📞

Sinh viên vẫn thất nghiệp dù doanh nghiệp thiếu người, vì đâu?

Hoài Nam 07:59 | 22/12/2020
TGVN. Các doanh nghiệp tuyển người vô cùng khó, rơi vào cảnh khủng hoảng thiếu người trầm trọng trong những năm gần đây, dù sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều.
Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung cho rằng, doanh nghiệp không thể nào tuyển được người dù sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều, do việc vào đại học quá dễ dàng, giá trị tấm bằng giảm đi...

"Ai không thèm vào đại học mới không học đại học"

Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục IRED nhấn mạnh đến nghịch lý đã được đề cập từ lâu tại sự kiện "Tự học hay được dạy" diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vừa qua.

Ông Trung cho hay, sự thật là sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều nhưng doanh nghiệp lại không thể nào tuyển được người.

"Các doanh nghiệp tuyển người vô cùng khó, phải nói là rơi vào cảnh khủng hoảng thiếu người, thiếu người trầm trọng trong những năm gần đây. Sinh viên ra trường nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn không thể tuyển được người", ông Trung nói.

Theo ông Trung, trước đây, để vào được đại học rất khó, cạnh tranh rất khốc liệt, ai vào được đại học phải nói là "vinh quy bái tổ". Tâm lý nhiều người, vào đại học xem như xong, có tấm bằng đã là hơn người. Lúc đó, tấm bằng chính là lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động. Nhưng bây giờ, việc vào đại học dễ dàng quá, phải nói "ai không thèm vào đại học thì mới không học đại học".

Giá trị của tấm bằng giảm đi, sự cạnh tranh trên thị trường lao động của người có bằng đại học giảm đi. Để đáp ứng được yêu cầu thực tế, theo ông Trung, chúng ta không thể dựa vào tấm bằng mà mỗi người dù tốt nghiệp này nọ, vẫn phải không ngừng tự học.

Thiếu khả năng tự học

Tại buổi chia sẻ, các diễn giả nhận định, nhân sự của chúng ta thiếu khả năng tự học ngay từ thời... còn đi học ở trường lớp. Nhiều người, ngay từ bé đã mất đi mục tiêu học tập là học cho mình, học để khai phóng bản thân mà học vì điểm số, học theo cái nhìn, đánh giá của mọi người, của xã hội.

Tiến sĩ giáo dục Bùi Trân Phượng cho hay, cốt lõi của việc học phải đến từ sự chủ động của người học chứ không phải từ người dạy. Người dạy nào, phương pháp nào cũng không thể thực hiện nếu người học không học.

Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta mất đi khả năng tự học, tìm cách học phù hợp khi giáo dục dùng "một liều thuốc cho tất cả các bệnh nhân", đưa ra một tiêu chuẩn áp lên cho mọi đứa trẻ.

Ông Hoàng Mạnh Hải, giảng viên cao cấp tại Học viện Quản lý PACE đưa ra công thức học tập 70 - 20 - 10 dành cho các bạn trẻ.

Trong đó, mỗi người cần dành 70% công sức, thời gian để học ngay từ việc mình đang làm bằng cách đặt ra mục tiêu cho bản thân. Dù vị trí công việc rất nhỏ nhưng hãy dốc hết sức, hãy đặt mục tiêu 2 năm tôi sẽ là chuyên gia ở vị trí đó.

20% là học từ những người xung quanh như bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới của mình. Người thầy ở ngay xung quanh chúng ta, nhưng rất nhiều người không chịu học.

"Để làm được điều này phải thật sự khiêm nhường. Đối với việc học, trong con người chúng ta có cái rất vô ích nhưng lớn lên mỗi ngày chính là cái tôi, nó khống chế chúng ta khiêm nhường và học hỏi", ông Hải nói.

Ông Hải cho rằng, chỉ có 10% chúng ta học từ thầy trên lớp, học từ sách vở theo tổ chức trường lớp.

Trong khi đó, ông Giản Tư Trung cho biết, mỗi người có một cách học khác nhau, phải tự tìm hiểu, tìm ra cách học phù hợp của mình. Có người hợp với học ở trường lớp, có người phát triển với việc học bên ngoài, học bằng cách đi làm.

Nhưng bất kỳ ai, để thành công cũng đều phải học, nhiều người bỏ trường chứ không bỏ học. Học để trở thành con người chuyên môn và con người văn hóa.

(theo Dân trí)