Buổi "Gặp gỡ đối tác châu Âu - châu Mỹ năm 2022" vừa được Bộ Công Thương tổ chức mới đây. (Nguồn: TTXVN) |
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tại buổi Gặp gỡ đối tác châu Âu - châu Mỹ năm 2022 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây nhằm tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đối tác châu Âu - châu Mỹ.
Đây cũng là cơ hội để Bộ Công Thương cập nhật, gửi gắm các thông điệp về chính sách, kết nối, trao đổi các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, năng lượng... giữa Việt Nam với các nước khu vực châu Âu – châu Mỹ trong bối cảnh cùng hướng tới phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh được dự báo có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.
Cụ thể, dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, thiếu ổn định với nguy cơ lạm phát, giá cả các mặt hàng tăng cao.
Hơn nữa, bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột vũ trang diễn ra ở một số nơi… đã và đang gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng cả trong ngắn và dài hạn, đe dọa đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, nhất là về nguyên, nhiên vật liệu, lương thực, thực phẩm và một số vật tư chiến lược.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang có những tiền đề vững chắc để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Đó là sự ổn định về chính trị và ổn định kinh tế vĩ mô; những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội những năm qua; cùng với sự thành công của chiến lược vaccine - đưa Việt Nam nhanh chóng trở thành một trong những nước có độ tiêm phủ vaccine cao nhất thế giới, giúp gia tăng năng lực và khả năng ứng phó với dịch bệnh.
Ngoài ra, Việt Nam còn có thế mạnh khi đang là thành viên đầy đủ, tích cực và có trách nhiệm của 15 Hiệp định thương mại tự do với hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ, các thị trường trọng điểm trên thế giới.
Cùng với đó, Việt Nam có vị trí địa chính trị, kinh tế thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và kết nối với hệ thống logistics toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam được cho rằng đang hội tụ các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa để tiếp tục bứt phá, tăng trưởng nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Để góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định ngành Công Thương tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ.
Mặt khác, tập trung theo dõi, phân tích, đánh giá đúng tình hình, kịp thời có giải pháp phù hợp để tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ vững thị trường; đồng thời, tạo thuận lợi tối đa cho lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Đặc biệt, chú trọng làm tốt tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức bộ máy quản lý; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện và ban hành mới những cơ chế, chính sách đủ mạnh nhằm khơi thông, giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội cho đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại.
Hơn nữa, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành công thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, phát triển công nghiệp, trọng tâm ưu tiên là phát triển công nghiệp nền tảng để làm chủ khu vực sản xuất, nhất là tư liệu cho các ngành công nghiệp xuất khẩu.
Cùng với đó, việc phát triển công nghiệp chế tạo thông minh, tạo bước đột phá trong hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Hơn nữa, khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phù hợp với mục tiêu, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước và bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26).
Mặt khác, hình thành các trung tâm năng lượng lớn theo lợi thế cạnh tranh của các địa phương; phát triển hệ thống thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh để huy động các nguồn xã hội hoá cho đầu tư phát triển.
Đáng lưu ý, ngành tập trung các giải pháp nhằm thực hiện đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, thực thi các hiệp định tự do thương mại; hướng tới hoạt động xuất nhập khẩu mang tính bền vững, cân bằng hơn, góp phần nâng cao hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế.
Hơn nữa, ngành còn tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đặc biệt, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại trên cơ sở phát triển hạ tầng số và các kênh thương mại điện tử nhằm khai thác có hiệu quả thị trường gần 100 triệu dân với sự gia tăng ngày càng cao của tầng lớp trung lưu.
Để thực hiện thành công các nhóm giải pháp đó, bên cạnh những nỗ lực của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kêu gọi sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của các đối tác trong nước và quốc tế; trong đó, có đối tác khu vực châu Âu - châu Mỹ để Việt Nam tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác với các đối tác quốc tế; khai thác hiệu quả các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các hiệp định thương mại tự do, phục vụ thiết thực cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Các Đại sứ, đại diện các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp khu vực châu Âu – châu Mỹ bày tỏ sự nhất trí, ủng hộ và sẵn sàng là đối tác tin cậy, thúc đẩy hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng chung.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Đặng Hoàng An, các Đại sứ và đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp khu vực Âu - Mỹ, các doanh nghiệp đã tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, xuất khẩu.
Đây được coi là một điểm nhấn quan trọng với mục đích quảng bá và giới thiệu về năng lực sản xuất, các sản phẩm có thế mạnh của ngành Công Thương nói riêng và của Việt Nam nói chung, thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách tham dự.
| Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề cụ thể Tiếp tục chương trình làm việc của Phiên họp thứ 9, sáng 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn ... |
| 10 sự kiện tiêu biểu ngành Công Thương năm 2019 TGVN. Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 500 tỷ USD, CPTPP có hiệu lực, EVFTA chính thức được ký kết là những sự kiện nổi bật ... |