📞

So găng sức mạnh công nghệ vũ khí Trung Quốc và Nga

17:09 | 02/05/2021
Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) nhận định tốc độ phát triển công nghệ vũ khí của Trung Quốc đang tăng nhanh, trong khi của Nga lại bị cản trở bởi nhiều yếu tố. Tuy nhiên, cả hai đều là những đối thủ chính về vũ khí công nghệ cao trong 20 năm tới.
So găng sức mạnh vũ khí Trung Quốc và Nga. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga)

Giám đốc DIA, Trung tướng Scott D. Berrier nói Trung Quốc sẽ "hiện đại hóa cơ bản" quân đội trong sáu năm và đặt mục tiêu giới thiệu các công nghệ quân sự "đột phá" nhất vào năm 2030-2035, theo tài liệu mà Ủy ban Quân vụ Thượng viện cung cấp cho tạp chí Không lực của Mỹ ngày 29/4.

Trong hai thập kỷ tới, bất kỳ cường quốc nào trong số ba cường quốc - Trung Quốc, Nga hoặc Mỹ - đều có thể chiếm vị trí dẫn đầu “trong một hoặc nhiều lĩnh vực và tìm cách phát triển các khái niệm và năng lực quân sự để tận dụng các lợi thế đã nhận thức được”, Tướng Berrier nói. Bất kỳ quốc gia nào trong số ba nước đều có thể nghĩ ra vũ khí hoặc khái niệm mới “ thay đổi tính chất của chiến tranh”.

Nhưng phương pháp tiếp cận của Trung Quốc - mà Berrier gọi là “hợp nhất quân sự-dân sự” - cố tình làm mờ ranh giới giữa các nỗ lực công nghệ dân sự và quân sự, và việc Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào những nỗ lực này tạo ra “mối đe dọa lớn nhất đối với ưu thế công nghệ của Mỹ”.

Trên thực tế, theo ông Berrier, Trung Quốc đã “đạt được cấp độ ngang hàng hoặc gần ngang hàng trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu” và đã nhắm đến 57 công nghệ cụ thể để vượt qua và vượt xa quân đội Mỹ.

DIA nói không lâu nữa, Trung Quốc “gần như chắc chắn có thể ngăn chặn các lực lượng của Mỹ và đồng minh ở khoảng cách xa lục địa Trung Quốc hơn trước nhiều”, đồng thời tăng cường lực lượng triển khai sức mạnh của mình.

Đến năm 2027, Trung Quốc kỳ vọng có thể thắng một số lượng nhỏ các cuộc xung đột quân sự ngắn hạn nhưng cấp độ cao - “bao gồm cả việc cưỡng bức thống nhất Đài Loan” - trong khi răn đe, làm nản lòng hoặc đánh bại bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của bên thứ ba. Đến năm 2050, Trung Quốc có kế hoạch trở thành cường quốc quân sự thống trị thế giới.

Để nhấn mạnh bước tiến của Trung Quốc, DIA lưu ý Trung Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu tàng hình J-20 mới đến khu vực biên giới với Ấn Độ trong thời gian căng thẳng gần đây giữa hai nước.

DIA nói Trung Quốc đã không làm chậm quá trình hiện đại hóa quân sự của mình dù chịu hậu quả của đại dịch Covid-19. “Trung Quốc là một trong những nước dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo, máy tính hiệu suất cao, khoa học thông tin lượng tử, công nghệ sinh học và robot tiên tiến. Việc dẫn đầu trong lĩnh vực này là do năng lực bản địa cũng như “tiếp thu công nghệ nước ngoài hợp pháp và bất hợp pháp”. Điều này đã đưa họ “đi đầu trong nhiều lĩnh vực khoa học.”

Mặt khác, Nga, mặc dù có một tổ hợp công nghiệp-quân sự “khổng lồ”, đã áp dụng chiến lược nhắm mục tiêu vào các công nghệ quân sự để cụ thể là “đối sánh, chống lại hoặc bù đắp” những lợi thế nhận thấy về năng lực của Mỹ và của một số đối thủ khác, thay vì theo đuổi những nỗ lực tiên phong của riêng mình.

Nga có thể sản xuất "số lượng lớn vũ khí" và họ đang cố gắng tăng cường khả năng công nghệ tiên tiến, nhưng nước này "bị thách thức cả về mặt tổ chức và kỹ thuật" để phát triển và tạo ra "các thành phần phụ công nghệ cao cần thiết cho vũ khí tiên tiến" bởi vì “những hạn chế nghiêm trọng về kinh phí, nguồn lực và cơ sở hạ tầng” khoa học và công nghệ.

Do những cách tiếp cận khác nhau này, Trung Quốc “rất có thể sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với ưu thế công nghệ của Mỹ,” ông Berrier nói thêm. Trong ba năm, cộng đồng tình báo đã mô tả Trung Quốc là “mối đe dọa nhanh chóng” đối với quân đội Mỹ.