Đây là những cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị quan chức cấp cao của Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế giữa ba dòng sông là Ayeyaoady - Chaopraya - Mekong (ACMECS) lần thứ 7, Hội nghị quan chức cấp cao 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV) lần thứ 8 và Hội nghị WEF-Mekong, diễn trong 2 ngày 25-26/10.
Ông Vũ Quang Minh, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao dẫn đầu đoàn đại biểu SOM Việt Nam dự Cuộc họp Quan chức Cao cấp (SOM) của CLMV. |
Hội nghị có sự tham dự của các đoàn quan chức cấp cao đến từ Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan. Dẫn đầu đoàn đại biểu SOM Việt Nam là ông Vũ Quang Minh, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao tham dự với tư cách nước chủ nhà tổ chức Hội nghị.
Tại đây, các đại biểu cùng thảo luận, kiểm điểm tình hình hợp tác trong khuôn khổ CLMV và ACMECS, trong đó tập trung vào danh sách các dự án ưu tiên chung và song phương.
Tại hai cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận và nhất trí chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 7 và Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 8. Hội nghị cũng thống nhất những nội dung cơ bản của Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao ACMECS 7, CLMV lần thứ 8 về tạo thuận lợi và thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch và nhất trí kiến nghị lên các Hội nghị Cấp cao được tổ chức vào ngày 26/10.
Các trưởng đoàn dự Cuộc họp Quan chức Cao cấp (SOM) ACMECS chụp ảnh lưu niệm. |
Ba Hội nghị được tổ chức sát nhau lần này trở thành sự kiện hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2016. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị ACMECS 7 và Hội nghị CLMV8 với chủ đề “Phát triển tiểu vùng khu vực Mekong: Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và kết nối”.
Mục đích của các Hội nghị này là thúc đẩy các lợi ích của đất nước trong hợp tác khu vực Mekong, củng cố và phát huy quan hệ truyền thống với các nước láng giềng, góp phần làm cho các cơ chế hợp tác này phát triển theo hướng thực chất hơn.
Việc tổ chức thành công các hội nghị nói trên có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam trên tất cả các mặt: chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa; vì lợi ích của Việt Nam nhưng cũng vì lợi ích của các quốc gia thành viên trong tiểu vùng Mekong.
Đây cũng là dịp để Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước và con người, thể hiện sự trọng thị và hiếu khách của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam với bạn bè khu vực.
Hiện Tiểu vùng sông Mekong được đánh giá là khu vực giàu tiềm năng về con người, giá trị dự trữ văn hóa truyền thống, sinh quyển, tài nguyên thiên nhiên và du lịch... Vấn đề quan trọng và lớn nhất đang nổi lên chính là khoảng cách phát triển giữa hai khu vực Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo.
Vấn đề phát triển được đặt ra ở khu vực là phải tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển trong nội khối và giữa các nước trong khu vực, nhằm phát triển bền vững và duy trì tiềm năng lâu dài. Đây cũng chính là lý do tại khu vực này hiện đang dày đặc các cơ chế hợp tác đều vì một mục tiêu chung. Hợp tác CLMV và ACMECS là hai trong số đó. Trên thực tế, hợp tác du lịch là một trong những điểm sáng của các nước trong khu vực. Ngoài ra, hợp tác kết nối hạ tầng cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra một hành lang kinh tế, du lịch, kết nối nguồn nhân lực…
Các hội nghị về Mekong còn có ý nghĩa nhằm thúc đẩy xây dựng các tuyến hành lang kinh tế tại Tiểu vùng Mekong, trong đó có hành lang kinh tế Bắc - Nam; hành lang kinh tế Đông - Tây; hành lang kinh tế phía Nam.