngoài đối với khu vực này.
Cuộc họp cũng đề cập đến việc tăng cường hợp tác thương mại và bảo vệ môi trường. Như một phần của nỗ lực nhằm đa dạng hóa nền kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, Saudi Arabia đã công bố một số dự án lớn ở dọc vùng Biển Đỏ, trong đó một đặc khu kinh tế hợp tác đầu tư cùng với Ai Cập và Jordan, trị giá 500 tỷ USD.
Biển Đỏ cũng bao gồm cả eo biển Bab al-Mandeb, nơi ước tính có 3,2 triệu thùng dầu mỗi ngày được chuyên chở qua đây để tới châu Âu, Mỹ và châu Á. Trong những năm gần đây, tuyền đường biển chiến lược này đã trở thành mục tiêu tấn công của các nhóm cướp biển và lực lượng phiến quân Houthi, vốn được Tehran hậu thuẫn, ở Yemen.