📞

Sẽ có trật tự mới trong lĩnh vực tiền tệ, đồng USD hết thời làm 'bá chủ'?

Đức Hưng 13:30 | 30/03/2022
Một số nhà quan sát dự báo sự lên ngôi của các đồng tiền có tiềm năng thay thế đồng USD của Mỹ, chẳng hạn như đồng Euro của châu Âu hoặc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.

Đồng USD đã giữ vai trò trung tâm của hệ thống tiền tệ toàn cầu trong hơn 7 thập niên kể từ sau Thế chiến II, góp phần quan trọng vào việc nâng cao quyền lực của nước Mỹ, cả về kinh tế và chính trị, cũng như bôi trơn “bánh xe” của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, những năm gần đây đã xuất hiện một số yếu tố mới đáng chú ý, có thể làm lung lay vị thế bá chủ toàn cầu của đồng bạc xanh.

Trung Quốc đã nỗ lực đẩy mạnh quốc tế hóa sử dụng đồng Nhân dân tệ (NDT) kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Các loại tiền điện tử như Bitcoin cũng phát triển mạnh với tổng số vốn hóa thị trường đạt gần 3.000 tỷ USD vào tháng 11/2021, tạo ra bước nhảy vọt đáng kinh ngạc so với chỉ 14 tỷ USD vào 5 năm trước.

Sự phát triển của "stablecoin" (đồng tiền mã hóa được neo vào giá trị của tài sản dự trữ ổn định) cũng đáng chú ý, thể hiện bằng sự gia tăng vốn hóa thị trường của đồng Tether, từ khoảng 4 tỷ USD vào tháng 1/2020 lên 80 tỷ USD trong tháng này.

Trong khi đó, phần lớn ngân hàng trung ương các nước cũng đang nghiên cứu triển khai các loại tiền kỹ thuật số do nhà nước quản lý. Đi tiên phong trong số các nền kinh tế lớn là Trung Quốc đã thí điểm đồng NDT kỹ thuật số với phạm vi dân số lớn.

Liệu sự phát triển của những đồng tiền mới này có thể thách thức trật tự tiền tệ toàn cầu với vị thế bá chủ của đồng USD và làm thay đổi bản đồ tiền tệ thế giới hiện nay hay không?

Đây chắc chắn là một trong những những vấn đề quan trọng quyết định tương lai của môi trường kinh tế chính trị toàn cầu, vì những diễn biến nói trên có thể tác động đến năng lực quản lý nhà nước trong điều hành nền kinh tế, sự vận hành của nền kinh tế thế giới và cán cân quyền lực toàn cầu.

Trước sự trỗi dậy của các đồng tiền điện tử, vị thế bá chủ toàn cầu của đồng bạc xanh có khả năng vẫn được giữ vững trong thời gian khá dài. (Nguồn: Combo News)

Đồng USD đang đối mặt với thách thức nào?

Giáo sư Benjamin J. Cohen, Đại học California (Mỹ), chuyên gia nổi tiếng và là tác giả của 18 cuốn sách về tài chính và tiền tệ quốc tế, cho rằng, đồng USD đối mặt với hai thách thức nổi bật.

Thứ nhất, một số nhà quan sát dự báo sự lên ngôi của các đồng tiền có tiềm năng thay thế đồng bạc xanh, chẳng hạn như đồng Euro hoặc đồng NDT. Lịch sử cho thấy trật tự tiền tệ toàn cầu là một quá trình luôn xoay chuyển, mọi đồng tiền quốc tế cuối cùng đều bị thay thế.

Thứ hai, khoản nợ liên tục gia tăng của Mỹ là nguy cơ đe dọa đến uy tín tài chính của nước này. Từng là chủ nợ lớn nhất thế giới, nhưng hiện tại, Mỹ lại thành con nợ lớn nhất trong lịch sử.

