Trong buổi họp báo công bố kết quả điều tra chi tiết về vụ sát hại ông Khashoggi, Cơ quan Công tố Saudi Arabia cho biết, nhà báo này “đã bị trói chặt và tiêm một loại thuốc với liều lượng lớn, khiến ông bị sốc thuốc và tử vong”.
Theo cơ quan trên, âm mưu sát hại ông Khashoggi bắt đầu từ ngày 29/9. Khi đó, cựu Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Tình báo Saudi Arabia (GIP), ông Ahmad al-Assiri đã ra lệnh các nhân viên tình báo thuyết phục ông Khashoggi về nước. Nếu quá trình thuyết phục thất bại, họ có thể sử dụng vũ lực.
Ông này đã thành lập một đội tiến hành chiến dịch này gồm 15 người, chia làm 3 nhóm gồm: nhóm đàm phán, nhóm thông tin tình báo và nhóm hậu cần. Người đứng đầu nhóm đàm phán đã ra lệnh sát hại ông Khashoggi.
Cơ quan Công tố Saudi Arabia tiết lộ nhà báo Jamal Khashoggi đã bị một nhóm điệp viên Saudi Arabia tiêm một loại thuốc, khiến ông bị “sốc thuốc” và tử vong. (Nguồn: Twitter) |
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir đã bác bỏ đề nghị của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc điều tra quốc tế nhằm làm sáng tỏ vụ sát hại nhà báo Khashoggi tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước.
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Riyadh, Ngoại trưởng Jubeir cho biết, Chính quyền Riyadh có cơ quan điều tra riêng và phản đối một cuộc điều tra độc lập về vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Ông Jubeir nhấn mạnh, đây là một "vụ việc pháp lý", do đó thuộc thẩm quyền của tòa án Saudi Arabia.
Cùng ngày, Văn phòng Công tố Saudi Arabia cũng cho biết, sẽ đề nghị kết án tử hình đối với 5 nghi can bị cáo buộc có dính líu trong vụ sát hại nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi.
Theo đó, có tổng cộng 11 người bị buộc tội, trong đó có 5 người phải đối mặt với án tử hình vì có dính líu trực tiếp trong việc ra lệnh và thực hiện tội ác này.