📞

Sẽ thống nhất mã QR trên các ứng dụng phòng chống Covid-19 từ 1/11

Vân Chi 21:51 | 29/10/2021
Theo ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), bắt đầu từ ngày 1/11, việc thống nhất mã QR trên các ứng dụng (app) liên quan chống dịch sẽ được triển khai trên cả nước.

Ngày 29/10, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo tuyên truyền Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT được ban hành hết sức kịp thời, phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế xã hội hiện nay.

Nghị quyết 128 được người dân, doanh nghiệp, các tầng lớp xã hội đồng tình ủng hộ; tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng, chống dịch; chính sách chống dịch sẽ quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP trong tình hình mới. Đây là những quy định tạm thời để chuẩn bị cho 2 chiến lược là Chiến lược thích ứng an toàn mới với đại dịch Covid-19 và Chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế. Cả 2 chiến lược này đều đang được xây dựng.

Hội thảo tuyên truyền Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, ngày 29/10. (Nguồn: VGP News)

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn khẳng định: “Đây là hội nghị đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế tổ chức, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác truyền thông chủ động đi trước. Hội thảo nhằm trao đổi cặn kẽ những vướng mắc, những nội dung quan trọng cần được truyền thông tốt hơn và để các cơ quan báo chí có kiến nghị, đóng góp với Bộ Y tế trong thực tế truyền thông phòng, chống dịch”.

Sẽ sớm thống nhất mã QR trên các ứng dụng

Giải đáp thắc mắc về việc người dân gặp nhiều khó khăn khi quét mã QR vì mã QR của mỗi người trong mỗi ứng dụng chống dịch khác nhau, ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đơn vị này và Bộ Công an đã thống nhất việc triển khai mã QR trên các app chống dịch hiện nay.

Ông Đỗ Công Anh khẳng định: "Ngay đầu tuần sau (1/11), việc thống nhất mã QR trên các app liên quan chống dịch sẽ được triển khai trên cả nước".

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng cho biết, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đang gấp rút triển khai để đảm bảo các dữ liệu trên các app này sẽ như nhau. Đặc biệt, hành khách đi đường hàng không từ nay sẽ không phải khai bản cam kết viết giấy mà sẽ quét mã QR trên ứng dụng PC-Covid quốc gia.

Về vấn đề hộ chiếu vaccine, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Văn Tuyên, Chính phủ đã giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai. Vừa qua, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã công nhận hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ.

"Chúng ta gọi là hộ chiếu vaccine nhưng bản chất đó là giấy chứng nhận đã tiêm đủ số liều vaccine theo quy định", Thứ trưởng Đỗ Văn Tuyên lưu ý và cho biết, Bộ Y tế đã ban hành giấy chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine, cả tiếng Việt và tiếng Anh, chuyển cho Bộ Ngoại giao và một số đại sứ quán ở Hà Nội.

Trong thời gian tới, chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ được cập nhật và tích hợp vào một ứng dụng chung để người dân có thể thuận tiện đưa ra khi di chuyển.

Đối với trường hợp người nước ngoài đã tiêm đủ liều vaccine theo quy định, Thứ trưởng Đỗ Văn Tuyên cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn những đối tượng này cập nhật vào hệ thống, "để làm sao người nước ngoài vào Việt Nam cũng giống như người Việt Nam đi đến đâu cũng có thể quét được mã QR".

Nghiên cứu lập đoàn kiểm tra liên ngành việc chấp hành Nghị quyết 128/NQ-CP

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong triển khai Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 là vừa bảo đảm thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, không “cát cứ”, không chia cắt, tránh mỗi nơi làm một kiểu, vừa đồng thời phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các địa phương.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin, tại cuộc họp sáng 29/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Văn phòng Chính phủ tham mưu đề xuất lập Đoàn kiểm tra liên ngành việc chấp hành và thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP tại các địa phương để triển khai.

Việt Nam đã cấp phép 2 loại vaccine để tiêm cho trẻ em

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trước tình hình diễn biến của dịch, tình hình dịch tại các địa phương hiện nay cơ bản được kiểm soát.

Tính đến ngày 29/10, Việt Nam đã tiếp cận được hơn 107 triệu liều vaccine phòng Covid-19, đã tiêm được hơn 78 triệu liều. Gần 40% người dân trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 liều vaccine.

Việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 tại nước ta dựa trên cơ sở hướng dẫn chuyên môn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), của các đơn vị sản xuất vaccine đối với từng loại vaccine khác nhau.

Giai đoạn đầu, Việt NAm triển khai tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó ưu tiên đối tượng trên 50 tuổi vì đây là đối tượng có nhiều bệnh nền đi kèm, nếu mắc thì tình trạng bệnh sẽ nặng hơn các đối tượng khác.

Sau thời gian tổ chức tiêm, theo hướng dẫn của các nhà sản xuất vaccine khác nhau và Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, đến nay, cần phải mở rộng đối tượng tiêm để bao phủ độ tuổi tiêm vaccine phòng bệnh trên cả nước.

Về việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ em, trước mắt, Việt Nam sẽ tiêm cho trẻ 16-17 tuổi và ưu tiên khu vực có nguy cơ cao. Hiện mới có 2 loại vaccine phòng Covid-19 được cấp phép có thể tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna của Mỹ. Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương cập nhật số liệu để báo cáo.

Liên quan thông tin học sinh phải tiêm vaccine mới được đi học, đại diện Bộ Y tế cho biết các khu vực xanh, học sinh vẫn đi học bình thường, việc học trực tiếp hay trực tuyến sẽ do địa phương quyết định, phù hợp với điều kiện thực tế.