Nhiều người bày tỏ lo ngại rằng, không sớm thì muộn, những khoản nợ khổng lồ có thể làm lung lay niềm tin của thị trường vào đồng USD.

Theo Phó Giáo sư Hyoung-kyu Chey tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia (Nhật Bản), những thách thức đang nổi lên với đồng USD bao gồm cả thách thức bên trong như áp lực lạm phát gia tăng ở Mỹ thời gian gần đây và thách thức bên ngoài như nỗ lực của một số quốc gia, gồm Trung Quốc và Nga, nhằm xây dựng một hệ thống thanh toán quốc tế không sử dụng đồng USD.

Tuy nhiên, ông Hyoung-kyu Chey cho rằng, vị thế bá chủ toàn cầu của đồng bạc xanh có khả năng vẫn được giữ vững trong thời gian khá dài.

Nguyên nhân là đồng USD nắm giữ nhiều lợi thế quan trọng mà không đồng tiền nào khác có được, bao gồm độ sâu và tính thanh khoản của thị trường kho bạc Mỹ và sức mạnh quân sự vượt trội của Washington, vốn được xem là chỗ dựa đảm bảo sự tin cậy của đồng USD.

Tóm lại, vào thời điểm này, không có đồng tiền mạnh nào có thể sánh được với đồng USD.

Xu hướng quốc tế hóa đồng NDT

Giáo sư Benjamin J. Cohen nhận xét, thời gian qua, đồng NDT không đạt được kỳ vọng, song triển vọng với đồng tiền này sẽ khả quan hơn trong những năm tới.

15 năm trước, khi đồng NDT xuất hiện lần đầu trên thị trường quốc tế, nhiều người dự đoán một tương lai tươi sáng cho đồng tiền này. Trung Quốc đang vươn lên trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng như vị trí số 1 về thương mại toàn cầu. Vậy tại sao đồng NDT không thể vượt qua đồng USD?

Ông Benjamin J. Cohen cho rằng trên thực tế, đồng tiền của Trung Quốc đã đạt được rất ít bước tiến, chỉ chiếm chưa đến 3% giao dịch trên thị trường ngoại hối (so với 45% của đồng USD) và không quá 4% lượng dự trữ tiền tệ toàn cầu (so với 60% của USD).

Vấn đề lớn nhất nằm ở sự kiểm soát vốn của chính phủ Trung Quốc, Bắc Kinh không khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài và các ngân hàng trung ương. Chừng nào nước này còn chưa thể mở cửa thị trường tài chính, thì sức hấp dẫn của đồng NDT sẽ còn bị hạn chế.

Phó Giáo sư Hyoung-kyu Chey cũng cho rằng, bất chấp những nỗ lực đáng kể của Bắc Kinh nhằm đẩy mạnh việc quốc tế hóa đồng NDT, tiến độ thực tế đã không phản ánh đúng những dự báo ban đầu.

Kể từ khi đạt đỉnh vào giữa năm 2015, quá trình quốc tế hóa đồng NDT đã giảm tốc và vẫn ở tình trạng trì trệ. Mặc dù vậy, vẫn có một số dấu hiệu đáng chú ý theo hướng tích cực đối với đồng tiền này. Đến nay, thị phần toàn cầu của đồng NDT với vai trò là đồng tiền dự trữ đang tăng dần.

Ngoài ra, chiều hướng sử dụng NDT như một đồng tiền thanh toán quốc tế đã bắt đầu phục hồi kể từ cuối năm ngoái và một lần nữa vượt qua đồng Yen của Nhật Bản. Câu chuyện quốc tế hóa đồng NDT vẫn tiếp tục diễn ra.

Vị thế quốc tế của đồng Euro có gia tăng?

Phó Giáo sư Hyoung-kyu Chey nhận định, Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) có truyền thống duy trì lập trường trung lập đối với việc quốc tế hóa đồng tiền này.

