📞

Nhân tố nào đang giúp Campuchia hút vốn FDI từ khắp thế giới, tăng hơn 50% số dự án trong năm 2024?

13:29 | 21/12/2024
Nền kinh tế đang phát triển và môi trường kinh doanh thân thiện của Campuchia đã thu hút sự quan tâm đáng kể từ cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Các dự án đầu tư vào Campuchia tăng hơn 50% trong năm 2024. (Nguồn: b2b-cambodia.com)

Sáng 20/12, Thủ tướng Campuchia Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), đã chủ trì phiên họp đầu tiên của CDC trong chính phủ nhiệm kỳ VII tại Cung Hòa bình ở thủ đô Phnom Penh.

Theo báo cáo công bố ngày 20/12, CDC đã phê duyệt tổng cộng 414 dự án đầu tư trong năm 2024, tăng 54% so với con số 268 dự án của năm 2023. Báo cáo cho biết thêm, các dự án đầu tư được chấp thuận có tổng vốn đầu tư là 6,9 tỷ USD, tăng 40% so với mức 4,927 tỷ USD của năm 2023.

Ông Sun Chanthol, Phó Thủ tướng kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất CDC, cho rằng Campuchia có sự gia tăng mạnh mẽ các dự án đầu tư là nhờ nền hòa bình, sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, khuôn khổ pháp lý và quy định được cải thiện, cũng như sự tăng trưởng của kinh tế Campuchia.

Ông Sun Chanthol nêu rõ, Chính phủ Hoàng gia đã chủ động giải quyết những khó khăn và thách thức của khu vực tư nhân nhằm cải thiện môi trường đầu tư cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hồi tháng 11/2024, phát biểu tại hội thảo về chính sách kinh tế hiện hành của Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia, ông Sar Senera, Phó Tổng thư ký Ban Đầu tư Campuchia thuộc CDC cho rằng, môi trường kinh tế vĩ mô của nước này cởi mở với đầu tư, khi đưa ra những đảm bảo và bảo vệ cho các nhà đầu tư, đồng thời khuyến khích sự tham gia vào nhiều lĩnh vực và hoạt động đầu tư khác nhau.

Ông Sar Senera cho biết thêm rằng, Campuchia là thị trường đầu tư hấp dẫn, mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường xuất khẩu trong khu vực ASEAN, cũng như một số quốc gia khác, nơi các sản phẩm sản xuất tại Campuchia được hưởng mức thuế thấp hoặc không chịu thuế theo những hiệp định thương mại tự do.

Trả lời báo giới, ông Lim Heng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia nói rằng, các dự án mới được phê duyệt trải rộng hầu hết mọi lĩnh vực, mặc dù phần lớn tập trung vào sản xuất hàng may mặc, giày dép và hàng du lịch. Tuy nhiên, các khoản đầu tư gần đây cũng được ghi nhận vào những lĩnh vực như sản xuất lốp xe, điện tử, xây dựng và một số ngành dịch vụ.

Ông Lim Heng nói thêm rằng, đây là một điểm đáng tự hào của đất nước, nơi tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh, Campuchia được công nhận vì các điều kiện thuận lợi cho kinh doanh, bao gồm luật đầu tư, sự ổn định chính trị, lực lượng lao động mạnh mẽ và thị trường xuất khẩu rộng lớn.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia và Người phát ngôn Penn Sovicheat cho biết thỏa thuận Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Campuchia-Trung Quốc (CCFTA), cùng với luật đầu tư mới của Campuchia, là những yếu tố chính thu hút dòng vốn FDI vào nước này.

"Cả RCEP và CCFTA đều là nam châm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Campuchia", ông nói với THX. "FDI, đặc biệt là từ Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tăng trưởng thương mại và xóa đói giảm nghèo của Campuchia".

Campuchia là một trong những nền kinh tế có hiệu suất hoạt động cao nhất ở Châu Á. Khi đất nước thoát khỏi những tác động kinh tế và xã hội của cuộc khủng hoảng Covid, người ta dự đoán rằng sẽ nhanh chóng quay trở lại mức tăng trưởng cao như trước Covid, KPMG nhận định.

Trong khi đó, Anthony Galliano, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn của Cambodia Investment Management Holdings (CIM), cho biết có động lực tích cực đối với các dự án đầu tư tại Campuchia. “Điểm tích cực là sự đa dạng của các dự án, giúp phát triển cơ sở hạ tầng, dẫn đến sự phục hồi của chi tiêu trong nước và tăng phân bổ cho sản xuất”, ông lưu ý.

“Mặt tiêu cực là sự tập trung đáng kể của đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, chủ yếu là do các hiệp định thương mại, thỏa thuận Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do Campuchia-Trung Quốc (CCFTA) và xu hướng địa chính trị ngày càng gia tăng. Campuchia vẫn là điểm đến mạnh mẽ cho các khoản đầu tư sản xuất kỹ năng thấp hơn trong lĩnh vực may mặc, hàng du lịch và giày dép”, Anthony Galliano nói.

CDC được thành lập vào ngày 5/8/1994, với sứ mệnh thu hút đầu tư vào Campuchia.

(theo THX, TTXVN)