Hình ảnh tàu tàu container Ever Given bị mắc cạn ở Kênh đào Suez, Ai Cập, ngày 24/3. (Nguồn: Reuters) |
Hơn 6 ngày trôi qua kể từ sau khi tàu container Ever Given bị mắc kẹt, chắn ngang Kênh đào Suez của Ai Cập, đến nay các nỗ lực giải cứu con tàu đã có tín hiệu tích cực. Sự cố này đang khiến tuyến đường giao thương nhộn nhịp bậc nhất thế giới bị ngưng trệ, hàng hóa mắc kẹt, đẩy giá cả vận chuyển, giá dầu thế giới tăng.
Sự cố hi hữu
Ngày 23/3, một tàu container chở hàng siêu trường siêu trọng bất ngờ bị mắc cạn đã chắn ngang qua Kênh đào Suez ở Ai Cập. Con tàu container này có tên là MV Ever Given, dài 400m, rộng 59m, có thể chở được 224.000 tấn hàng hóa, thuộc sở hữu của một công ty cho thuê tàu có trụ sở tại Imabari, Nhật Bản mang tên Shoei Kisen KK.
Khi mắc kẹt, con tàu với trọng tải 220.000 tấn chở theo hàng trăm container hàng hóa này đang trong hành trình đi qua Tanjung Pelepas ở Malaysia và đang trên đường tới Rotterdam, Hà Lan. Theo dự kiến, tàu sẽ tới đích trong vòng một tuần sau nếu không có sự cố mắc kẹt trên.
Điều đáng lo ngại là giao thông trên tuyến đường thủy nhỏ hẹp chia cắt lục địa châu Phi với bán đảo Sinai đã đình trệ do bị tàu chở hàng MV Ever Given chắn ngang ''án ngữ''. Dữ liệu vệ tinh từ MarineTraffic.com cho thấy mũi tàu của Ever Given chạm vào bờ phía Đông của kênh đào, trong khi phần đuôi tàu đang tựa vào bờ phía Tây.
Ngay sau sự cố, Ai Cập đã phải huy động toàn lực để tìm cách khiến con tàu Ever Given nhúc nhích. Tuy nhiên sau hơn 6 ngày liên tiếp, “siêu tàu” chở hàng Ever Given hiện vẫn mắc kẹt trong Kênh đào Suez của Ai Cập, làm tê liệt dòng chảy thương mại hàng hải thế giới đi qua kênh đào này.
Trong bối cảnh đó, Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập ngày 25/3 đã phải ra thông báo tạm thời đình chỉ giao thông tại Kênh đào Suez để giải cứu tàu Ever Given, một quyết định được đưa ra sau khi giới chức quản lý nhận thấy rằng các nỗ lực giải tỏa mắc kẹt tốn nhiều thời gian hơn so với dự tính trước đó.
Tuy nhiên điều này lại khiến số lượng tàu hàng bị mắc kẹt ở hai đầu kênh đào tăng vọt. Đến ngày 28/3, số lượng tàu bị dồn ứ và đang chờ để đi qua kênh đào Suez đã lên tới 369 chiếc.
Nhận thấy những ảnh hưởng tiêu cực mà sự cố trên gây ra, đặc biệt đối với thị trường năng lượng từ Trung Đông, chính quyền Mỹ đã đề nghị hỗ trợ phía Ai Cập giải cứu tàu mắc kẹt trên thông qua Đại sứ quán Mỹ tại Cairo.
Truyền thông tại Mỹ đưa tin, lực lượng hải quân của nước này đã gửi đánh giá nạo vét kênh đào để tư vấn cho các nhà chức trách Ai Cập về cách giải cứu con tàu. Lực lượng hải quân Mỹ tại Trung Đông cũng tuyên bố đã sẵn sàng triển khai lực lượng để giải cứu tàu hàng container Ever Given.
Ngày 28/3, một đội cứu hộ Hà Lan cũng đưa thêm 2 tàu kéo nữa đến Suez để hỗ trợ lực lượng chức năng Ai Cập. Trong khi đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ cũng có thể cử 1 tàu xử lý đến kênh đào để giúp Ai Cập, trong bối cảnh hai nước đang thúc đẩy hàn gắn quan hệ sau nhiều năm căng thẳng.
