TIN LIÊN QUAN | |
Đất hiếm - Bài “trả đũa” của Trung Quốc với Mỹ | |
Trung Quốc chạy đua đào tạo trí tuệ nhân tạo với Mỹ |
Không ít vị phụ huynh Trung Quốc chọn mặc áo dài Thượng Hải hoặc trang phục màu đỏ để đem lại may mắn cho con cái trong kì thi tuyển sinh đại học. (Nguồn: SCMP) |
Áo gile, xường xám bằng lụa đỏ, hoa hướng dương màu vàng hay biển đăng ký xe “số đẹp” đều được không ít bậc cha mẹ của quốc gia tỉ dân coi là tấm “bùa hộ mệnh” với mong muốn con cái sẽ may mắn vượt qua kỳ thi và giành được tấm vé vào cánh cửa đại học.
Từ trang phục…
Dưới cái nắng gắt của mùa Hè, hàng triệu học sinh trung học Trung Quốc đã bắt đầu bước vào “cao khảo” - kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia được mệnh danh là có tỉ lệ chọi cao nhất thế giới. Các ông bố, bà mẹ “mê tín” của Đại lục đã sử dụng mọi mánh khóe từ xa xưa để thuyết phục các vị thần may “để tâm” đến người thân của họ.
Đối với những vị phụ huynh có gu thời trang, trang phụ truyền thống áo dài Thượng Hải, còn gọi là xường xám của Trung Quốc, được coi là “bí kíp” hiệu quả nhất nhằm thu hút sự chú ý của vị thần may mắn. Bên ngoài điểm thi tại quận Triều Dương – khu trung tâm của Thủ đô Bắc Kinh, có rất nhiều bà mẹ Trung Hoa Đại lục đang diện loại trang phục này trong lúc chờ con thi xong.
Người dân Trung Quốc quan niệm rằng, áo dài Thượng Hải với thiết kế được xẻ tà ở hai bên sẽ đem lại may mắn như tên gọi của nó. Trong tiếng Trung, từ xường xám được đọc gần giống với cụm từ “thành công ngay từ lần đầu tiên”.
Người Trung Quốc quan niệm rằng, các loại trang phục và màu sắc nhất định sẽ mang lại may mắn. (Ảnh: Simon Song) |
Trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post, bà mẹ tên Chen có con gái 18 tuổi đang tham dự cao khảo bộc bạch: “Tôi mới nghe nói về quan niệm này khoảng một tuần trước, vì vậy tôi vội vàng mua một chiếc xường xám. Con gái tôi chỉ cười vì điều đó, nhưng tôi thì rất nghiêm túc. Đây là điều tối thiểu tôi có thể làm cho con”.
Không ai dám chắc về việc bà Chen mặc áo dài có thể tăng điểm thi cho con gái, song một điều chắc chắn là những nhà bán lẻ áo dài Thượng Hải là người được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng thời trang có phần “mê tín” này.
Là chủ sở hữu cửa hàng bán quần áo online có trụ sở tại Thượng Hải, Zhu Jing cho biết, trong giai đoạn thi cử gắt gao này, doanh số của xường xám truyền thống chỉ riêng ngày 8/6 đã đạt 400 chiếc, hơn 4 lần doanh thu thông thường của cửa hàng.
Bên cạnh đó, số lượng những phụ nữ đủ tuổi sinh con mua hàng đã tăng đột biến. “Có sự thay đổi đột ngột trong độ tuổi của khách hàng, dao động từ 20 đến 40 tuổi. Trong quá trình tư vấn, một số khách hàng đã trò chuyện với chúng tôi và cho biết họ muốn mua xường xám để phục vụ cho kỳ thi cao khảo”.
Cảnh tượng các bà mẹ Trung Quốc diện xường xám đợi con ở các điểm thi đang trở nên phổ biến tại Trung Quốc trong những ngày gần đây. (Ảnh: Simon Song) |
Về màu sắc của những chiếc váy, bà chủ Zhu nói rằng, theo truyền thống của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, màu đỏ – biểu tượng của may mắn, cùng với màu xanh lá cây – được phát âm gần giống với từ “khứ” trong tiếng Trung, và sự kết hợp của màu xám và màu vàng – bính âm giống từ “huy hoàng”, là ba sự lựa chọn được yêu thích nhất và thường xuyên ở trong tình trạng “cháy hàng”.
“Tuy nhiên, màu sắc phổ biến nhất là chiếc váy xường xám với đường kẻ màu vàng và hoa hồng đỏ,” chủ cửa hàng Zhu nói.
