Những người già đi dạo cùng người thân tại một công viên ở Singapore. (Nguồn: AFP) |
Kor Ter Ming vẫn luôn nhớ về kỳ nghỉ hằng năm của gia đình, khi ông cùng cha mẹ và em trai thường đến du lịch ở bờ biển phía Đông của Malaysia. Trên du thuyền chạy ngoài khơi Pahang và Terengganu, cha ông nhắc nhở 2 con trai về sự quan trọng của chuyến du lịch cả gia đình.
Giờ đây, ông Kor, 61 tuổi vẫn tiếp tục truyền thống gia đình khi ít nhất 1 lần trong năm, ông sẽ cùng vợ và 2 con đi du lịch cùng nhau. Trong một số dịp, cha ông - cụ Kor Hong Fatt, 87 tuổi cũng sẽ đi cùng con cháu.
"Ý tưởng đi du lịch cùng gia đình xuất phát từ cha tôi, nên việc có ông cụ tham gia cùng vợ con tôi là một điều tuyệt vời", ông Kor - một người lái taxi, nói. "Điều này sẽ khiến chuyến đi có ý nghĩa trọn vẹn hơn".
Tuy vậy, không phải ai cũng cảm thấy vui vẻ khi phải phụng dưỡng cha mẹ già. Đối với Martha Lee (tên giả), việc phải một mình chăm sóc mẹ già 92 tuổi đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống cá nhân của bà.
Mặc dù được trợ giúp tài chính từ 5 anh chị em khác, Martha, 60 tuổi, không chồng, phải từ bỏ một công việc toàn thời gian chỉ để gánh vác trách nhiệm phụng dưỡng mẹ trong hơn 15 năm qua. Nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn khi chứng mất trí của cụ ngày càng nặng hơn và sức khỏe của bà cũng yếu dần.
Nghỉ hưu chưa chắc được nghỉ ngơi
Kor Ter Ming và Martha Lee thuộc về "thế hệ sandwich" của Singapore - những người vừa phải chăm sóc cha mẹ già vừa phải chu cấp cho con cái. Những người thuộc thế hệ này đa phần vào khoảng từ 30-60 tuổi, nhưng cũng có một số người đã nghỉ hưu (60-70 tuổi).
Ông Kor Ter Ming (thứ 2 từ phải sang) cùng vợ con và cha. (Nguồn: SCMP) |
Khi Singapore đứng đầu thế giới về tuổi thọ trung bình (gần 85 tuổi), những người nghỉ hưu ở quốc gia Đông Nam Á này không hẳn là người già nhất trong gia đình. Hiện tại, tỷ lệ sinh tại Singapore đang giảm trong khi tuổi thọ trung bình vẫn tăng lên nhanh chóng.
Trong Thông điệp quốc gia vào tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết những người sống trên 100 tuổi tại Singapore đã tăng hơn gấp đôi, từ 500 người vào năm 2007 lên 1.300 người vào năm nay. Điều này có được là do hệ thống chăm sóc y tế đẳng cấp thế giới cũng như biện pháp phòng bệnh nan y từ sớm.
Tuy nhiên, trong khi Singapore hiện có thể xem là dân tộc sống lâu nhất thế giới, tỷ lệ người dân có sức khỏe kém lại cao hơn cách đây 30 năm. Một nghiên cứu được tiến hành năm nay cho thấy, từ 2009 đến 2017, tỷ lệ người già mắc ít nhất 3 bệnh nan y đã tăng gấp đôi. Bên cạnh những khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, ngày càng nhiều người Singapore hơn 60 tuổi mắc các vấn đề sức khỏe như cao huyết áp, cholesterol trong máu cao, đục thủy tinh thể, viêm khớp và béo phì.
Trong khi những người thuộc "thế hệ sandwich" như Kor Ter Ming và Martha Lee có thể nhờ những người anh chị em khác chia sẻ trách nhiệm chăm sóc cha mẹ, thế hệ tiếp theo có thể khó có điều kiện như vậy. Người Singapore đang có xu hướng sinh ít con hơn. Tỷ lệ sinh hiện tại là 1,4 con/ cặp vợ chồng, thấp hơn so với mức 2,1 được nhà nước khuyến nghị. Ví dụ, Martha có 5 anh chị em để chia sẻ gánh nặng chăm mẹ, nhưng ông Kor chỉ có 2 con.
Một cụ bà bán hàng tại công viên ở Singapore. (Nguồn: AFP) |
Áp lực càng nặng nề
Theo dự báo, áp lực đè lên "thế hệ sandwich" sẽ càng nặng nề hơn trong tương lai. Vào năm 2050, khoảng 3,1 triệu người Singapore - tương đương 47% dân số - sẽ từ 65 tuổi trở lên.
Kịch bản này sẽ khiến cho lực lượng dân số trong độ tuổi lao động phải dành thời gian chăm sóc những người lớn tuổi, theo Yorelle Kalika - CEO của một công ty chăm sóc sức khỏe người cao tuổi có chi nhánh ở Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore. Bà Kalika cho biết thêm, vào năm 2035, khoảng 26% người cao tuổi ở Singapore sẽ gặp phải các căn bệnh mãn tính, khiến người Singapore buộc phải dựa vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp.
Việc người dân ngày càng già đi cũng phát sinh nhiều chi phí tốn kém hơn. Năm nay, một báo cáo của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu cho thấy những người Singapore từ 65 tuổi trở lên và sống một mình cần 1.379 SGD/ tháng cho những nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Đối với những người từ 55 đến 64 tuổi, con số này là 1.721 SGD.
Theo chuyên gia Helen Ko, Đại học Khoa học xã hội Singapore, chính phủ Singapore đang chuẩn bị nhiều biện pháp đối phó với tình trạng già hóa dân số. Chẳng hạn, bằng việc nâng tuổi nghỉ hưu lên 65, chính phủ tạo điều kiện cho người dân có thể làm việc lâu hơn, có thêm nguồn lực để chăm sóc cha mẹ già. Bên cạnh đó, khoản trợ cấp hằng tháng 200 SGD cũng phần nào hỗ trợ người dân trong việc phụng dưỡng đấng sinh thành.
Dù vậy, bà Ko cho rằng người Singapore vẫn cần chuẩn bị cho một giai đoạn khó khăn hơn. "Họ cần phải chuẩn bị để gánh vác trách nhiệm chăm sóc, đồng thời đảm bảo cho bản thân họ một cuộc sống vui vẻ lúc xế chiều", bà Ko nói.