📞

Sở hữu thế mạnh độc đáo, đây là cách các nhà sản xuất Trung Quốc 'hốt bạc' tại Olympic Paris 2024

Hữu Châu 15:38 | 26/07/2024
Olympic Paris 2024 - sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh được dự báo là sân khấu mùa Hè khổng lồ cho các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc - quốc gia vốn được mệnh danh là "công xưởng của thế giới".
Với những thế mạnh độc đáo, các nhà sản xuất Trung Quốc được dự báo sẽ "thắng lớn" tại Thế vận hội Olympic Paris 2024. (Nguồn: SCMP)

Đêm nay, lúc 01h30 ngày 27/7 (giờ Việt Nam), cả thế giới sẽ hướng về thủ đô Paris nước Pháp và chiêm ngưỡng sự kiện lịch sử và ngoạn mục bậc nhất - khai mạc Thế vận hội Olympic Paris 2024. Điều đặc biệt đáng chú ý là phần lớn các món ăn tại Olympic Paris 2024 sẽ của Pháp, nhưng hàng hóa sản xuất hàng loạt từ Trung Quốc sẽ có mặt ở khắp mọi nơi, từ thiết bị thể thao tiên tiến đến đồ lưu niệm nhỏ.

Sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh năm nay được dự báo là sân khấu mùa Hè khổng lồ cho các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc - quốc gia vốn được mệnh danh là "công xưởng của thế giới".

Ông Yan Zaixing - Tổng giám đốc Sonic Composite Technology – nhà sản xuất duy nhất được chọn cung cấp thiết bị lướt ván buồm cho Thế vận hội Paris 2024 chia sẻ, gần như công ty ông "không có đối thủ" - xét về chất lượng của vật liệu mới và quy trình sản xuất. Đây cũng chính là lý do khiến cho Sonic Composite Technology vượt trội hơn hẳn các nhà sản xuất khác trong cuộc đua trở thành nhà cung cấp trang thiết bị cho Thế vận hội. "Chúng tôi là công ty duy nhất trên thế giới sở hữu chuỗi công nghiệp ưu việt để sản xuất", ông Yan Zaixing tự tin tuyên bố.

Lo ngại chi phí nhân công tăng và tình hình địa chính trị căng thẳng, đặc biệt là cạnh tranh thương mại với Mỹ, nhiều nhà sản xuất đã quyết định chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Ấn Độ hoặc một số quốc gia Đông Nam Á.

Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn có những thế mạnh riêng và sức hút đáng kể khi sở hữu một mạng lưới chuỗi cung ứng toàn diện và tổ chức ưu việt, được thiết lập trong hàng thập kỷ.

Paul Tai, Giám đốc khu vực tại nhà sản xuất và cung cấp giải pháp bán lẻ toàn cầu Mainetti Group, giải thích với những sự kiện có quy mô khổng lồ như Thế vận hội Olympic Paris 2024, sẽ không có nhiều thời gian để hoàn thành đủ các đơn hàng.

“Không nhiều nơi có khả năng làm được điều đó, đặc biệt là trong thời gian ngắn và đòi hỏi chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn", ông Paul Tai nói thêm, đồng thời lưu ý ưu thế của các cụm công nghiệp ở Trung Quốc khi các đơn vị ở đây đều có năng lực tìm kiếm các loại vật liệu khác nhau cần cho sản xuất.

Mainetti Group hiện đang sản xuất đồ lưu niệm cho các vận động viên thể dục dụng cụ Trung Quốc tham dự Thế vận hội và hỗ trợ công ty thiết bị thể thao Anta của Trung Quốc bằng cách cung cấp các phụ kiện như móc treo quần áo cho đội tuyển nước nhà.

Trước đó, công ty của ông Paul Tai đã là đối tác chủ chốt của Ủy ban Olympic quốc tế kể từ năm 2020, cung cấp các sản phẩm đóng gói cho Thế vận hội Tokyo 2020 và Thế vận hội Bắc Kinh 2022.

"Trong tương lai, các ngành sản xuất của Trung Quốc sẽ tiến lên chuỗi giá trị bằng cách sử dụng nhiều trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc tự động hóa hơn trong quy trình sản xuất", ông Tai lưu ý.

Theo Fan Di, Phó giáo sư và Phó khoa Thời trang và Dệt may tại Đại học Bách khoa Hong Kong, cho dù là Ấn Độ hay các quốc gia Đông Nam Á, những trung tâm sản xuất này đều chậm hơn Trung Quốc về mặt xây dựng các hệ thống được công nhận trên toàn cầu.

Theo Tạp chí tin tức hàng tuần của Pháp L’Express, 90% linh vật của Thế vận hội Paris 2024 được sản xuất tại Trung Quốc. Cũng theo Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa xã, rất nhiều mặt hàng đồ lưu niệm phục vụ Olympic, bao gồm mũ, áo phông, đồ chơi, bút, vòng đeo tay và sổ tay được bày bán ở Paris đều được “sản xuất tại Trung Quốc”, một số nhà sản xuất bắt đầu nhận được đơn đặt hàng từ nửa cuối năm ngoái. Các sản phẩm liên quan khác phục vụ cho Thế vận hội – từ đồ thể thao của vận động viên đến ghế sofa lười được sử dụng trong Làng Olympic – đều được sản xuất tại tỉnh Chiết Giang, phía Đông Trung Quốc.

Qiu Dongxiao, Trưởng khoa Kinh tế tại Đại học Lĩnh Nam (Hong Kong, Trung Quốc), nhận định: “Mặc dù chi phí lao động tăng cao hơn, nhưng hậu cần, hiệu quả công việc và vận tải ở Trung Quốc tốt hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực". Ông nói thêm rằng, ngành sản xuất của Trung Quốc rất lớn và khó có thể tìm thấy quy mô như vậy ở các quốc gia khác.

Theo Cơ quan Hải quan tại Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, hôm 21/6, Trung Quốc đã xuất khẩu 1.116 bộ quần áo và đồ dùng chuyên dụng cho nhân viên làm việc của Ủy ban Olympic quốc tế. Đây cũng là một trong những lô hàng lớn nhất mà Bắc Kinh gửi đến Paris.

Giá trị xuất khẩu liên quan đến các sản phẩm phục vụ ngành thể thao của các nhà sản xuất tại tỉnh Chiết Giang đã vượt qua 10 tỷ NDT (khoảng 1,38 tỷ USD) riêng trong 4 tháng đầu năm 2024 - tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Số liệu từ "gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba cũng cho thấy, xuất khẩu thiết bị thể thao sang Pháp tăng vọt vào tháng 3 và các mặt hàng phổ biến bao gồm quần áo tennis, đồ thể thao tùy chỉnh, mũ bảo hiểm tập luyện và túi đựng gậy đánh golf.

“Với trường hợp của Trung Quốc, mặc dù đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực sản xuất tiên tiến, nhưng không phải tất cả các ngành sản xuất cấp thấp đều dịch chuyển ra bên ngoài. Trung Quốc vẫn có những lợi thế cạnh tranh độc đáo”, Stephen Olson, nghiên cứu viên cao cấp tại Diễn đàn Thái Bình Dương và là giảng viên thỉnh giảng, nghiên cứu viên không thường trú tại Viện Yeutter ở tiểu bang Nebraska của Hoa Kỳ, cho hay.

(theo SCMP)