TS. Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch VUSTA thông tin về việc cấp chứng chỉ Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN tại Hội nghị CAFEO 38. (Ảnh: Lê Hồng/ VUSTA) |
Sáng 23/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức họp báo công bố việc tổ chức Hội nghị Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN lần thứ 38 (CAFEO 38).
Hội nghị được tổ chức trực tuyến, có sự tham gia của 10 thành viên thuộc các tổ chức ASEAN với chủ đề "Phát huy Sáng kiến và Hành động của Liên đoàn Kỹ sư ASEAN trong xây dựng cộng đồng ASEAN bền vững và thịnh vượng".
Phát biểu tại buổi họp báo, TS. Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch VUSTA cho biết, CAFEO 38 sẽ tiếp tục khẳng định cam kết của Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN trong việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến 2025 và Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững (Chương trình nghị sự 2030) thông qua việc củng cố vai trò nòng cốt của các kỹ sư trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; khởi xướng các chương trình hợp tác kỹ thuật chất lượng cao, thúc đẩy việc sử dụng công nghệ, kỹ thuật số để xây dựng cộng đồng ASEAN kết nối, công bằng và thịnh vượng.
Đồng thời, TS. Nghiêm Vũ Khải khẳng định, đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng của tổ chức Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam với ngành kỹ sư tại các nước ASEAN. Việt Nam đã có sự tham gia qua nhiều năm trong Liên đoàn các Tổ chức Kỹ sư ASEAN và đánh giá đây được coi là bước đột phá trong việc hội nhập quốc tế của giới kỹ sư tại Việt Nam.
CAFEO 38 sẽ có các hội thảo, hoạt động: Hội thảo trực tuyến về Giao thông vận tải với chủ đề: Tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành Giao thông và Logistics ASEAN; Hội thảo trực tuyến về Ứng phó Thảm họa với chủ đề: Lập bản đồ Khu vực Thảm họa và rủi ro nhằm Giảm thiểu tác động của thảm họa thiên tai, trọng tâm sử dụng dụng thiết kế kỹ thuật; Hội thảo về Phát triển hệ thống Năng lượng ASEAN với chủ đề: Giải pháp công nghệ và quản lý trong kết nối cơ sở hạ tầng về năng lượng lấy con người làm trung tâm; Hội thảo Quốc tế với chủ đề: Vai trò của Kỹ sư ASEAN đối với các vấn đề phát triển bền vững của ASEAN: Sáng kiến, tăng cường hợp tác giữa khối kỹ sư ASEAN và các nước châu Á - Thái Bình Dương; Trao tặng danh hiệu cao quý cho các cá nhân có nhiều cống hiến và trao chứng chỉ Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN.
TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA cho biết việc đăng ký và được cấp chứng chỉ Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN giúp các kỹ sư có nhiều lợi thế khi đấu thầu các dự án, xét giao nhiệm vụ. (Ảnh: Lê Hồng/ VUSTA) |
Từ 18-26/11, các phiên chuyên đề được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, với nhiều nhóm chuyên môn như: kỹ thuật công trình xây dựng, kỹ thuật chế tạo, lắp đặt điện, kỹ thuật nồi hơi, đào tạo...
Các thành viên cũng chia sẻ về các công nghệ mới, công nghệ thông minh ứng dụng trong ngành năng lượng, công nghệ xanh bảo vệ môi trường, giúp ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.
Lễ khai mạc chính thức được tổ chức trực tiếp hôm 25/11 tại Hà Nội. Lãnh đạo Chính phủ sẽ tới dự, phát biểu khai mạc.
Để được đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp, người đăng ký phải tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật, hoạt động liên tục trong lĩnh vực 7 năm, trong đó 2 năm giữ vị trí chủ chốt như chủ nhiệm dự án, trưởng nhóm..., tham gia quá trình đào tạo liên tục và có đạo đức nghề nghiệp.
Khi áp tiêu chuẩn này, hàng năm hội đồng đăng bạ kỹ sư của Việt Nam do VUSTA chủ trì và đề xuất Ban Thư ký thường trực xét duyệt. Các ngành kỹ thuật có thể đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp gồm 45 lĩnh vực (xây dựng, cầu đường, điện, năng lượng...).
Hiện có khoảng gần 3.000 kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN được đăng bạ, trong đó nhiều nhất là Malaysia với gần 1.000 kỹ sư, Lào là quốc gia ít nhất (chỉ có 6 kỹ sư đăng bạ).
Theo TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA cho biết, năm nay có 112 kỹ sư được cấp chứng chỉ tại Hội nghị CAFEO 38, nâng tổng số kỹ sư được công nhận của Việt Nam lên 322 người.
"Việc đăng ký và được cấp chứng chỉ Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN giúp các kỹ sư có nhiều lợi thế khi đấu thầu các dự án, xét giao nhiệm vụ", TS. Phạm Văn Tân nhấn mạnh.
Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN được thành lập từ năm 1982 với thành viên là các tổ chức kỹ sư của 10 nước ASEAN, nhằm đề ra định hướng và phê chuẩn đề xuất của các tiểu ban chuyên môn. Hàng năm tổ chức này sẽ xét duyệt và cấp chứng chỉ công nhận Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN cho các hồ sơ đủ điều kiện. |