Tuyến hàng hải quốc tế quan trọng Kênh đào Suez là kênh giao thông nhân tạo nằm trên lãnh thổ Ai Cập, chạy theo hướng Bắc-Nam, đi ngang qua eo Suez tại phía Đông Bắc Ai Cập. Con kênh có chiều dài hơn 193 km, nối biển Địa Trung Hải với Biển Đỏ thuộc Ấn Độ Dương. Đây là tuyến đường vô cùng quan trọng, giúp lưu thông hàng hóa trực tiếp giữa châu Âu và châu Á mà không phải vòng qua châu Phi. Theo GlobalSecurity.org, thời gian di chuyển qua con đường thủy này chỉ vào tầm 13-15 giờ. Được xây dựng từ năm 1859, với hơn 150 năm tuổi, Kênh đào Suez vẫn là tuyến vận tải quan trọng cho dầu thô, hóa chất và các sản phẩm tinh chế đi từ Trung Đông và châu Á-Thái Bình Dương đến châu Âu và Bắc Mỹ. Cơ quan Giám sát kênh đào Suez (SCA) cho biết, năm 2020, gần 19.000 lượt tàu thuyền đi qua kênh đào Suez với tổng trọng tải ước tính 1,17 tỷ tấn, đã giúp Ai Cập có được nguồn doanh thu là 5,6 tỷ USD từ kênh đào Suez mang lại. |
Thương mại toàn cầu bị xáo trộn nghiêm trọng
Sự cố tàu Ever Given của Panama bị mắc kẹt ở Kênh đào Suez được nhận định có thể khiến hoạt động giao thương toàn cầu rơi vào kịch bản tồi tệ. Bởi đây là con đường duy nhất để đi từ biển Địa Trung Hải vào Biển Đỏ và Ấn Độ Dương.
Tắc nghẽn giao thông kéo dài ở cả hai đầu kênh đào khiến hàng trăm tàu đang phải dừng lại để chờ đi qua kênh đào. Dữ liệu mới nhất ngày 28/3 cho thấy, số lượng tàu hàng bị kẹt lại hai đầu kênh đào Suez đã lên đến hơn 369 tàu, so với con số hơn 168 tàu trong ngày 25/3..
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), phương thức vận tải chính của thương mại toàn cầu hiện nay là vận tải hàng hải với khoảng 90% hàng hóa giao dịch được chuyển thông qua đường biển. Sự cố với tàu Ever Given lại xảy ra đúng vào thời điểm cực kỳ khó khăn với các chuỗi cung toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Hoạt động vận chuyển bằng đường biển vốn đang chịu áp lực lớn do thiếu hụt container trầm trọng và tàu vận chuyển, do đó việc tắc nghẽn tại kênh đào Suez kéo dài sẽ gây xáo trộn nghiêm trọng hoạt động thương mại toàn cầu.
Đối với Ai Cập, mỗi ngày kênh đào bị tắc nghẽn sẽ khiến nước này bị tổn thất lớn về kinh tế khi mất đi khoản thu phí 700.000 USD với mỗi tàu đi qua. Nhưng quan trọng hơn, với chuỗi cung ứng toàn cầu, việc kênh đào Suez tắc nghẽn khiến các tàu container không thể vận chuyển thực phẩm, nhiên liệu, sang châu Âu, hay đưa hàng hóa xuất khẩu từ châu Âu sang các nước phía Đông. Điều này sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất, thương mại ở cả châu Âu và châu Á.
Các chuyên gia ước tính cứ mỗi ngày trôi qua sẽ có khoảng 10 tỷ USD giá trị hàng hoá bị tắc lại tại khu vực kênh đào. Trong đó lưu lượng hàng hoá phía Tây kênh đào Suez trị giá khoảng 5,1 tỷ USD/ngày, phía Đông trị giá khoảng 4,5 tỷ USD/ngày.