Tuy nhiên, sự bất mãn của châu Âu đối với vai trò thống trị của đồng USD đã gia tăng, phần lớn là do chính sách “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và việc áp đặt “các biện pháp trừng phạt thứ cấp” đã buộc các công ty châu Âu phải tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Do đó, Eurozone hiện có ý tưởng nâng cao vị thế quốc tế của đồng Euro. Tuy nhiên, những điểm yếu chính của đồng tiền này phần lớn vẫn tồn tại, chẳng hạn như Eurozone không có cơ quan chính trị trung ương và sự phân mảnh của thị trường vốn đồng Euro. Điều này có thể sẽ cản trở quá trình quốc tế hóa của đồng tiền chung này.

Theo Giáo sư Benjamin J. Cohen, hiện nay, Euro là đồng tiền quốc tế quan trọng thứ hai trên thế giới, nhưng vẫn kém xa đồng USD.

Cách hiểu đúng nhất thì đây là đồng tiền khu vực, được sử dụng chủ yếu bởi các quốc gia châu Âu và một phần châu Phi. Nhiều người châu Âu muốn nâng cao vị thế của đồng tiền chung, nhưng điều này là khó vì hai lý do.

Một là, trọng tâm của nền kinh tế thế giới đang chuyển sang châu Á, nơi đồng Euro ít được sử dụng hơn.

Hai là, sức hấp dẫn của đồng Euro - đặc biệt với tư cách là một công cụ đầu tư hoặc tài sản dự trữ - sẽ tiếp tục bị hạn chế nếu như không đạt được sự thống nhất thực sự về tài chính và ngân hàng giữa 19 nước thành viên Eurozone.

Thách thức từ Bitcoin và các loại tiền điện tử khác

Giáo sư Benjamin J. Cohen chỉ ra rằng, tiền điện tử có cả hai mặt: Hứa hẹn và thách thức.

Về mặt tích cực, tiền điện tử có thuộc tính ẩn danh, cũng như khả năng thực hiện giao dịch nhanh chóng và hiệu quả. Thông qua công nghệ chuỗi khối (blockchain), một tác nhân thị trường có quyền truy cập vào các hệ thống thanh toán phi tập trung, độc lập với cả chính phủ và ngân hàng tư nhân.

Tuy nhiên, tiền điện tử cũng đặt ra ba nguy cơ. Thứ nhất, sự cạnh tranh giữa các loại tiền điện tử có thể khiến các nhà tài trợ đứng sau các đồng tiền này chấp nhận rủi ro lớn hơn, dẫn đến cách thức “điều hành ngân hàng mới theo kiểu cũ”.

Thứ hai, như Bitcoin đã chỉ ra, nguy cơ biến động giá không kiểm soát đã hạn chế tính hữu ích của tiền điện tử với vai trò là một phương tiện trao đổi.

Thứ ba là khả năng gây ra mối đe dọa thực sự đối với cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, đe dọa bất ổn kinh tế vĩ mô.

Bất chấp sự tăng trưởng ngoạn mục về mức độ phổ biến dưới dạng tài sản ảo, tiền điện tử vẫn ít được sử dụng với chức năng như một đồng tiền truyền thống. Nguyên nhân chủ yếu là giá cả biến động mạnh, gây cản trở việc đặt niềm tin vào đồng tiền này.

Hơn nữa, trong trường hợp của Bitcoin, được mệnh danh là “vua tiền điện tử”, phí giao dịch đã tăng đáng kể, làm suy yếu lợi thế của đồng tiền này như một phương tiện thanh toán xuyên biên giới hoặc chuyển tiền ra nước ngoài.

Hiện tại, tiền điện tử dường như bị giới hạn sử dụng chủ yếu ở các giao dịch như đầu cơ tài sản hoặc các hoạt động tài chính bất hợp pháp. Đây có thể không phải là viễn cảnh mà những người đam mê tiền điện tử muốn hình dung.

(theo The Korea Herald)