Về phần mình, trong khi các bà mẹ chọn phong cách thanh lịch trong chiếc xường xám bằng lụa, các ông bố lại có ít lựa chọn thời trang hơn khi khoác lên mình những chiếc áo gile đơn giản. Đây được cho là chiếc áo mang lại may mắn, vì chữ đầu tiên của từ “gile”, phiên âm tiếng Trung là mã giả, giống với thành ngữ “mã đáo thành công” của Trung Quốc.
Năm 2018, nhân viên của một trường thuộc tỉnh Giang Tô đã đề xuất ý tưởng cầu chúc may mắn cho học sinh trong trường bằng cách kêu gọi tất cả cô giáo mặc áo dài Thượng Hải và tất cả thầy giáo mặc áo gile màu đỏ trong ngày thi.
Về phần các thí sinh, không ít những người “mê tín” kiểu sành điệu đã chọn áo phông và giày thể thao do hãng Nike sản xuất. Trong những năm gần đây, các sản phẩm của Nike đã trở thành trang phục thiết yếu cho những thí sinh, vì sự tương đồng giữa logo của công ty Nike và dấu tích - biểu tượng thành công phổ quát của thế giới.
… tới hoa, bánh gạo và biển số xe
Không chỉ dừng lại ở niềm tin rằng trang phục sẽ đem lại may mắn trong kỳ thi, hoa hướng dương cũng đang tạo thành “cơn sốt” mới trong số các ông bố bà mẹ hiện đại với công dụng như chiếc bùa may mắn.
Một người kinh doanh hoa tươi ở quận Triều Dương, Bắc Kinh chia sẻ, xu hướng kinh doanh hoa hướng dương tại đây đang phát triển rất tốt.
“Niềm tin rằng hoa hướng dương là tấm bùa hộ mệnh may mắn đã xuất hiện trên mạng xã hội của Trung Quốc vài năm trước và nhiều phụ huynh bắt đầu tin vào điều đó. Hiện tại, tôi có khá nhiều khách hàng đặt hoa hướng dương mỗi năm vào khoảng thời gian này,” chủ tiệm bán hoa cho biết.
Bên cạnh xường xám và trang phục màu đỏ, hoa hướng dương mới đây cũng trở thành tấm bùa hộ mệnh mới trong kỳ thi tuyển sinh đại học tại Trung Quốc. (Nguồn: China Daily) |
Một quan niệm lâu đời khác dựa trên từ đồng âm là truyền thống cho học sinh ăn bánh gạo trước khi kiểm tra. Tập tục xuất phát từ tỉnh Giang Tô và Chiết Giang này khiến người ta tin rằng những thí sinh ăn bánh gạo sẽ “đỗ với thành tích cao”, vì tên của món ăn này đọc giống như cụm từ đỗ đạt trong tiếng Trung.
Hành trình đi đến thành công ở kỳ thi tuyển sinh đại học chắc chắn là mục tiêu của toàn bộ các giáo viên và nhân viên tại trường trung học Maotanchang thuộc tỉnh An Huy nằm ở phía Đông Nam Trung Quốc. Tại đây, mỗi năm có hơn 10.000 học sinh được rèn luyện theo phong cách quân đội để vượt qua kỳ thi đầy chông gai và mệt mỏi này.
Nổi tiếng với chương trình học tập khó, trường trung học Maotanchang được mệnh danh là “máy cao khảo” khi sử dụng bùa may mắn và duy trì quan niệm truyền thống trong đợt thi đại học hằng năm.
Theo đó, tất cả tài xế đưa học sinh của trường đến các điểm thi đều phải có biển số xe “666”. Mặc dù đây là con số không có ý nghĩa đối với người Hồi giáo và Kitô giáo, nhưng trong tiếng Trung, “666” có nghĩa là thuận buồm xuôi gió, suôn sẻ.
Theo báo cáo của Pear Video, con số phổ biến trên mạng xã hội cũng như trong giới học sinh và phụ huynh tham gia kì thi năm nay là “91666”, đọc gần giống với cụm “tôi chỉ muốn mọi thứ diễn ra suôn sẻ”.
Quan hệ thương mại "gần gũi" với Trung Quốc, Thụy Sỹ nhận cảnh báo từ Mỹ Ngày 4/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo Thụy Sỹ có quan hệ thương mại "gần gũi" với Trung Quốc, lo nước này để ... |
Căng thẳng gia tăng, Trung Quốc cảnh báo công dân sinh sống tại Mỹ Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nước ngày càng leo thang, ngày 3/6, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo công dân ... |
Lập bản đồ những vùng đất mê tín nhất thế giới Nếu đi du lịch tại Italy, Đức và một số vùng của Mỹ, đừng cầm một cốc nước và nâng lên chúc mừng bởi như ... |