Theo Allianz, nhà bảo hiểm tàu biển hàng đầu, các tàu thuyền sẽ chịu thêm chi phí lâu dài và tốn kém nếu kênh đào Suez không sớm được khai thông. Nếu chuyển hướng tàu sang Mũi Hảo vọng ở phía Nam châu Phi sẽ khiến các tàu thuyền phải mất thêm 2 tuần nữa để di chuyển, chưa kể là quãng đường di chuyển tăng thêm hơn 9.600 km và chi phí nhiên liệu vận hành tàu sẽ tăng thêm 300.000 USD, chưa tính đến các chi phí khác.
Mặc dù vậy, hiện nhiều tàu chở hàng vốn thường qua Suez đã phải chuyển hướng, chấp nhận chi phí tăng thêm nhiều lần để hàng hóa giao cho khách hàng không bị chậm chễ quá lâu.
Sau sự cố trên, tại châu Âu, một số hãng vận tải hàng hải đã phải ra thông báo cho biết hoạt động vận chuyển cao su tổng hợp tới đối tác Ấn Độ sẽ bị trì hoãn trong vòng 7 ngày tới. Bên cạnh đó, ít nhất 2 tàu từ châu Á chở 10.000 tấn hóa chất công nghiệp cũng không thể cập cảng châu Âu theo đúng lịch trình.
Giới quan sát cảnh báo, tác động có thể thấy rõ trước mắt là việc giá cước vận chuyển đường biển, đặc biệt là giá cước vận chuyển container, sẽ tăng cao trong thời gian tới dưới các tác động của sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez.
Hiện giá vận chuyển container loại 40 feet từ khu vực Trung Quốc đến Châu Âu đã đạt 8.000 USD/container, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, trên một số tuyến vận tải vốn không đi qua kênh đào Suez, giá cước vận chuyển cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng lên do thiếu hụt lượng tàu vận chuyển khi nhiều tàu khác bị mắc kẹt tại khu vực kênh đào.
Cơ quan định giá độc lập quốc tế về các thị trường năng lượng và hàng hóa Argus Media thì dự báo, do sự đình trệ của Kênh đào Suez, giá container phế liệu sắt dự kiến sẽ tăng lên 900 USD/container cho tuyến vận tải từ Mỹ đến Đài Loan (Trung Quốc) vào ngày 1/4 tới, so với mức tương ứng 800 USD/container của tháng 3.
Không chỉ khiến giá cước vận tải đường biển tăng mà sự cố tàu Ever Given còn đẩy giá nhiều loại hàng hoá quan trọng như cà phê, dầu thô, thiết bị điện tử tăng lên. Thị trường dầu mỏ toàn cầu đã ngay lập tức phản ứng với sự cố kênh đào Suez bị tắc nghẽn.
Thị trường này vốn đã chịu áp lực gần đây khi các nhà đầu tư tính toán cung và cầu cho giai đoạn tiếp theo trong đại dịch. Giá dầu thô Brent giao sau đã tăng gần 6% ngay trong ngày 24/3 khi các thương nhân đánh giá tác động của sự cố trên kênh đào. Sau đó giá dầu lại tăng mạnh vào ngày 25 và 26/3.
Sau sự cố ở Kênh đào Suez, các nhà máy lọc dầu của châu Âu và Mỹ có thể sẽ buộc phải tìm kiếm nguồn cung thay thế nếu tình trạng tắc nghẽn kéo dài, khiến giá dầu tăng cao. Đồng thời, tuyến vận chuyển dầu thô từ Biển Bắc tới châu Á cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngay cả khi việc giải phóng thành công tàu Ever Given thì lượng lớn tàu hàng bị dồn vào 2 đầu kênh đào sẽ khiến tình trạng tắc nghẽn ở khu vực này chưa thể chấm dứt ngay.
Nhà cung cấp dịch vụ hàng hóa độc lập toàn cầu ICIS nhận định bất kỳ tác động nào khác đối với hoạt động vận tải hàng hóa có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nguồn cung ở một số thị trường hiện nay.